Nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước. Theo quy định, các doanh nghiệp sẽ được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: CTV
Điều 5, Nghị định 57/2018/NĐ-CP quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất. Theo đó, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi. Ngoài ra còn quy định miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước…
Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo
Theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp. Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.
Tiêu chí xác định DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thủ tướng Chính phủ có quyết định quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).
Theo đó, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật CNC, cụ thể là việc ứng dụng CNC thuộc danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật CNC để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.
Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng CNC, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hằng năm đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%.
Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó, năm 2018 Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cả nước có ít nhất 39% sốxã (khoảng 3.500 xã)đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã.
Nguồn CAND-TT