Phóng viên (PV): Năm 2017 đã khép lại với những thành tựu kinh tế khả quan. Ông đánh giá thế nào về nhận định này và theo ông, dấu ân của năm 2017 là gì?
TS Nguyễn Đình Cung: Nhìn lại so với năm trước, có thể thấy năm 2017 là năm bận rộn và thành công. Dấu ấn thành công đầu tiên, ngoài ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết tốt các vấn đề chính trị – xã hội, dấu ấn của năm nay là 13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đều đạt và vượt trong đó chỉ tiêu về tăng trưởng GDP – mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, bằng 2015 (6,7%), các năm khác dưới 6 hoặc 6%.
Chỉ tiêu năm nay là một thành công thể hiện rõ là đầu năm nhiều nghi ngờ, lo ngại về chỉ số này, nhất là sau quý I/2017 với kết quả hơn 5,2%. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, vừa thúc đẩy cải cách (chiều rộng, cải thiện môi trường kinh doanh) để tạo lập kinh tế thị trường, huy động nhiều nguồn lực cũng như chỉ đạo của Chính phủ vào các điểm doanh nghiệp dự án có khả năng tạo nguồn cung cho nền kinh tế đặc biệt khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo đã đưa nền kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Dấu ấn này có ý nghĩa hơn khi nhìn thấy tăng trưởng cao không phải nhờ khai thác tài nguyên.
Một điểm thành công nữa phải kể đến là cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2017, tăng 14 bậc, từ 82 lên 68, nếu cộng với 9 bậc năm 2016 nữa, thì 2 năm nhiệm kỳ này tăng 23 bậc. Tương tự, Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá, Việt Nam tăng được 0,1 điểm, và tăng được 5 bậc từ 60 lên 55. Chúng tôi đánh giá cao việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với sự chuyển động từ Trung ương xuống địa phương, từ Chính phủ xuống Bộ, ngành chứ không phải “trên bảo dưới không nghe” nữa.
Đáng chú ý là, chúng ta đã cắt giảm tối thiểu 1/2 đến 1/3 điều kiện kinh doanh và quan trọng hơn cả là các Bộ cũng bắt đầu chuyển động khá tích cực. Đơn cử Bộ Công Thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuy chưa đạt số như chỉ đạo của Chính phủ nhưng bước đầu cắt giảm khoảng 24% và hướng tới giảm khoảng 35% về điều kiện kinh doanh trong thời gian tới. Tương tự là Bộ Xây dựng – một trong những đơn vị lâu nay bị kêu ca, phàn nàn khá nhiều, nhưng Bộ trưởng đã chỉ đạo cắt giảm điều kiện và cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong năm 2018. Hay Bộ Khoa học – Công nghệ đã dẫn đầu đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành, ban hành một loạt tiêu chuẩn, quy chuẩn từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ở địa phương cũng tương tự như thế với nhiều cải cách, cải thiện với các trung tâm hành chính công.
Thành công tiếp theo là 2017 là năm bội thu Nghị quyết, trong đó đặc biệt phải kể đến nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5 (khóa XII) của Đảng về kinh tế bao gồm: về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực sự phải nói rằng, 3 Nghị quyết này đã đặt một nền tảng về chính trị cho việc đẩy mạnh hơn nữa thị trường trong những năm sau.
Hy vọng với những thay đổi đó, chuyển động đó, năm 2018 sẽ có những cải thiện tiếp theo về cải thiện môi trường kinh doanh. Tất nhiên, trong các mặt được như đã đề cập, vẫn còn điểm chưa hài lòng, thực thi ở địa phương hơi chậm và dấu ấn của một “Chính phủ kiến tạo, liêm chính” vẫn còn chưa thực sự rõ nét ở địa phương, cơ sở.
 PV: Vậy theo ông, những tồn tại, hạn chế, bất cập 2017 có ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của năm 2018? Chúng ta cần phải làm gì để khắc phục hạn chế, bất cập này?
TS Nguyễn Đình Cung: Như đã đề cập, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, nền kinh tế vẫn còn hạn chế, bất cập.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành một Chỉ thị trong đó nhấn mạnh việc thanh – kiểm tra cần sự phối hợp liên ngành và chỉ thanh – kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa thực hiện được. Trước đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cũng ban hành một văn bản tương tự yêu cầu tăng cường phối hợp trong thanh – kiểm tra nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa tiến triển nhiều, doanh nghiệp vẫn kêu ca, phàn nàn về việc bị chịu nhiều đợt kiểm tra, nhiều đoàn kiểm tra khác nhau. Đó chỉ là một trong những hạn chế, tồn tại cần khắc phục liên quan tới môi trường, điều kiện kinh doanh hiện nay.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay,  những yêu cầu cải cách thúc đẩy phát triển đất nước hiện tại có lẽ hơi thấp. Thực tế, cải cách môi trường cũng như nhiều phương diện đang làm tái cơ cấu, chuyển đổi kinh tế cần thực hiện với một quy mổ rộng lớn hơn, tốc đố nhanh hơn, nhất quán đồng bộ hơn thì mới đạt kết quả cao hơn về tốc độ tăng trưởng. Bởi thế, tôi muốn và kỳ vọng mức tăng trưởng từ 7,5-8%. Khi đó, quy mô cải cách cách lớn hơn, tốc độ nhanh hơn và tính nhất quán quyết liệt hơn.
Thực tế, chúng ta chưa nhìn thấy kết quả đo lường được như trong cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta cũng chưa cải cách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như mục tiêu đặt ra, tái cơ cấu đầu tư công vẫn còn bất cập, xử lý nợ xấu còn lúng túng…
Do đó, hơn bao giờ hết, chúng ta cần cải cách mạnh mẽ hơn, nhất quán hơn, tốc độ hơn.
Tin tưởng vào triển vọng kinh tế 2018 (Ảnh: HNV)
PV:
Một trong những nội dung được quan tâm trong thời gian tới, nhất là trong năm 2018 là cải cách gắn với năng suất lao động. Có ý kiến cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục cải cách doanh nghiệp nhà nước như hiện nay thì khó thành công? Ông đánh giá sao về điều này?
TS Nguyễn Đình Cung: Liên quan tới tái cơ cấu, việc đầu tiên, doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, chịu đựng các mức giới hạn kinh doanh và quan trọng hơn cả là phải chấp nhận có phá sản. Chúng ta phải xác định không có hoạt động “giải cứu” như trước đây mà phải phá sản để nguồn lực này không bị tổn thất thêm vì đầu tư vào các dự án kém hiệu quả. Không thể bắt doanh nghiệp này phải gánh vác yếu kém của doanh nghiệp kia. Câu chuyện của Vinashin, Vinaline vẫn còn đó, đấy là những bài học nhãn tiền chúng ta cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Thứ nữa, phải dứt khoát là doanh nghiệp nào cũng phải quản trị theo chuẩn mực toàn cầu dù là khối nhà nước hay khối tư nhân. Khi quản trị như thế, chúng ta sẽ đánh giá  rõ ràng hiệu quả, việc huy động vốn cũng dễ dàng hơn.
Cuối cùng là thoái vốn và cổ phần hóa, liên quan chặt chẽ vì nếu không thay đổi việc bán rẻ là nguy cơ lớn, bán đắt không ai mua nhưng nếu minh bạch, rõ ràng lợi nhuận trong tương lai thì bán đắt vẫn có người mua mà bán rẻ sẽ bị nói là thất thoát vốn của nhà nước.
PV: Theo ông, liệu chúng ta có đủ cơ sở để hoàn thành được các mục tiêu đặt ra trong năm 2018 không?
TS Nguyễn Đình Cung: Tính dễ bị tổn tưởng của nền kinh tế của mình rất lớn. Khả năng chống chịu, đối phó với tác động bên ngoài cũng còn yếu. Đây là một điểm yếu của nền kinh tế. Tuy nhiên, với bối cảnh bên ngoài, bên trong như hiện nay và những gì có được trong năm 2017, thì tất cả mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là trong tầm tay, không có gì căng thẳng! Điều cần chú ý nhiều hơn là cải cách.
Khi đặt ra các chỉ tiêu, sự mong muốn thì vô cùng nhưng chỉ tiêu đã đặt ra trong năm 2018 của chúng ta là không nặng nề, tuy ẩn đằng sau đó vẫn là những kỳ vọng lớn. Chúng ta không vì áp lực chạy theo chỉ tiêu mà gồng mình với các giải pháp ngắn hạn. Cần rất thận trọng, từ đó tạo dư địa để cải cách dài hạn hơn, sâu rộng hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn ĐCSVN-TT