VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức

Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư. Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn địa chính trị từ các năm trước.
Tăng cường giám sát và giải ngân vốn đầu tư 2018
Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế – xã hội trong nước tháng 1/2018 và dự báo trong thời gian tới của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá, nhờ động lực từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Khu vực sản xuất công nghiệp tiếp diễn xu hướng tăng trưởng tốt.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2018 ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng 1 như năm 2017 và là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Cũng với đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng khá. Do vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán nên các hoạt động bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú, ăn uống sôi động do xu hướng gia tăng mua sắm và du lịch.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia cho biết, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng của tháng 1/2018 đã tăng 0,51%. Đây là một mức tăng tương đối cao, nguyên nhân chính là do một số địa phương đã tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ y tế (tăng 2,34% so với tháng trước). Thêm vào đó, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng theo giá thế giới cũng làm nhóm giao thông tăng 1,17% gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá nói chung. Điều này sẽ gây khó khăn cho các tháng tiếp theo trong việc kiểm soát lạm phát.
Kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư. Ảnh minh họa
Kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư. Ảnh minh họa
Về công tác tăng cường giám sát và triển khi biện pháp đẩy nhanh tốc độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư 2018, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, trong tháng 1, Chính phủ ban hành những chính sách định hướng về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 nói chung và lĩnh vực đầu tư nói riêng.
Theo đó, năm 2018, tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đầu tư công; chấn chỉnh những bất cập trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT. Triển khai nhanh, quyết liệt công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh tốc độ thực hiện và giải ngân ngay từ những tháng đầu năm, nhất là các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, dự án hạ tầng quan trọng. Phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao. Tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục phục hồi
Đưa ra những dự báo tình hình kinh tế xã hội trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia cho biết, tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư. Nguồn vốn FDI giải ngân kỷ lục cùng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ấn tượng năm 2017 sẽ tăng nhu cầu lao động trong năm 2018.
Cùng với đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ hơn trong năm 2018 về triển vọng kinh tế cũng như cơ hội trong quá trình hội nhập quốc tế, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc.
Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng, hoạt động thương mại và đầu tư. Nhìn từ bên ngoài, Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do những bất ổn địa chính trị từ các năm trước.
Xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch có thể làm xuất khẩu và thu hút vốn FDI của Việt Nam chậm lại, và gián tiếp tác động tới tăng trưởng việc làm mới. Giá dầu và giá các mặt hàng phi nhiên liệu thế giới được dự báo tăng nhẹ trong năm 2018. Chính sách tăng lãi suất của FED có thể xảy ra sẽ tạo sức ép tỷ giá, và ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu.
Xét các yếu tố nội tại nền kinh tế, tăng trưởng gặp khó khăn khi các động lực tăng trưởng chính của những năm trước không còn mạnh mẽ như sự tiếp diễn suy giảm của ngành khai khoáng; chỉ số giá tiêu dùng ngay từ tháng đầu năm đã tăng cao, dự báo CPI năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017 có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng, làm giảm tiêu dùng tư nhân, củng cố xu hướng tiết kiệm của hộ gia đình.
Ngoài ra, một số chính sách quan trọng về thuế bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018 như Nghị định 125/2017/NĐ-CP của chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hoá và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, từ năm 2018 linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 0%. Để áp dụng thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ mức 4 và đạt đủ sản lượng theo quy định, linh kiện nhập khẩu phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được. Đây vừa là thời cơ vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nhiều rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được gỡ bỏ.
Nguồn VnMedia-TT