– Theo ông Nicholas Audier – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam sẽ đón nhận ‘một làn sóng’ đầu tư mới và kim ngạch thương mại có thể gia tăng đến 50% trong những năm tới.
Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu hứa hẹn tại Đông Nam Á
Trong suốt nhiều năm vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và cũng là một trong những nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng đối với Việt Nam.
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa EU và Việt Nam ngày càng trở nên năng động, vào ngày 2/12/2015, các lãnh đạo của hai bên đã ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), thống nhất một lộ trình thực thi khung nhằm thực hiện EVFTA một cách hiệu quả.
Chia sẻ về Hiệp định này, ông Tomaso Andreatta – Phó Chủ tịch của EuroCham cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, 2017 là một năm quan trọng đối với Việt Nam và mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác Châu Âu. Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) đang được mong đợi và dự định có hiệu lực vào năm 2018.
Cũng theo ông Tomaso Andreatta, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trong khu vực Asean, sau Singapore đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, là nước đầu tiên ký kết và chuẩn bị cho việc thực thi. EVFTA có khả năng trở thành hiệp định dẫn chiếu trong quá trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam trong năm 2017 và sau này.
“EVFTA cũng khiến Việt Nam trở thành hình mẫu tiêu biểu hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu. Điều này là vì Việt Nam không chỉ có tiềm năng, mà có thể trở thành trung tâm của thị trường Asean trong tương lai”, Phó Chủ tịch của EuroCham nhận định.
Theo EuroCham, những dự báo đầu tiên về tác động của EVFTA cho thấy lợi ích rõ ràng của Hiệp định đối với sự tăng trưởng và thịnh vượng của Việt Nam. Việt Nam, với tư cách là đối tác thương mại của Liên minh châu Âu, cũng sẽ là cầu nối giữa hơn 500 triệu dân trong khu vực Đông Nam Á, hơn 500 triệu dân châu Âu. Đây là một tương lai sáng lạn cho Việt Nam.
Theo EVFTA, đối với hàng hóa, hầu hết hơn 99% dòng thuế quan sẽ được dỡ bỏ. Số nhỏ còn lại sẽ được nới lòng một phần thông qua áp dụng hạn ngạch thuế quan. Sau bảy năm, thị trường trong nước cũng sẽ mở cửa đối với phần lớn các loại thực phẩm khác từ châu Âu như rượu vang, rượu mạnh và thịt heo đông lạnh. Với các sản phẩm bơ sữa thì khoảng thời gian tối đa sẽ là năm năm.
EuroCham cho rằng, việc dỡ bỏ thuế quan có ảnh hưởng sâu rộng như vậy chưa từng có tiền lệ ở một quốc gia như Việt Nam. Việc này đã thể hiện rõ được quyết tâm và mục tiêu của Việt Nam trong tăng cường quan hệ thương mại và hội nhập với châu Âu. Phía châu Âu đồng ý dỡ bỏ ngay lập tức khoảng 85,6% thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và 99% dòng thuế quan sẽ được dỡ bỏ trong 5 năm. Bên cạnh đó, toàn bộ thuế nhập khẩu cũng được dỡ bỏ sau 7 năm.
Kim ngạch thương mại có thể gia tăng đến 50%
Mặc dù Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau, nhưng khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham trong quý 3/2016 đã cho thấy kết quả rất tích cực. Theo đó, mức độ hài lòng của các doanh nghiệp châu Âu đã gia tăng từ 76 điểm lên 86 điểm trên thang điểm 100, chủ yếu là nhờ niềm tin và kỳ vọng của doanh nghiệp về sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các triển vọng kinh doanh EVFTA mang lại.
Vào quý 1/2017 chỉ số này có giảm nhẹ xuống 78, tuy nhiên các doanh nghiệp châu Âu vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa.
Theo ông Nicholas Audier – Phó Chủ tịch EuroCham, EVFTA là một cơ hội mang tính đột phá phát triển trong lịch sử quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. EVFTA không chỉ mang lại những lợi thế về thương mại và đầu tư, mà còn thay đổi thái độ của cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo ông Nicholas Audier, EVFTA tạo điều kiện để kiến thức và bí quyết kinh doanh châu Âu tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn, mang lại giải pháp và công nghệ mới, tiên tiến, thông minh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, hiệp định cũng tạo ra cơ hội để hai bên trao đổi dịch vụ chất lượng cao, thông lệ quản trị doanh nghiệp và đào tạo các kỹ năng quản lý cho nguồn lao động trong nước.
“EVFTA là chất xúc tác có thể thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam theo hướng tích cực, khiến Việt Nam không chỉ sẵn sàng cho thị trường châu Âu mà còn có thể tham gia và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, khai thác những lợi thế của mình một cách thông minh và có trách nhiệm”, Phó Chủ tịch EuroCham nói.
Với EVFTA được thực thi, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm trong khu vực (cùng với Cộng đồng kinh tế Asean), đóng vai trò là hình mẫu cho các quốc gia Asean khác. Tăng hình ảnh, vị thế và khả năng cạnh tranh của Việt Nam không chỉ ở tầm vĩ mô, mà còn ở từng lĩnh vực, ngành cụ thể.
“EuroCham tin tưởng rằng với EVFTA, Việt Nam sẽ đón nhận ‘một làn sóng’ đầu tư mới vào Việt Nam và kim ngạch thương mại có thể gia tăng đến 50% trong những năm tới”, ông Nicholas Audier nhận định.