VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV

 – Từ 9h00 ngày 22/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sẽ bắt đầu chương trình làm việc dự kiến kéo dài tới ngày 21/6.

9.10′: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Báo cáo nêu rõ những kết quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua như: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng cường quản lý chống thất thu, nợ đọng thuế; thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI; số lượng các doanh nghiệp đăng ký mới; rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển du lịch, cấp thị thực điện tử, thu hút du khách quốc tế;…

Trình bày một loạt các giải pháp căn cơ trong thời gian tới về cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp,… Báo cáo nhấn mạnh Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và giải quyết nợ xấu, báo cáo nhấn mạnh những kết quả đã đạt được ban đầu. Chỉ rõ những khó khăn, tồn tại, báo cáo cho biết, Chính phủ kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, gắn với xử lý nợ xâu…

Về cơ cấu lại DNNN, xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém, báo cáo cho biết, đầu năm 2017, tình hình cơ cấu lại DNNN, thoái vốn còn chậm. Thủ tướng Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém, có giải pháp cụ thể xử lý từng dự án, đến nay một số dự án đã có chuyển biến…

9.00′: Quốc hội khai mạc.

Tiếp tục đổi mới, tăng cường tranh luận, đối thoại, giải trình

Sáng nay, khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV    Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị ĐBQH, các vị khách quý, các vị đại diện các Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV. Xin gửi đến quý vị cùng toàn thể đồng bào, cử tri cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Kỳ họp thứ 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới. Do vậy, hoạt động lập pháp tiếp tục là nội dung trọng tâm của kỳ họp.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Các dự án Luật được xem xét tại kỳ họp này đều là những văn bản quan trọng, được cử tri và xã hội quan tâm. Một số dự án liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành kinh tế – xã hội. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, 13 dự án luật đã được chỉnh lý hoàn thiện, đáp ứng đủ các điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Trong lĩnh vực giám sát, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; thảo luận và thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; nghe Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ tăng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lên ba ngày. Bên cạnh đó, các báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ gửi đến các vị ĐBQH để nghiên cứu.

Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thảo luận Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Cùng với các nội dung quan trọng trên, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thảo luận và quyết định một số dự án quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 3 có khối lượng công việc lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường tính tranh luận, đối thoại và giải trình để nâng cao chất lượng các phiên họp.

Thay mặt UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, tập trung nghiên cứu tài liệu, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

8.00′, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp.

Dành thời gian thỏa đáng cho các vấn đề KTXH

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, kỳ họp thứ 3 diễn ra đúng thời điểm Hội nghị Trung ương 5 vừa bế mạc, với nhiều nghị quyết, kết luận quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội được thông qua.

Đó là quyết đáp liên quan đến tháo gỡ những vướng mắc về thể chế kinh tế để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn…; đặc biệt là phát huy vai trò của kinh tế tư nhân.

Tuy kỳ họp giữa năm thường ưu tiên cho công tác lập pháp, song Quốc hội cũng dành thời gian thỏa đáng để xem xét các vấn đề kinh tế – xã hội. Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua một số đạo luật liên quan đến kinh tế, nhằm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; xem xét ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Với những chủ trương và quyết đáp đúng đắn của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, đại biểu tin rằng kinh tế tư nhân sẽ thực sự trở thành một động lực quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Cử tri muốn Chính phủ có giải pháp phát triển căn cơ, đột phá

Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) cho biết, với địa bàn vùng núi cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cử tri Lai Châu mong muốn, Quốc hội tiếp tục thảo luận và hoàn thiện chính sách nhằm góp phần nâng cao đời sống của đồng bào.

Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc triển khai các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số để các chính sách này thực sự mang lại hiệu quả cao nhất, tránh thất thoát tiền của Nhà nước và nhân dân.

Đặc biệt, trước thực trạng sản xuất nông nghiệp vẫn tái diễn tình trạng “được mùa, mất giá” như đối với người nuôi lợn trong thời gian qua, cử tri mong muốn Chính phủ đưa ra được những giải pháp phát triển kinh tế – xã hội một cách căn cơ, đột phá, phù hợp với thực tiễn.

Với dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 3, đại biểu tin rằng, đây sẽ là kỳ họp thành công, mang lại nhiều lợi ích cho cử tri và nhân dân cả nước.

Kiên quyết nói không với dự luật không bảo đảm chất lượng

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông): Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với 5 dự án luật khác. Đây là khối lượng khá lớn, trong đó có nhiều dự án luật lớn, khó, còn nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện. Điều này cũng đặt áp lực khá lớn đối với các ĐBQH trong việc nghiên cứu, cân nhắc, thể hiện chính kiến trước khi bấm nút thông qua.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp, tin rằng, ĐBQH sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ, đóng góp nhiều ý kiến góp phần hoàn thiện các dự án luật.

Đồng thời phát huy tinh thần cải tiến, đổi mới theo hướng tăng đối thoại, tranh luận, dựa trên năng lực và kinh nghiệm của ĐBQH, các phiên thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự án luật sẽ diễn ra một cách sôi nổi, trách nhiệm, có sự tranh luận đến cùng đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, qua đó tìm ra phương án tối ưu hơn cả trước khi bấm nút thông qua. Có như vậy, luật do Quốc hội ban hành mới bảo đảm tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống. Đại biểu mong, Quốc hội kiên quyết nói “không” với dự luật không đủ điều kiện yêu cầu về chất lượng.

Chọn trúng vấn đề chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), đánh giá cao việc UBTVQH quyết định nâng thời gian tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 ngày, thay vì 2 ngày rưỡi như các kỳ họp trước. Bởi chất vấn – hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội, luôn được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi và chờ đợi.

Theo ông, đây cũng là hoạt động thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm, bản lĩnh của các ĐBQH. Cải tiến về thời gian dành cho hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này, ông cho rằng, chính là sự tiếp nối thành công của những đổi mới về cách thức tiến hành kỳ họp Quốc hội, hiện thực hóa thông điệp mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra vào đầu nhiệm kỳ. Đó là chuyển mạnh từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận bằng những cải tiến, đổi mới cụ thể, thiết thực, đề cập thẳng thắn, trực diện vào những vấn đề cử tri quan tâm. Qua đó, đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Đại biểu mong muốn, trong 3 ngày diễn ra hoạt động chất vấn tới đây, cùng với việc Quốc hội lựa chọn trúng những vấn đề “nóng”, đang là mối quan tâm, bức xúc của cử tri; thì các bộ trưởng, trưởng ngành, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ sẽ có câu trả lời dứt điểm cho những tồn tại, hạn chế đã được đại biểu Quốc hội chất vấn từ những kỳ họp trước.

Ví dụ, giải pháp để giải quyết các hạn chế trong bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, hay trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác cát bừa bãi thuộc về ai và hướng xử lý thế nào…

Chương trình phiên khai mạc

* Theo chương trình dự kiến, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Tiếp đó, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Sau đó Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 và Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng sẽ lần lượt trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Cũng trong phiên làm việc chiều, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày Tờ trình dự án Luật tố cáo (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi).

Kết thúc chương trình ngày làm việc đầu tiên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Nguồn Chinhphu.vn-TT