ICAEW dự báo năm 2018, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,6%, giảm nhẹ so với 6,8% của năm ngoái…
ICAEW dự báo giai đoạn 2019-2020, tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 6,3%.
Viện Kế toán công chứng Anh (ICAEW) dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm nhẹ trong năm 2018, xuống 4,9%. Riêng Việt Nam, dự báo tăng trưởng giảm 0,2% so với năm ngoái, ở mức 6,6%.
Ngày 6/6/2018, ICAEW đã tổ chức Hội thảo báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực Đông Nam Á”, trong đó tập trung vào một số quốc gia lớn trong khu vực như Singapore, Indonesia, Philipines, Việt Nam…
Theo đó, báo cáo của ICAEW cho biết, không như Mỹ và châu Âu, châu Á ngay từ đầu năm 2018 đã có bước khởi đầu đầy khả quan, trong đó các nền kinh tế Đông Nam Á có mức tăng 5,2% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức 5,3% của quý trước.
Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế có giảm trong quý 1/2018, xuống mức 7,7% so với cùng kỳ, sau khi đã đạt kết quả rất tốt vào thời điểm cuối 2017. Tuy nhiên, nếu tính từng quý thì đây vẫn là kết quả quý 1 tốt nhất trong 10 năm qua nhờ duy trì tiềm lực của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngành dịch vụ hoạt động tốt và sản lượng nông nghiệp tăng.
“Nhìn chung, năm 2018, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,6%, giảm nhẹ so với 6,8% của năm ngoái”, ICAEW nhận định.
Ông Mark Billington, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW cho rằng, tuy sức cầu ngoài nước của Việt Nam dự kiến giảm nhẹ nhưng cầu trong nước trong năm 2018 dự báo tăng, nhờ thu hút luồng vốn FDI tốt, chi tiêu tiêu dùng sôi động và nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Trong giai đoạn 2019-2020, dự kiến tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 6,3% so với mức dự báo 6,6% cho năm nay, do giảm nới lỏng chính sách tiền tệ và chu kỳ thương mại toàn cầu bão hòa”, ông Mark Billington nói.
Cụ thể hơn, đại diện ICAEW cho biết, số vốn FDI đăng ký mới tăng 40% trong quý 1 cho thấy 2018 sẽ là một năm nữa Việt Nam đạt kết quả tốt về đầu tư, qua đó phần nào bù đắp cho dự báo tăng trưởng xuất khẩu giảm.
Về trung hạn, thu hút vốn FDI dự kiến sẽ vẫn đạt kết quả tốt, do Việt Nam có lực lượng lao động lớn và mức lương tương đối thấp, có chủ trương mở cửa thương mại với số lượng lớn các hiệp định thương mại được ký kết, và cải thiện được môi trường kinh doanh.
Đồng thời, diễn biến tiền tệ cũng sẽ tiếp tục có lợi cho sức cầu trong nước, khi tháng 7/2017, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn xuống còn 4,25% và 6,25%. Tín dụng cá nhân tăng cũng sẽ khuyến khích chi tiêu hộ gia đình.
Tuy nhiên, ICAEW cũng lưu ý, việc Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 đạt 17% sau khi cho vay ngân hàng năm 2017 tăng 18,2% sẽ làm tăng rủi ro về ổn định tài chính và lạm phát.
“Có thể nói, dù lạm phát toàn phần tính đến nay vẫn thấp hơn mức chỉ tiêu 4% của Chính phủ cho năm nay, nhưng lạm phát dự kiến sẽ tăng lên bình quân 3,9% do sức hãm của giá lương thực sẽ giảm. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ là áp lực về giá sẽ tăng đáng kể. Trong trường hợp đó, các cấp hoạch định chính sách sẽ cần phải hoặc chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn hoặc chấp nhận lạm phát”, ICAEW cảnh báo.
Ngoài ra, báo cáo của ICAEW cũng đề cập một khó khăn khác với Việt Nam là mâu thuẫn về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tăng nguy cơ dẫn đến kịch bản chiến tranh thương mại theo tình huống xấu.
Là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa, phụ thuộc nhiều vào thương mại đối ngoại, bảo hộ tăng và thương mại toàn cầu giảm sẽ có hiệu ứng lan tỏa đáng kể đến Việt Nam, dù Việt Nam không phải là mục tiêu trực diện của chính sách tăng thuế quan. Sự phụ thuộc của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài cũng sẽ khiến Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng khi tâm lý toàn cầu thay đổi.
Đánh giá về tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á nói chung, bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế ICAEW kiêm Trưởng chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á của Oxford Economics cho biết: “Chỉ số Quản lý thu mua sản xuất (PMI) và các số liệu thương mại gần đây đều cho thấy triển vọng tăng trưởng của khu vực ở mức vừa phải trong thời gian tới. Xu hướng này phù hợp với quan điểm của chúng tôi là tăng trưởng xuất khẩu toàn khu vực sẽ giảm so với năm 2017, phản ánh sức cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm và việc chu kỳ toàn cầu của ngành hàng điện tử đi vào ổn định”.
Trên cơ sở đó, bà Sian Fenner dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm nhẹ trong năm 2018 xuống 4,9%. Tăng trưởng chậm lại dự kiến sẽ diễn ra tương đối toàn diện, trong đó chỉ có Indonesia sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2017.
Nguồn VnEconomy-TT