Tối 5/6, Quỹ vaccine Covid-19 ra mắt nhưng thực ra từ trước đó rất lâu, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động chung tay cùng Chính phủ.
Lô vaccine thứ 2 trong hợp đồng 30 triệu liều Bộ Y tế mua thông qua VNVC. Ảnh: Hữu Khoa.
“Chúng tôi tha thiết chia lửa, tìm vaccine cùng Chính phủ”, câu nói của chủ một doanh nghiệp thực sự khiến nhiều người tham dự cuộc họp giữa các ngành hàng và VCCI tuần trước thấy tâm đắc và ấm lòng. Thời điểm đó, các nguồn vaccine mà Chính phủ Việt Nam mới tiếp cận được còn hạn hẹp trong khi số ca nhiễm, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, vẫn leo thang.
Và thực tế là cộng đồng doanh nghiệp đã cấp tập trong việc này. Bà Đỗ Hồng Hạnh – thành viên Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong liên minh hiệp hội doanh nghiệp Việt – Mỹ có đơn vị sẵn sàng đứng ra kết nối với các hãng sản xuất vaccine. Họ đảm bảo, chịu trách nhiệm đưa hàng về Việt Nam, sau khi vaccine được cơ quan y tế kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn mới thanh toán. Rồi hầu hết các hiệp hội ngành nghề khác cũng lên tiếng khẳng định sẵn sàng chịu chi phí tiêm vaccine cho nhân viên để cùng chia sẻ gánh nặng với Chính phủ. Chia sẻ với VnExpress, nhiều doanh nghiệp cho biết đã tìm được nguồn và đang cố gắng để kết nối.
Trước khi câu chuyện tìm nguồn vaccine trở thành vấn đề lớn và Quỹ vaccine Covid-19 được thành lập, rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động “chia lửa” với Chính phủ về tài chính.
Hôm 21/5, Tập đoàn Vingroup mở “phát súng” đầu tiên khi tuyên bố góp số tiền tương đương 4 triệu liều vaccine, không phân biệt loại và giá. Cách đây vài ngày, Vingroup đã tặng 30 máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở và 2 triệu mẫu test, tổng trị giá hơn 460 tỷ đồng. Số thiết bị này sẽ được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam từ nay cho đến hết tháng 8. Đến nay, Vingroup đã tài trợ tiền, hiện vật để chống đại dịch gần 2.300 tỷ đồng, là một trong những đơn vị tiên phong trong hỗ trợ Chính phủ, địa phương và người dân trong Covid-19.
Sau đó, lần lượt các doanh ngiệp khác cũng đồng lòng như Sovico Group và HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng (tương đương 1 triệu liều vaccine), T&T, Hoà Phát, Sovico, Ecopark, các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank… cũng đồng loạt ủng hộ hàng trăm tỷ đồng.
Tập đoàn Sun Group vừa bàn giao Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn nhất miền Bắc trị giá 50 tỷ đồng sau 5 ngày thi công tại Bắc Giang.
Tối 5/6, Quỹ vaccine Covid-19 chính thức ra mắt. Nhưng tính đến 16h ngày 4/6, quỹ vaccine đã tiếp nhận gần 265 tỷ đồng, 8.700 USD và 2.730 EUR tiền ủng hộ trực tiếp từ doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho quỹ.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá doanh nghiệp Việt ngày càng đề cao trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. “Tùy khả năng mà đóng góp nhưng họ luôn tự thấy trách nhiệm mình. Đơn vị có khả năng lớn thì tiên phong trong các chương trình lớn, ủng hộ tài vật nhiều, doanh nghiệp nhỏ hơn thì ‘lá rách đùm lá nát'”, bà nói.
Trong hơn một năm rưỡi Covid-19 xuất hiện, 4 lần bùng dịch cũng là ngần ấy lần bản thân các doanh nghiệp điêu đứng theo.
Nếu danh sách các doanh nghiệp lớn ủng hộ tài chính, vật lực cho Chính phủ và cuộc chiến chống Covid-19 đang ngày một dài ra thì danh sách những “lá rách đùm lá nát” cũng nhiều không kém. Đó có thể là hơn 1.000 hộp bột nước mía sấy đông khô của ông chủ Vinamit Nguyễn Lâm Viên, rau má uống liền của Quảng Thanh, trà linh chi đỏ của Hiếu Nguyễn… ủng hộ cho lực lượng bác sĩ, cán bộ ở TP HCM trong những ngày thành phố nắng nóng cực điểm. Danh sách hàng hoá được bà cập nhật trên trang facebook cá nhân cứ thế kéo dài từ hạt điều của công ty Gia Bảo, bánh của ông Kao Siêu Lực đến cháo ăn liền của SaiGon Foods…
Nhưng không chỉ góp tiền bạc, sản phẩm mới là ủng hộ công tác chống Covid-19. Việc các doanh nghiệp gồng gánh để không đóng cửa, co kéo giờ làm, giảm lương nhân sự cấp cao… nhằm đáp ứng được lương tối thiểu cho nhân viên hay cắt giảm hàng loạt cũng đang giúp đảm bảo an sinh xã hội.
Irit Tamir, Giám đốc mảng Khu vực tư nhân của Oxfam tại Mỹ nhấn mạnh, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong giải quyết tác động về khủng hoảng sức khoẻ, kinh tế do Covid-19 gây ra. Theo bà, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô phải hành động có trách nhiệm vì người lao động nói riêng, cộng đồng nói chung.
Bà cho biết, tại Mỹ, hội nghị bàn tròn của một nhóm các CEO đến từ 181 công ty hàng đầu của nước này đã xác định lại lợi ích của doanh nghiệp không chỉ vì cổ đông mà còn là của công ty, nhân viên, nhà cung cấp. Cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ làm rõ công ty nào chỉ tuyên bố suông, và công ty nào thực sự đặt trách nhiệm vì cộng đồng lên trên lợi nhuận.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp trở thành một đối tác của Chính phủ, trong quá trình chuyển đổi, phát triển cho tương lai.
Dịch bệnh rồi sẽ bị bỏ lại nhưng người lao động, xã hội vẫn luôn nhớ đến những doanh nghiệp đã đặt lợi ích chung lên hàng đầu và “chia lửa” trong cuộc chiến vừa qua.
Doanh nghiệp và người dân có thể chuyển khoản vào tài khoản “Quỹ vaccine phòng Covid-19” mở tại:
– Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank):
+ Tài khoản VND: 2019002019
+ Tài khoản USD: 2019662019
+ Tài khoản EUR: 2019882019
– Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam:
+ Tài khoản VND: 21110009116868
+ Tài khoản USD: 21110371116868
+ Tài khoản EUR: 21110142996868
– Kho bạc Nhà nước: 37610909886691999 (VND), 376109098869.91999 (USD), 37610909878691999 (EUR).
VnExpress tổ chức giải chạy ảo “Run for Vaccine” nhằm kêu gọi cộng đồng cùng tham gia ủng hộ Quỹ Vaccine theo cách đặc biệt. Tham gia vào giải tại đây, bạn không chỉ ủng hộ 100% số tiền đăng ký (100.000 đồng) vào quỹ, mà còn ủng hộ về mặt tinh thần hướng tới lực lượng chống dịch bằng hành động thông qua những bước chạy.
NGuồn VNExpress.net-TT