VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Việt Nam muốn giầu mạnh sứ mệnh đặt lên vai ai?

    Xung quanh câu chuyện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao sức mạnh nội địa và hàng hóa Việt Nam, GS.TS Hoàng Văn Cường – Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân – cho Dân trí biết, muốn đất nước cường thịnh thì một trong những tiêu chí đầu tiên là phải có niềm tin, đặt việc đúng người, đặt người đúng chỗ. Mạnh dạn tin vào năng lực, ý chí và bàn tay, khối óc của người Việt, chúng ta mới thực sự trở nên hùng cường.

GS.TS Hoàng Văn Cường: Việt Nam muốn giàu mạnh, sứ mệnh đặt lên vai ai? - 2

Ảnh minh họa
Năm 2019, 2020, xu hướng kêu gọi quay trở lại “sân nhà”, chú trọng làm tốt trên “sân nhà” để trước tiên bảo vệ thị trường nội địa, sau đó là nâng cao chất lượng và niềm tin của người tiêu dùng Việt vào hàng Việt, ông bình luận gì về vấn đề này?
Nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua bị ảnh hưởng, gián đoạn xuất khẩu do đại dịch nhưng vẫn tăng trưởng dương là chủ yếu nhờ vào thị trường nội địa. Thị trường 100 triệu dân của Việt Nam hiện nay có nhận biết rất rõ là các sản phẩm chất lượng cao, tốt thì họ rất ưa chuộng chứ không còn sính hàng ngoại nữa.
Thị trường trong nước không chỉ là nơi doanh nghiệp lấy làm bàn đạp để vượt qua đại dịch Covid-19, mà cái quan trọng hơn đây chính là “bà đỡ”, là “người mẹ” để phục hồi và tái tạo sức kinh doanh cho doanh nghiệp. Nói về góc độ kinh tế, thị trường trong nước là chỗ đứng chắc chân trước khi đi ra thế giới.
Các doanh nghiệp cần thay đổi kỹ thuật, quản lý và chất lượng để một mặt đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng. Đây cũng là bước để chúng ta nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ để thích ứng được với những quy định khắt khe của các thỏa thuận Hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới.
Chúng ta đều biết cắt giảm thuế, yêu cầu gia nhập thị trường của các nước phát triển là có lộ trình. Chúng ta chưa làm ngay được vấn đề lệ thuộc nguồn cung, cải thiện công nghệ hay mẫu mã sản phẩm thì phải làm từng bước một, làm dần dần. Chính vì vậy, bối cảnh đại dịch cho chúng ta thời gian nghỉ để nhìn ra và sửa lại chiến lược của cả nền kinh tế, để bắt đầu chu kỳ mới, cách thức và phương thức mới trong sự vận động thương mại thế giới.
Theo tôi, khi doanh nghiệp đã nâng được trình độ sản xuất và hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, ở các thị trường lớn, chúng ta sẽ chơi một cuộc chơi sòng phẳng với các nước khác ở mọi đấu trường và không bị lỗi trong xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Năm 2030, mục tiêu chiến lược Việt Nam muốn trở thành nước có thu nhập cao và năm 2045 trở thành nước giàu, sứ mệnh này theo ông nên đặt vào vai ai?
Muốn đất nước vươn lên, có lợi thế cạnh tranh tầm thế giới thì phải có những tập đoàn kinh tế mạnh làm nòng cốt. Đó phải là những tập đoàn nội địa, doanh nghiệp dân tộc. Họ phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh, xương sống của nền kinh tế.
Những tập đoàn này phải là của Việt Nam. Muốn Việt Nam hùng cường không thể dựa vào doanh nghiệp nước ngoài được, họ chỉ đứng chân tại Việt Nam ở những thời điểm nhất định, nếu họ chuyển đi chắc chắn chúng ta không còn lại được gì cả. Người ta hay cảnh báo “nền kinh tế rỗng ruột” là vậy.
Nên nhớ, xu hướng của quốc tế là đưa lợi nhuận về chính quốc, đưa giá trị gia tăng lớn nhất về cho nước mình, các công xưởng, nhà máy ở chỗ khác chỉ là kênh lắp ráp, bán hàng và đặt lợi thế so sánh về chi phí, thuế…
Chiến lược dài hạn của Việt Nam là năm 2045 trở thành nước phát triển thì đòi hỏi chúng ta phải có những doanh nghiệp lớn hàng đầu. Tuy nhiên, con số những doanh nghiệp lớn vẫn còn ít và khá rời rạc. Chúng ta mới chỉ tạo được tiền đề, muốn có được nhiều hơn, chúng ta phải tạo được sân chơi, đặt hàng cho doanh nghiệp hoàn thành.
Đôi khi chúng ta phụ thuộc quá vào FDI mà làm mất đi dư địa của doanh nghiệp trong nước, không còn tin tưởng vào nội lực của doanh nghiệp Việt.
Vậy chúng ta nên có cơ chế giao việc cho doanh nghiệp đứng đầu, người dân nên chấp nhận những sản phẩm Việt thay vì xu hướng sính ngoại từ đầu tư, tiêu dùng?
Cần tạo lập sân chơi cho doanh nghiệp Việt thử sức, cạnh tranh hoặc thử lửa. Ví dụ như chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp có thể làm hệ thống đường cao tốc, cầu đường lớn trong nước… Thành quả này là do chúng ta đã được chuyển giao từ doanh nghiệp Nhật, Úc trước đó và sau này mạnh dạn làm những cây cầu lớn tầm cỡ.
Nếu thuê nước ngoài làm, chúng ta chỉ được một con đường, mà phụ thuộc tất cả. Đặt hàng cho người Việt, chúng ta sẽ có được tất cả. Chúng ta có đường sắt của các nước phát triển làm tại Hà Nội, TPHCM, nó đẹp nhưng chúng ta mua từ công nghệ, mua đến vật liệu. Tại sao không đặt hàng doanh nghiệp, để họ mua phát minh, sáng chế tốt nhất để ứng dụng cho đất nước. Việt Nam hiện nay không còn tụt hậu quá xa so với thế giới. Tôi tin, nếu chúng ta nghiêm túc đặt hàng, rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng.
Chúng ta có được một con đường, một tuyến tàu điện cao tốc của nước ngoài sản xuất nhưng chúng ta còn phụ thuộc họ về cả vật liệu, công nghệ, máy móc và thậm chí phải mua cả cách sửa chữa, con người vận hành. Nhìn về tổng thể, chúng ta vẫn mất nhiều hơn là được.
Không tự tay làm, chúng ta sẽ không bao giờ rút ra được kinh nghiệm và bài học cho mình để phát triển đất nước. Hãy chấp nhận đặt hàng hay có những sản phẩm nội địa không quá hoàn hảo, nhưng đó là những bước đi đầu tiên do chính người Việt tạo ra.
Đâu phải tự dưng Hàn Quốc họ tin tưởng vào các doanh nghiệp dân tộc để làm các đại dự án thay vì bỏ tiền ra cho nước ngoài làm. Để rồi sau đó họ tự đúc kết được kinh nghiệm, tự học hỏi và tạo ra kỳ tích sông Hàn. Góc nhìn của ông?
Thuở ban đầu của một sản phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc do chính người dân họ tạo ra, họ rất trân trọng, quý giá, thậm chí nhiều sản phẩm đến bây giờ vẫn là niềm tự hào cho dù so với sản phẩm của các nước khác nó chưa hoàn hảo.
Vì sao người Hàn Quốc thích sử dụng sản phẩm nội địa? Tại sao sản phẩm nội địa của Nhật Bản lại có giá trị cao? Đó chính là ý thức về niềm tự hào dân tộc, là hành động nhỏ để ủng hộ, khơi dậy niềm tin về con người, về đất nước của họ trong ngày mai đẹp hơn, tươi sáng hơn.
Tôi hoàn toàn tin rằng tư chất con người Việt không hề thua kém bất cứ dân tộc nào cả, điều quan trọng nhất là chúng ta có đặt việc đúng chỗ người có thực lực, đặt hàng đúng nơi hay không. Khoan hãy nói chuyện lợi ích nhóm này kia mà hãy đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

Nguồn DTO-TT