– Hội nghị Thượng đỉnh G20 với sự tham dự của Việt Nam; Bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo, Nhật Bản; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Israel; Bùng phát tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ; CHDCND Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa gây quan ngại; Mưa lũ lớn tại Nhật Bản…là những tin tức nổi bật tuần qua.
Các nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị thượng đỉnh G20 Humburg 2017
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm chính thức làm việc Cộng hòa Liên bang Đức
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong các ngày 7 và 8/7 tại thành phố Hamburg. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị với tư cách chủ nhà APEC 2017.
Các nước G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong ứng phó với các dịch bệnh; ủng hộ tăng cường vai trò của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cảnh báo, phòng và chống các dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh xuyên biên giới. Hội nghị cũng hoan nghênh cách tiếp cận “Một sức khỏe” và kêu gọi các nước cùng chung tay hạn chế sử dụng kháng sinh trên người, cây trồng và vật nuôi.
Hội nghị nhấn mạnh tăng cường hợp tác quản lý di cư, hỗ trợ người di cư và tị nạn tiếp cận tài chính, hoà nhập vào xã hội sở tại, tạo điều kiện cho người di cư đóng góp vào phát triển ở cả nước tiếp nhận, nước trung chuyển và nước xuất phát di cư.
Hội nghị ủng hộ sáng kiến “Thoả thuận hợp tác với châu Phi”, trong đó nhất trí tăng cường hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các nước châu Phi để thúc đẩy phát triển kinh tế, chống đói nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Hội nghị hoan nghênh các sáng kiến của Đức về đào tạo kỹ năng cho phụ nữ, tạo việc làm cho thanh niên để đáp ứng các yêu cầu mới về lao động, việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hội nghị ủng hộ việc thành lập Quỹ Doanh nghiệp nữ (WEFi) để thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp nữ, hỗ trợ tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, qua đó để tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế. Hội nghị khẳng định tăng cường hợp tác phát triển doanh nghiệp vừa-nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh G20 thảo luận vấn đề việc làm và trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cũng là nội dung quan trọng trong Nghị sự của APEC 2017; thông báo về việc Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại Chính sách cấp cao APEC về phụ nữ và kinh tế vào tháng 9/2017 để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các cơ hội kinh doanh và đóng góp phát triển kinh tế trong nền kinh tế số.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp năng động, đổi mới, sáng tạo. Thủ tướng đã đề nghị G20 xây dựng khuôn khổ toàn cầu mới về tự do hơn nữa cho phát triển cơ sở hạ tầng mạng và ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số và thành lập Diễn đàn Toàn cầu về khởi nghiệp để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về khởi nghiệp sáng tạo.
Tham gia các hoạt động trong chương trình Hội nghị Thượng đỉnh G20, được mời phát biểu với tư cách là diễn giả chính tại Phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng nêu rõ, với vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam thúc đẩy những chủ đề ưu tiên trong Nghị sự APEC 2017 là phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng; phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng và có các cơ chế, khuôn khổ hợp tác về phát triển bền vững, bao trùm, cả về kinh tế, xã hội và tài chính.
Với 37 hoạt động trong chương trình làm việc khẩn trương, từ ngày 5 – 8/7, chuyến công tác tại Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt nhiều kết quả tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thời gian tới, đồng thời thể hiện sự đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế thông qua Hội nghị thượng đỉnh G20. Đặc biệt, trong tiếp xúc cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel; hội kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier; gặp Chủ tịch Hội đồng Liên bang Đức (Chủ tịch Thượng viện) kiêm Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz, bà Malu Dreyer.
Trong hội đàm, Thủ tướng Angela Merkel nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sang thăm CHLB Đức; khẳng định việc Đức mời Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G20 thể hiện sự coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Đức phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy trong nhiều năm qua, Đức luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU); nhất trí cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác và cần phối hợp thúc đẩy, tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp xúc với nhau nhiều hơn tại các diễn đàn doanh nghiệp song phương nhân dịp các chuyến thăm cấp cao hoặc tại các diễn đàn kinh tế toàn cầu. Hai Thủ tướng hài lòng về kết quả tích cực của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Đức được tổ chức nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với 36 thỏa thuận được ký kết có tổng trị giá 4 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc gặp gỡ, làm việc với nhiều quan chức liên bang và các địa phương của Đức.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Đức. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn của Đức; tham quan Phân xưởng sản xuất Nhà máy Siemens.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc song phương, gặp gỡ lãnh đạo các nước G20.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga
Ngày 3 và 4-7-2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga. Đây là chuyến thăm Nga lần thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hồi năm 2013. Tại đây, hai nhà lãnh đạo Trung-Nga đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm tăng cường hợp tác chính trị, hợp tác kỹ thuật-quân sự và trong lĩnh vực nhân đạo, giải quyết các vấn đề quốc tế như chống khủng bố, tình hình Bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng tại Syria …
Đánh giá về hiện trạng mối quan hệ Nga-Trung, các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ này đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử. Cho dù các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ này khó có thể phát triển thành một liên minh, nhưng rõ ràng đây là mối quan hệ đối tác chiến lược ổn định và chính những thay đổi trong quan hệ quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, trong khi Nga là nguồn cung cấp năng lượng chủ chốt của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 69,52 tỷ USD, và chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 32,8 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Israel
Từ ngày 4 đến 6-7-2017, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm chính thức tới Israel. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ tới Israel kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.
Tại đây, hai nước đã ký kết 7 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực nước sạch, nông nghiệp, năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển và nghiên cứu không gian; Bản ghi nhớ hợp tác trong các dự án làm sạch sông Hằng và Bản ghi nhớ thành lập quỹ nghiên cứu và phát triển công nghiệp trị giá khoảng 40 triệu USD. Hai bên cũng ký kết một số hợp đồng mua bán thiết bị quân sự và hợp tác trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng.
Có thể thấy, sau các nước láng giềng châu Á, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã tới châu Âu và Mỹ, và điểm dừng chân lần này là Israel, quốc gia Trung Đông hiện nổi lên là một trong những đối tác quan trọng của Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực như cung cấp vũ khí và thiết bị quốc phòng, hợp tác an ninh, chống khủng bố, phát triển khoa học công nghệ và nông nghiệp. Hơn nữa, chuyến thăm của ông Modi tới Israel lần này một lần nữa khẳng định chính sách ngoại giao đa phương hóa quan hệ mà Ấn Độ đang triển khai, nhằm kêu gọi các nguồn đầu tư lớn đổ vào quốc gia Nam Á này trong khuôn khổ sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India).
Bùng phát tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã trở nên căng thẳng trong những ngày qua, sau khi quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực ở Doklam, gần ngã ba biên giới Bhutan. Động thái này của Trung Quốc được xem là thay đổi nguyên trạng. Mặc dù Trung Quốc và Bhutan đã trải qua nhiều thập kỷ đàm phán biên giới mà không có sự cố nghiêm trọng nào, nhưng lần này Bhutan đã cầu viện đến sự trợ giúp của Ấn Độ, một đồng minh lâu đời, để đưa quân tới khu vực tranh chấp. Do đó, căng thẳng đã tăng cao khi cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng điều quân đến gần đoạn biên giới mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Ấn Độ lại cho rằng khu vực này thuộc lãnh thổ Bhutan.
Ngày 6-7-2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã cáo buộc Ấn Độ viện cớ bảo vệ Bhutan để hợp pháp hóa hành động xâm nhập biên giới Trung Quốc, đồng thời nước này hối thúc Ấn Độ ngay lập tức rút quân khỏi biên giới nước này và sửa sai bằng những hành động thực tế.
Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Ấn Độ Subhash Bhamre lại cho rằng binh lính Trung Quốc đã đi vào lãnh thổ Bhutan. Ông cũng hối thúc Bắc Kinh rút quân khỏi khu vực biên giới của nước này,
Những tranh chấp biên giới lần này đã gây trở ngại cho việc xây dựng lòng tin giữa hai nước Trung-Ấn và được xem là cuộc đối đầu “tồi tệ nhất trong suốt 30 năm qua” giữa hai nước.
CHDCND Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa gây quan ngại
Ngày 4-7, quân đội Hàn Quốc đưa tin, CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo từ khu vực lân cận Banghyon, tỉnh Bắc Pyongan, gần biên giới với Trung Quốc. Tên lửa này đã bay khoảng 930 km trong 40 phút trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Bình Nhưỡng trong năm 2017, là vụ thứ 6 kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên thệ nhậm chức hôm 10-5 và diễn ra trước thềm Mỹ kỷ niệm Ngày Độc lập 4-7. Vụ phóng cũng diễn ra trong bối cảnh trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Hamburg, Đức để thảo luận về các nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa với nhịp độ chưa từng có, và vụ phóng tên lửa mới nhất này diễn ra ở thời điểm được xem là khá nhạy cảm, không chỉ bởi sau khi Tổng thống Mỹ Trump đe dọa đơn phương hành động nếu Trung Quốc không phối hợp để gây sức ép trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, mà còn bởi Bình Nhưỡng có tiền lệ phóng tên lửa đạn đạo trùng với thời điểm diễn ra các sự kiện ngoại giao quan trọng hay trước những cuộc gặp của các nhà lãnh đạo thế giới.
Bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo, Nhật Bản
Ngày 2-7-2017, cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo đã diễn ra với kết quả cho thấy, đảng Tomin First no Kai (Người Tokyo Trước tiên) của Thống đốc Tokyo Yuriko Koike và các đồng minh đã giành chiến thắng với 49 trong tổng số 127 ghế của Hội đồng thành phố Tokyo. Tính tổng cộng, chính đảng của Koike và các đồng minh đã có được thế đa số với 79 ghế. Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền chỉ giành được 23 ghế, thấp hơn nhiều so với mức thấp kỉ lục 38 ghế hồi năm 2009. Điều này có thể khiến đảng LDP gặp khó khăn trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9-2018 tới đây.
Ngay sau thất bại của LDP tại cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo lần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 3-7 đã cam kết sẽ “giành lại lòng tin của người dân”. Thủ tướng Abe cho biết sau gần 5 năm chính phủ của ông nắm quyền, đã có những chỉ trích gay gắt về “sự bê trễ” của chính quyền. Ông nhấn mạnh “cần phải xem xét nghiêm túc” vấn đề này, đồng thời khẳng định sẽ củng cố bộ máy chính quyền.
Các nhà phân tích cho rằng, kết quả bầu cử hội đồng Tokyo lần này phản ánh phần nào tình hình chính trị quốc gia. Việc Thủ tướng Abe đang quyết tâm sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản để khẳng định rõ địa vị pháp lý của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được xem là lý do khiến đảng LDP mất đi sự ủng hộ của người dân.
Mưa lũ lớn tại Nhật Bản
Mưa lớn trong tuần qua đã gây ngập lụt nghiêm trọng và lở đất tại miền Tây Nam Nhật Bản, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 8 người khác bị thương trong khi hàng trăm người khác vẫn đang mắc kẹt trong các khu vực bị ngập lụt.
Tại thành phố Asakura thuộc quận Fukuoka một thi thể đã được tìm thấy sau trận mưa trong khi 3 người khác cũng đã tử vong tại bệnh viện sau khi được đưa đi cấp cứu trong tình trạng suy tim phổi. Ngoài ra, 6 người khác bị thương và ít nhất 4 người còn đang mất tích. Tới 6 giờ chiều theo giờ địa phương, tại làng Toho, cũng thuộc quận Fukuoka, khoảng 420 người dân vẫn bị mắc kẹt do đường sá bị lũ nhấn chìm. Còn tại thành phố Hita, quận Oita, mưa lũ và lở đất đã cướp đi sinh mạng 2 người và 15 người khác đang mất liên lạc.
Cơ quan khí tượng thủy văn Nhật Bản (JMA) đã gỡ bỏ mức độ “cảnh báo tối đa” được ban bố trước đó tại hai quận này, tuy nhiên JMA vẫn cảnh báo khả năng mưa lớn, ngập lụt và sạt lở đất có thể sẽ tiếp tục diễn ra. Tính đến chiều 6/7, lượng mưa giảm dần nên số người được yêu cầu sơ tán và tìm nơi trú ẩn cũng giảm xuống còn 119.000 người từ gần 40.000 hộ dân trong cả ba quận Fukuoka, Oita và Kumamoto.
Nội các Nhật Bản đã họp khẩn về tình hình mưa lũ đồng thời huy động 7.800 nhân lực gồm lực lượng cảnh sát, cứu hỏa và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ. Khoảng 5.000 binh sĩ SDF cũng sẵn sàng chờ điều động trong khi nhu yếu phẩm cứu trợ người dân các vùng ảnh hưởng nghiêm trọng cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng./.