–Mặc dù đã có những chính sách cải thiện tích cực, nhưng không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam so với nền kinh tế thành công dẫn đầu trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia đang ngày một xa hơn.
Năng suất lao động Việt Nam kém cả Lào
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, phản ánh chất lượng tăng trưởng của một nền kinh tế. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo chiều hướng tăng đều qua các năm.
Cũng theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cả giai đoạn 2000 – 2017, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam tăng khá ổn định. Do những ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006 – 2010 đã dẫn đến sự suy giảm của tốc độ tăng NSLĐ bình quân còn 3,3%/năm, thấp hơn tốc độ tăng của giai đoạn 2001-2005.
Giai đoạn 2011 – 2016, NSLĐ đã phục hồi tốc độ tăng với mức tăng bình quân là 4,6%/năm. Năm 2017, NSLĐ Việt Nam là 93,2 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành, tương đương khoảng 4.159 USD/lao động, tăng 7,8 lần so với năm 2000.
Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ đạt 60,7 triệu đồng, bình quân tăng 6%/năm trong giai đoạn 2016-2017. Tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam trong giai đoạn 2000 – 2017 đạt 4,1%/năm.
Cùng với sự phát triển kinh tế, NSLĐ của nước ta cũng được nâng lên nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, khoảng cách tuyệt đối đang ngày càng có xu hướng tăng lên.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, tính theo giá PPP, giá cố định năm 2011, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao (cao hơn so với mức bình quân của khối nước ASEAN), tuy nhiên NSLĐ của Việt Nam vẫn luôn thuộc nhóm nước có NSLĐ thấp nhất trong khu vực (thậm chí còn thấp hơn NSLĐ của Lào).
“Mặc dù đã có những chính sách cải thiện tích cực, nhưng không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách về NSLĐ của Việt Nam so với nền kinh tế thành công dẫn đầu trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia đang ngày một xa hơn trong trong quá trình cố gắng thực hiện những nỗ lực “bắt kịp”, thông tin của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Đặc biệt, các nước có nền kinh tế được đánh giá là kém phát triển hơn như Lào, Campuchia, Myanmar đã và đang thu hẹp khoảng cách với Việt Nam, thậm chí vượt qua Việt Nam như trường hợp của Lào.
NSLĐ thấp là một rào cản lớn cho nền kinh tế
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năng suất lao động của Việt Nam tăng trong thời gian qua chủ yếu do chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, bắt đầu bằng khai thác các tài nguyên tự nhiên, gia công, trình độ chuyên môn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp, chưa gia tăng giá trị sáng tạo, hàm lượng chất xám, công nghệ …
Với khoảng 80% dân số trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động hàng năm, NSLĐ thấp đang là một rào cản lớn cho nền kinh tế Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, đồng thời cũng làm giảm sức cạnh tranh với các nền kinh tế trong khu vực. Đóng góp của lao động trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần.
Theo dự báo của các nhà dân số học, tốc độ tăng của lực lượng lao động Việt Nam sẽ chậm lại do xu hướng già hóa dân số. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ có thể đạt được dựa vào tốc độ tăng NSLĐ và khi đó nền kinh tế chuyển dần sang tăng trưởng bền vững.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đó thì Việt Nam cần nỗ lực rất nhiều để có thể giữ vững và tăng tốc độ tăng NSLĐ trong thời gian tới, đặc biệt là để đạt được mục tiêu tăng tốc độ tăng NSLĐ lên 5,6%/năm trong mục tiêu kinh tế Việt Nam 2035.