VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Nội dung Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017

 – Chiều 3/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, thông tin về những vấn đề kinh tế-xã hội nổi bật trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

    Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5/2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, và Ngân hàng Nhà nước.

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thay mặt các cơ quan chủ trì họp báo, xin cảm ơn và chúc mừng các nhà báo nhân dịp sắp tới ngày kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017). Chúc các nhà báo và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, thành công, tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ trong chặng đường tiếp theo.

Như các bạn đã biết, ngày 3/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017. Phiên họp diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ với nhiều kết quả nổi bật. Thủ tướng đã có buổi hội đàm với Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống, nhiều Bộ trưởng trong Nội các Hoa Kỳ. Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, được xác lập năm 2013, tiếp tục phát triển hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế. Chuyến thăm là sự tiếp nối chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ thăm song phương Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Trong chuyến thăm này, DN hai bên đã ký kết 19 dự án. Có thể nói đây là sự kiện rất đáng mừng, đáng chú ý trong công tác đối ngoại của nước ta. Nhân đây, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng, tôi cũng xin cám ơn các nhà báo, các cơ quan báo chí đã bám sát, đưa tin rất kịp thời, phong phú về sự kiện này.

Về chương trình phiên họp, trong buổi sáng, Chính phủ tập trung bàn về tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Chính phủ dành buổi chiều cho công tác xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, như thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng Cái Mép – Thị Vải; đổi mới chế độ học phí cấp phổ thông… Theo đó, Chính phủ đã quyết định tiếp tục miễn visa cho một số nước Tây Âu; thông qua chính sách miễn học phí đối với giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở  vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ năm học 2018. Đồng ý kéo dài thực hiện chính sách được quy định tại Quyết định số 1033 ngày 30/6/2011 về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011-2015 và Quyết định số 1951 ngày 2/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011- 2015 đến 31/12/2020.

Về tình hình kinh tế-xã hội, chúng ta đã đi được gần một nửa chặng đường của năm 2017. Như các bạn đã biết, vấn đề nổi lên thời gian qua là tăng trưởng GDP quý I thấp hơn cùng kỳ và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, điều hành với quyết tâm phải đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho cả năm 2017 là 6,7%. Đây tiếp tục là quyết tâm của Chính phủ.

Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình tháng 5 và 5 tháng có nhiều thuận lợi. Trong nước tình hình KTXH tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực; kết quả tốt hơn tháng 4 và quý I. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,53%, chủ yếu là do giá thịt tươi sống và xăng dầu giảm; tăng 0,37% so với tháng 12/2016.

Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 7,2%, cao hơn 4,2% của quý I; khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá, khách quốc tế đạt hơn 5,3 triệu lượt, tăng 30,8%.

Tín dụng tăng cao hơn cùng kỳ các năm gần đây, đạt khoảng 6,5%; việc cơ cấu lại ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu đã có chuyển biến tích cực. Thị trường chứng khoán đạt đỉnh cao mới trong 9 năm và hướng tới mốc 750 điểm.

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tăng 17,4%; trong đó xuất khẩu điện thoại và linh kiện tháng 5 tăng 31,9%, điện tử, máy tính tăng 47,2%; XK rau quả 5 tháng tăng 38,6%, càphê tăng 13,5%, thủy sản tăng 11,7%. Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng mạnh, đạt trên 12 tỷ USD, tăng 10,5%.

Thu NSNN tăng khá, 5 tháng đạt 39,7% dự toán, tăng 16,9%.

Đặc biệt, con số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục lập kỷ lục, với trên 50 nghìn DN đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là gần 1,2 triệu tỷ đồng, cho thấy môi trường kinh doanh được cải thiện. Ngày 7/5, Thủ tướng đã gặp gỡ gần 10.000 DN trên cả nước và qua đó, lòng tin của DN đối với Chính phủ đã tăng lên rất nhiều. Cũng tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 20 yêu cầu không kiểm tra trùng lặp đối với DN, nếu kiểm tra đột xuất phải rõ nguyên nhân hoặc phát hiện, bắt quả tang có những sai phạm. Điều này có được nhờ một phần vào công tác cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế đạt nhiều kết quả, như mới đây nhất, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai hoàn thuế điện tử trên toàn quốc từ ngày 20/5 – đây có thể nói là một bước tiến lớn trong xây dựng Chính phủ điện tử. Tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ các báo cáo, cho thấy sự chuẩn bị rất tốt so với nhiều năm gần đây.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về các giải pháp để thực hiện quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đề ra. Như các bạn đã biết, hôm qua 2/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội năm 2017, trong đó giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực. Chính phủ yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị này của Thủ tướng, đây là nhiệm vụ chính trị, phấn đấu thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế.

Cụ thể, khu vực nông nghiệp phải tăng trưởng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt 33 tỷ USD. Công nghiệp phải tăng 7,91%, trong đó các ngành khai khoáng, chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện, ngành xây dựng phải tăng trên 10%. Khu vực dịch vụ phải tăng trưởng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng 30%.

Về các giải pháp cơ bản năm 2017 và trong trung, dài hạn, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chủ động, hành động quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP; trong tháng 8 năm 2017 có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá chi tiết sự chuyển biến của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.

Đồng thời, khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ, tập trung vào hai nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp chung: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, hệ thống tổ chức tín dụng ngân hàng, khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực sự nghiệp công, thu – chi ngân sách Nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công; cải cách thể chế, tập trung cải cách thủ tục hành chính; nâng cao năng suất lao động; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế; điều chỉnh hợp lý theo lộ trình giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong từng ngành lĩnh vực: Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các ngành chủ yếu của nền kinh tế như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động; xây dựng, nhất là xây dựng công trình dân sinh; dịch vụ, du lịch.

Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016, Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; sớm triển khai niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa theo quy định của pháp luật.

Tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 5/2017. Cụ thể, tính đến ngày 31/5, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện hơn 21.000 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành trong hạn 10.384 nhiệm vụ, có 1.997 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn, còn 8.847 nhiệm vụ chưa hoàn thành (gồm 8.325 nhiệm vụ trong hạn và 522 nhiệm vụ quá hạn).

Như thông lệ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham dự họp báo đã dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi được dư luận quan tâm mà báo chí đặt ra.

PV Công Khanh (báo điện tử Zing.vn): Các DN Mỹ có cam kết gì về hợp tác thương mại và chuyển giao công nghệ? Quan điểm của Chính phủ đánh giá thế nào về việc DN Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài, cụ thể là sàn chứng khoán Mỹ? Chính phủ có ủng hộ và tạo điều kiện gì cho các DN?

Vừa qua Công an TPHCM triệt phá đường dây sản xuất ma tuý tổng hợp rất lớn trong đó đã thu giữ hơn 120 kg chất bột mà theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, việc quản lý chất tiền chế còn lỏng lẻo. Quan điểm của Bộ Công Thương, Bộ Y tế về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Chúng ta biết hiện nay DN Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam có 835 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 10,2 tỷ USD và kim ngạch hai chiều khoảng 50 tỷ USD. Trong đó chúng ta nhập khẩu từ Hoa Kỳ khoảng 10 tỷ, xuất khẩu khoảng 40 tỷ, như vậy chúng ta xuất siêu khoảng 30 tỷ USD.

Cũng có thể nói là khi Thủ tướng hội đàm xong với Tổng thống Donald Trump thì ngài Tổng thống cũng nêu rõ là hiện nay Việt Nam đang xuất siêu và là một trong 16 nước xuất siêu sang Hoa Kỳ. Vậy bây giờ bài toán như thế nào? Thủ tướng khẳng định là Việt Nam không cạnh tranh với Hoa Kỳ và hai nước chỉ tạo ra các lợi thế để hỗ trợ bổ sung cho nhau.

Ví dụ doanh nghiệp Hoa Kỳ có khả năng nhiều về công nghệ, về tiến bộ khoa học. Chúng ta sang ký mua động cơ của máy bay Boeing, mua các thiết bị của nhà máy điện gió. Nhưng chúng ta cũng phải xuất khẩu những mặt hàng lợi thế mà chúng ta làm được, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp chế biến, như rau củ quả, cá ba sa, tôm… Đây là những mặt hàng lợi thế của chúng ta.

Khi bàn với Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, cũng bàn vấn đề này. Lấy ví dụ, chúng ta nhập khẩu bột ngô của Hoa Kỳ phục vụ cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và tạo ra chuỗi sản phẩm chất lượng và xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Mặc dù khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP thì chúng ta cũng đã khẳng định là không ảnh hưởng gì đến quan hệ thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ vì chúng ta đã có FTA với các nước, chúng ta có TIFA, có Hiệp định thương mại Việt Nam và Cộng đồng châu Âu. Tiêu chuẩn và những nguyên tắc của những hiệp định này cũng đã bảo đảm cho vấn đề thương mại của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.

Khi Thủ tướng thăm cửa hàng của Ivanka Trump, con gái Tổng thống Donald Trump đồng thời là trợ lý của Tổng thống, và thăm gian hàng của Việt Nam, thì thấy rằng thương hiệu hàng đầu Việt Nam của chúng ta được lợi thế đó là giày, hàng may mặc.

Khi đặt vấn đề bảo đảm lợi ích của hai bên, Thủ tướng đưa ra hình ảnh một đôi giày sản xuất tại Việt Nam giá 100 USD thì Việt Nam chỉ hưởng một phần nhỏ là 22 USD, còn lại 78 USD là gồm chi phí vận chuyển, chi phí thuế, chi phí bán lẻ, trong đó toàn bộ 55 USD chi phí bán lẻ là người Mỹ hưởng. Toàn bộ những chi phí liên quan đến hoạt động dịch vụ phục vụ cho việc bán lẻ là phía Mỹ hưởng. Cho nên sản xuất ở Việt Nam nhưng người Mỹ hưởng hơn Việt Nam rất nhiều. Đưa ra một ví dụ thuyết phục như thế nên ngay cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Bộ trưởng Thương mại, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và các cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump rất hài lòng thấy rằng việc thuyết phục với lập luận chứng minh rằng quyền lợi của hai bên được bảo đảm, lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, lợi ích của doanh nghiệp Hoa Kỳ được bảo đảm.

Đặc biệt khi nói đến chính trị ổn định, bảo đảm các môi trường thể chế, môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ hay khi gặp mặt, tiếp xúc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ như Facebook, Google, GE, Coca-Cola, họ đánh giá rất cao năng lực, nguồn nhân lực, sự thông minh của Việt Nam. Khi gặp gỡ các doanh nghiệp Việt kiều thành đạt thì có thể khẳng định hợp tác giữa doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ có những bổ sung, hỗ trợ khai thác lợi thế của hai bên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ sang Hoa Kỳ với sự tham gia đông đảo của các bộ, ngành cũng như gần 100 DN lớn của Việt Nam. Kết quả của chuyến đi này đã được báo chí cũng như trực tiếp Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thông báo.

Chúng ta rất vui mừng chuyến đi đã thành công tốt đẹp và đóng góp cho sự thành công đó chính là sự phối hợp giữa cộng đồng DN hai nước trước, trong và đặc biệt là sau chuyến đi này. Đối với phía Việt Nam, chúng ta rất quan tâm đến những vấn đề DN Việt Nam cần và mong muốn sự phát triển phối hợp với các DN tại thị trường Hoa Kỳ. Và chúng ta cũng quan tâm đến mong muốn, đề xuất của DN Hoa Kỳ đối với thị trường Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, con số trên 10 tỷ USD đã được ký giữa cộng đồng DN hai nước cũng đã nói lên rất nhiều nhưng trong đó chúng ta đặc biệt quan tâm đến khả năng Việt Nam có thể tiếp nhận những công nghệ hiện đại, rồi vấn đề chuyển giao công nghệ của những DN hàng đầu của Hoa Kỳ đối với DN phía Việt Nam. Và chúng ta rất mong muốn là khả năng đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh như thuỷ hải sản, dệt may, da giày cũng như một số mặt hàng khác. Và chúng ta cũng thấy rằng việc hợp tác cả hai bên cùng có lợi.

DN Việt Nam cũng đã ký kết nhập khẩu một số máy móc, thiết bị và kể cả chuyển giao công nghệ với số lượng tương đối lớn.

Sau chuyến đi này, việc quan trọng là thực hiện những cam kết, những gì đã được ký kết trong chuyến đi. Chúng tôi khẳng định sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ cho cộng đồng DN cả hai nước thực hiện được đúng những điều mà hai bên đã ký kết, đóng góp cho sự phát triển của cả hai cộng đồng DN Việt Nam, Hoa Kỳ, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến: Các tiền chất để phục vụ cho công tác chữa bệnh rất cần thiết. Tuy nhiên cũng có việc lợi dụng và sử dụng các tiền chất đấy để sản xuất ma tuý, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác cũng có việc như vậy. Tôi nghĩ rằng cái này phải siết chặt không chỉ ở khâu cấp phép nhập khẩu mà quan trọng nhất là khâu quản lý. Về phía Bộ Y tế cũng cần phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công Thương để điều tra và phát hiện ngay những tổ chức sản xuất ra các chất ma tuý hoặc các tiền chất. Nhưng không có cái này thì Bộ Y tế không thể triển khai công tác khám chữa bệnh được. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn có sự phối kết hợp, kể cả với những người dân, thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề và khi phát hiện ra thì phải xử lý rất nghiêm, rất mạnh.

PV Bích Diệp (Báo điện tử Dân trí): Trong những lần chỉ đạo trước, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao cho Bộ Công Thương và EVN lập phương án xem xét lại giá điện. Không biết bây giờ EVN đã có báo cáo phương án cụ thể về giá điện lên Bộ Công Thương hay chưa và quan điểm của Bộ Công Thương như thế nào trong việc điều hành giá điện và giá xăng dầu trong bối cảnh là CPI thấp như giai đoạn hiện nay?

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong thời gian vừa qua rất nhiều người cho rằng đã đến lúc không nên sử dụng quỹ này nữa, quan điểm của Bộ Công Thương như thế nào?

Liên quan đến việc giả mạo công văn chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, không biết Bộ đã tìm hiểu về vấn đề này chưa, đã tìm được nguyên nhân vì sao các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Bộ lại có số và dấu được làm giả và tung lên mạng và lưu hành trong xã hội như vậy?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Chúng ta phải khẳng định mặt hàng điện và xăng dầu có vai trò hết sức quan trọng. Đây cũng là đầu vào của rất nhiều mặt hàng khác, không những vậy nó còn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và kể cả đời sống của người tiêu dùng, của tất cả mọi người dân. Cho nên bất cứ một sự thay đổi nào, đặc biệt là tăng giá, cần phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng. Đối với thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, nếu EVN đề xuất về vấn đề tăng giá điện thì Bộ Công Thương cần phải phối hợp với Bộ Tài chính cũng như một số đơn vị có liên quan xem xét hết sức kỹ lưỡng và nếu vượt thẩm quyền của mình thì phải trình Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi cũng xin thông báo rằng năm 2017 này, với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam như lúc nãy Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã đề cập là hiện nay sự phát triển của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn và đặc biệt là so với năm 2016. Chính vì vậy, đến giờ phút này, Thủ tướng Chính phủ cũng như Chính phủ đã chỉ đạo là trước mắt chưa xem xét việc tăng giá điện. Nếu có đề xuất về tăng giá điện của EVN, Bộ Công Thương sẽ xem xét hết sức kỹ lưỡng và đánh giá tác động về sự tăng giá của mặt hàng này đối với tất cả các mặt hàng khác của nền kinh tế, cũng như sự tăng trưởng GDP, rồi CPI. Đến giờ phút này, chúng tôi khẳng định chưa xem xét có tăng giá điện hay không.

Cũng tương tự như vậy, với mặt hàng xăng dầu, chúng tôi cũng đánh giá là một trong những mặt hàng hiện nay đưa dần tới sự phát triển theo quy luật của thị trường. Quy luật thị trường thể hiện ở hai vấn đề: Công khai minh bạch và nguồn cung về xăng dầu phải nhiều. Rõ ràng như chúng ta đã biết, trước kia nếu chúng ta nói đến xăng dầu sẽ nghĩ ngay đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, nhưng hiện nay chúng ta đã có gần 28 đầu mối được phép trực tiếp nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam và cạnh tranh lành mạnh. Chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo Thông tư 84, được đánh giá là có nhiều nguồn cung và công khai, minh bạch. 15 ngày một lần chúng ta xét giá xăng dầu dựa trên công thức đã được tính toán giữa thuế, phí và giá trung bình 15 ngày theo giá của thị trường mặt sàn tại Singapore.

Liên quan đến Quỹ bình ổn về xăng dầu, theo Nghị định 83, mục đích của Quỹ bình ổn xăng dầu này không phải tiền của Nhà nước hay bất cứ doanh nghiệp nào, đây chính là phần trích trong Quỹ bình ổn này để khi có sự tăng giá đột ngột ở nước ngoài, chúng ta tránh được những cú sốc cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Trong suốt thời gian vừa qua, chúng tôi thấy rằng, với sự điều hành Quỹ bình ổn này, với sự phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, đã mang lại hiệu quả rất tốt. Và đặc biệt, vào những dịp như trước Tết chẳng hạn, nếu xăng dầu tăng theo đúng công thức 15 ngày một lần có thể sẽ gây rất nhiều biến động với những mặt hàng khác. Còn rất nhiều dịp ở Việt Nam, vẫn có tâm lý nếu mặt hàng xăng dầu tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của những mặt hàng khác. Với những người lao động, người tiêu thụ bình thường, việc tăng giá đột ngột sẽ có sự ảnh hưởng, kể cả đến sản xuất kinh doanh. Hiện nay Quỹ bình ổn xăng dầu chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét và bản thân tôi cũng không muốn có Quỹ bình ổn này nữa nhưng trong thời điểm này, tôi thấy cần theo đúng tinh thần, nội dung của Nghị định 83 và tác dụng của nó trong thời điểm hiện nay là phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà: Liên quan đến công văn giả mạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, khi phát hiện ra văn bản giả mạo, chúng tôi cũng đã chủ động phối hợp với cơ quan công an để điều tra, làm rõ. Hiện nay cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra.

PV Hữu Công (Báo Tri thức trực tuyến): Hiện các hãng taxi truyền thống phản ánh sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi Uber, Grab, thường xuyên có tình trạng khuyến mãi kéo dài, phá giá thị trường, cạnh tranh với taxi truyền thống. Xin hỏi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính về việc quản lý giá thế nào? Quan điểm của 2 Bộ về tạo sự công bằng của Uber, Grab với taxi truyền thống thế nào?

Vừa qua Bộ Tài chính có đề xuất nâng khung thuế, phí Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu,  Bộ Tài chính có nói đã tính đến phù hợp lợi ích quốc gia. Vậy Bộ Tài chính có tính đến thiệt thòi của nhóm DN trung bình, giảm việc tiêu thụ hàng hoá, cũng như xin làm rõ hơn việc tăng thuế phí phù hợp lợi ích quốc gia thế nào?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường: Hiện Uber, Grab là ngành vận tải nhiều nước trên thế giới triển khai. Việt Nam đang phát triển loại hình gọi xe ứng dụng công nghệ thông tin thông qua smart phone và nó rất thuận lợi cho người tiêu dùng. Có thể nói, đây là một trong những vấn đề trong cách mạng công nghiệp 4.0 các nước thế giới nhắc đến. Đây là loại hình vận tải rất tiên tiến mà chúng ta thấy rằng người dân rất hưởng ứng. Và để triển khai vấn đề này, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có đánh giá quản lý tốt hơn với các taxi truyền thống như thế nào?

Thứ nhất, vừa rồi chúng tôi có những cuộc hội thảo để nêu rõ tính ưu việt của loại hình gọi xe và rất mong là các doanh nghiệp taxi Việt Nam triển khai các phần mềm ứng dụng tương tự để cạnh tranh lành mạnh. Có thể nói, đến nay có đến gần 10 hãng taxi của Việt Nam cũng đã thiết lập được phần mềm để có thể ứng dụng gọi xe điện tử và thanh toán điện tử cho khách hàng. Đồng thời, chúng tôi cũng đã yêu cầu những hãng taxi như Uber, Grab… thực hiện đúng các quyết định về kinh doanh vận tải như trong Nghị định 86 mà Bộ GTVT đã ban hành. Đây là loại hình gọi xe bằng xe hợp đồng. Chúng tôi yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ này thì chỉ được cung cấp dịch vụ này cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải và có phù hiệu cũng như là các điều kiện ràng buộc khác. Trên thực tế như vừa rồi, sau khi các loại hình này triển khai thì đã tiến hành giao cho thanh tra của các Sở GTVT trên cả nước kiểm tra. Có rất nhiều doanh nghiệp vi phạm, tức là không đăng ký kinh doanh vận tải, không có giấy phép, phù hiệu nhưng vẫn kinh doanh. Chúng tôi đã xử phạt và đồng thời thu hồi rất nhiều giấy phép kinh doanh, sau đó yêu cầu các doanh nghiệp cam kết không vi phạm.

Đến nay, đối với Grab, Easy… người ta thực hiện trên các loại hình taxi của họ có phù hiệu logo rất dễ, còn riêng với Uber dùng hình thức xe hợp đồng thì chúng tôi yêu cầu doanh ngiệp Uber phải đăng ký. Ngoài đăng ký về hoạt động, về cung cấp phần mềm, nếu đăng ký thêm kinh doanh vận tải phải được các Sở GTVT các địa phương cấp giấy phép kinh doanh và đồng thời phải chịu các điều kiện quản lý giống như các doanh nghiệp vận tải của các hãng taxi khác.

Về quản lý nhà nước, hiện nay Bộ GTVT đã trển khai rất đầy đủ tất cả các hình thức, gần đây nhất trong sửa đổi Nghị định 86, chúng tôi có đưa vấn đề đó vào quản lý, Chính phủ cũng đang xin ý kiến bộ, ngành và sau khi có Nghị định 86 sửa đổi thì chúng tôi tin rằng quản lý các loại xe này có thể bảo đảm được công bằng giữa các loại hình vận tải taxi hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến taxi Uber, Bộ Công Thương rất quan tâm đến cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Với vấn đề cạnh tranh lành mạnh, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT cũng như chỉ đạo các cơ quan có liên quan thuộc hệ thống của Bộ Công Thương giám sát taxi Uber, Grab có sự cạnh tranh lành mạnh với taxi thông thường và chính ở trong hãng của Uber, Grab.

Thứ hai, quyền lợi của người tiêu dùng thời gian gần đây, đa phần có sự đánh giá tốt về giá cũng như chất lượng. Tuy nhiên để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng được bền vững thì chúng tôi cũng kết hợp với Bộ GTVT để làm tốt công tác này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà: Cơ chế chính sách thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) là cái khung do Quốc hội ban hành còn mức cụ thể do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Hiện nay khung từ 1.000-4.000 đồng/lít. Chúng tôi dự kiến báo cáo Chính phủ, Quốc hội tăng khung này lên khi xem xét thuế bảo vệ môi trường. Đây là khoản thu làm tăng thu NSNN, khi thu khoản này giúp cơ cấu lại thu ngân sách, trong bối cảnh thuế NK xăng dầu về 0%.

Hiện nay, giá xăng dầu của chúng ta là thấp nhất so với các nước có cùng đường biên với Việt Nam. Nên đây cũng là vấn đề góp phần cho việc quản lý xăng dầu và hạn chế tình trạng buôn lậu qua biên giới. Phải xem xét lợi ích DN và người dân và tác động chung của nó đến lạm phát thế nào. Đây là những tác động mà chúng tôi cho rằng khi quyết định về mức thuế BVMT cụ thể phải tính toán đầy đủ các yếu tố đó, để các cấp có thẩm quyền xem mức thuế cụ thể.

PV Minh Đức (báo Người tiêu dùng): Liên quan đến Quyết định 278 về việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có đưa 2 hoạt chất ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đây là quyết định tham mưu của Cục Bảo vệ thực vật rất tốt sau khi lắng nghe dư luận. Tuy nhiên, khi tham mưu cho Bộ trưởng ký lại đưa ra độ trễ để cấm nhập khẩu và sản xuất các loại thuốc này trong thời hạn 1 năm và đồng thời dừng lưu hành hẳn, không mua bán trên thị trường là 2 năm. Tại sao đã thấy các chất này ảnh hưởng tác động đến sức khỏe người tiêu dùng rồi mà không để độ trễ ngắn để chấm dứt tình trạng này luôn?

Liên quan đến một vụ việc khá tế nhị, đó là vụ nâng ngực tại bệnh viện thẩm mỹ Kim Cương AB gây rúng động dư luận. Báo chí, mạng xã hội đưa thông tin rất nhiều chiều. Đến thời điểm này thì Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo Bộ Y tế chưa và nguyên nhân, kết quả, kết luận cuối cùng về việc này như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn: Ngày 8/2/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 278 về loại bỏ các tên thuốc bảo vệ thực vật thương phẩm có chứa 2 chất Paraquat và 2.4D.

Tại cuộc gặp mặt báo chí thường kỳ tháng 3, Bộ cũng đã nói tới việc đó, lý do của quyết định này.

Hôm nay, tôi chỉ nói vắn tắt: Quyết định 278 của Bộ NN&PTNT có nghĩa rằng sẽ có 82 thuốc bảo vệ thực vật thương phẩm có chứa 2 chất này, bao gồm 46 tên thương phẩm có chứa Paraquat và 36 tên thương phẩm có chứa 2.4D thì đều được loại bỏ khỏi danh mục những thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu thông và sử dụng tại Việt Nam. Trong quyết định của Bộ trưởng, chúng tôi có ghi rằng thời hạn được phép nhập khẩu là 1 năm và thời hạn chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng trong 2 năm. Có mấy lý do như sau:

Một là, quyết định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là văn bản hành chính cá biệt. Luật quy định khi loại bỏ danh mục thì phải có thời hạn và Bộ NN&PTNT chúng tôi cũng đã thể chế hoá thành Thông tư 21 về thời hạn.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp, các nhà cung cấp cũng phải có một thời gian để họ giải quyết những tồn tại của họ. Chúng tôi cũng chia sẻ, đồng ý với phản ánh của dư luận khoảng thời gian ấy thì hơi dài. Cách xử lý của chúng tôi ngay sau đó là họp các hiệp hội phân bón, các nhà cung ứng và chỉ đạo các cơ quan bảo vệ thực vật xử lý theo cách rút ngắn hơn những thời hạn đó. Tức là chỉ giải quyết cho nhập 82 danh mục thương phẩm này, có chứa 2 chất Paraquat và 2.4D, trên cơ sở những hợp đồng đã được ký kết, những vận đơn đã có. Thứ ba là vận động bà con nông dân không sử dụng.

Một mặt nữa, chúng tôi sửa Thông tư 21. Trong tháng này sẽ xin phép trình xét những văn bản quy phạm pháp luật sửa và công khai lấy ý kiến. Và chắc chắn khi văn bản quy phạm pháp luật được sửa thì chúng tôi sẽ điều chỉnh thời hạn của Quyết định 278.

Thứ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: Về Bệnh viện thẩm mỹ Kim Cương, có một số người phản ánh là khi phẫu thuật ngực không những không đẹp mà còn xấu thêm. Nhiều người còn dùng từ “tan nát ngực” trong khi đi làm đẹp là phải đẹp. Nhưng sau đấy, thẩm mỹ viện này kiện lại, cho rằng tố cáo sai, vu khống. Họ cho rằng những bức ảnh đưa ra là không thật, không phải. Những ảnh này có thể là khi mới mổ xong, khác với khi mổ 5 ngày, sau 1 tuần. Họ cho rằng đây là muốn hạ uy tín của Bệnh viện thẩm mỹ Kim Cương và để khách không đến đó nữa. Việc này, tôi đã yêu cầu Sở Y tế làm rõ để báo cáo với Bộ Y tế. Cái đáng ngại nhất là nếu như Bệnh viện thẩm mỹ Kim Cương đó được cấp phép nhưng những người hoạt động chuyên môn ở đó chưa đủ trình độ, chưa đủ bằng cấp thì phải rút giấy phép ngay. Nhưng đây không phải câu chuyện như vậy nhưng dù sao chăng nữa cũng phải xem xét đến cùng và giải quyết triệt để vấn đề này.

Nguồn Chinhphu.vn-TT