Tăng trưởng kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài
– Tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng của nửa sau năm 2017, GDP Quý 1/2018 tăng trưởng mạnh 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài.
Chiều ngày 10/4/2018, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý I/2018.
Tăng trưởng GDP tiếp tục tạo ấn tượng
Theo ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính Sách (VEPR), trong năm 2017, sự phục hồi diễn ra mạnh mẽ tại hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Kinh tế Mỹ, EU, Nhật Bản hay Trung Quốc đều chứng kiến tốc độ tăng trưởng tích cực. Trong khi đó, Vương quốc Anh tiếp tục gặp khó sau Brexit. Nhu cầu hàng hoá thế giới tăng cao góp phần quan trọng vào sự hồi phục kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Cũng theo ông Thành, tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng của nửa sau năm 2017, GDP quý 1/2018 tăng trưởng mạnh 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đột biến 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng – công nghiệp chế biến, chế tạo – tiếp tục tăng trưởng cao 13,9%. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài.
Viện trưởng VEPR cũng cho rằng, việc ký kết Hiệp định CPTPP tiếp tục củng cố tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới, tuy nhiên, bên cạnh việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, điều này cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu NSNN khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm.
Đồng thời, Chính phủ cũng xác định giảm tỷ trọng thu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn như dầu thô. Để thu hút đầu tư tư nhân và FDI, Chính phủ đã liên tiếp hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm gần đây nên tỷ trọng nguồn thu từ loại thuế này cũng giảm dần. Để bù đắp cho sự sụt giảm tổng thu ngân sách, Chính phủ buộc phải tăng các khoản thu nội địa khác.
Trong thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo tăng thuế suất VAT. Tuy nhiên, Viện trưởng VEPR cho rằng, việc tăng thuế suất VAT một mặt tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức. Mặt khác cũng không đảm bảo sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách.
Để đảm bảo cân đối thu chi, VEPR cho rằng cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế. Một giải pháp đi liền là duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên.
Cần quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài
Cũng liên quan tới vấn đề ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ, hiện thâm hụt ngân sách và nợ công luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Theo đó, thời gian vừa qua, ý tưởng đưa “kinh tế ngầm” vào tính toán GDP đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi.
Theo VEPR, việc ước lượng nền kinh tế phi chính thức là cần thiết để Chính phủ đề ra chiến lược phát triển phù hợp. Tuy nhiên, việc đưa nền kinh tế ngầm vào GDP là chưa thích hợp vì tổng GDP có thể tăng về danh nghĩa, nhưng có thể gây bất nhất trong so sánh quốc tế theo thông lệ.
Thêm vào đó, điều quan trọng là các chỉ tiêu quốc gia như chi ngân sách hay nợ công có thể tăng tương ứng, nhưng lại không phục vụ được cho khu vực phi chính thức, vốn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu và thích hợp. Đồng thời, khả năng huy động nguồn thu cũng không tăng lên tương ứng vì cùng một lý do. Điều này bóp méo các tín hiệu cảnh báo về tình trạng ngân sách và nợ công của Việt Nam.
“Chúng tôi cho rằng việc cấp thiết không phải là tính toán khu vực phi chính thức vào tổng GDP mà cần quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài để nâng hiểu quả kinh tế- xã hội, hay giảm thiểu lãng phí, sử dụng sai mục đích. Nếu không kiểm soát tốt nợ nước ngoài và cân đối ngân sách, trần nợ công chắc chắn bị phá vỡ trong thời gian tới và Việt Nam ngày càng lún sâu vào nợ nần trước khi kịp cất cánh”, Viện trưởng VEPR bày tỏ quan điểm.