Sứ mệnh của Hợp tác xã (HTX) rất lớn lao, nhất là trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh đó, sản xuất kinh tế hộ nhỏ lẻ, li ti hiện nay không đáp ứng được, sức cạnh tranh thấp, cần tổ chức lại, đặc biệt ở nông nghiệp nông thôn.
Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc về tình hình phát triển kinh tế hợp tác, HTX và hệ thống Liên minh HTX Việt Nam vào chiều 21/6.
77% cán bộ HTX không có bằng cấp
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 895 HTX được thành lập mới, đạt 40% so với kế hoạch cả năm 2018. Có 220 HTX yếu kém phải giải thể, trong số các HTX mới ra đời có 80% là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cả nước hiện có 20.767 HTX, tăng 675 HTX và số thành viên của HTX là 6,5 triệu người, tăng khoảng 200.000 người so với thời điểm cuối năm 2017.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, các địa phương đang đẩy mạnh thành lập mới HTX và mạnh dạn giải thể các HTX ‘bình mới rượu cũ’ để có dư địa thành lập các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2018, có 1.200 HTX thành lập mới và tái cơ cấu, hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị tăng mạnh, tăng 21% so với cuối năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ ban hành một số chính sách mới hỗ trợ HTX
(ảnh TTXVN)
Thừa nhận, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn cho hay, năm 2016, tỉnh Bắc Kạn chỉ có 80 HTX, nhưng đến thời điểm này đã có 130 HTX, trong đó tỷ lệ hoạt động hiệu quả đạt trên 50%. Bằng chứng, ở Bắc Kạn, các thành viên vào HTX có thu nhập lên tới 39 triệu đồng/người/năm, cao hơn hẳn những người làm ở bên ngoài khi thu nhập chỉ đạt 29 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên qua quá trình chỉ đạo hoạt động cho thấy một số vấn đề còn gặp khó khăn, trong đó theo ông Hiệp khó nhất chính là nguồn nhân lực.
Ông Hiệp dẫn chứng, thống kê 5 chức danh chủ yếu của 70 HTX ở Bắc Kạn gồm: chủ tịch, giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban kiểm soát và kế toán trưởng với tổng số 230 cán bộ. Kết quả, chỉ có 8% cán bộ có trình độ cao đẳng và đại học, 15% có trình độ sơ cấp trung cấp, còn lại có tới 77% là chưa học cái gì bao giờ, thậm chí trình độ văn hoá dưới lớp 12.
Chúng ta đã thành công trong dự án rất lớn trí thức trẻ tình nguyện xây dựng nông thôn, vừa rồi đã tổng kết dự án đưa lãnh đạo trẻ về làm lãnh đạo xã. Bộ Y tế có dự án đưa bác sĩ trẻ đi vùng sâu vùng xa cũng rất thành công.
‘Tôi đề nghị nếu như có thể xây dựng đề án hay dự án nào đó đào tạo và đưa giám đốc HTX trẻ về HTX địa phương. Ví dụ như Bắc Kạn chúng tôi chỉ cần độ khoảng 30 giám đốc thôi, mỗi người chỉ cần làm ở HTX độ khoảng 2 năm, làm tốt lại luân chuyển đến HTX khác. Nếu làm được cái này tôi đảm bảo sẽ phát triển bền vững’, ông nói.
Tương tự, về vấn đề thị trường, ông Hiệp cũng cho rằng, Nhà nước nên hỗ trợ đầu ra cho HTX chứ không nên hỗ trợ đầu vào nhiều như hiện nay, khiến người dân ngày càng ỉ lại.
Ngoài vấn đề nguồn lực, đại diện các địa phương các cũng cho biết khó khăn của HTX còn là vốn, cần tháo gỡ vấn đề này để các HTX có cơ hội phát triển tốt hơn.
Sẽ ban hành một số chính sách hỗ trợ HTX
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tổ chức, sắp xếp lại, giải tán HTX yếu kém, bao cấp, “bình mới rượu cũ” là cần thiết. Thời gian qua, xuất hiện nhiều HTX hoạt động hiệu quả.
Thủ tướng nhận định sứ mệnh của của HTX rất lớn lao, nhất là trong giai đoạn mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh đó, sản xuất kinh tế hộ nhỏ lẻ, li ti hiện nay không đáp ứng được, sức cạnh tranh thấp, cần tổ chức lại, đặc biệt ở nông nghiệp, nông thôn.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của HTX còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, còn phân bổ theo cơ chế ‘xin cho’. Quản lý Nhà nước đối với kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều bất cập, hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức so với doanh nghiệp. Việc xây dựng mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo Thủ tướng, điều cần quan tâm nhất và cũng là vướng mắc nhiều nhất hiện nay là việc hoàn thiện thể chế chính sách, “vướng chỗ này, chỗ kia, không thể hoạt động được”. Đây là gốc của vấn đề đối với HTX.
Vấn đề quan trọng nữa là tổ chức lại sản xuất. Cần có sự chỉ đạo phát triển chuỗi giá trị, có sự phân công và hợp tác từ doanh nghiệp, Liên minh HTX và các HTX, tổ hợp tác.
Thủ tướng cho rằng vấn đề cần tập trung nhất vẫn là HTX nông nghiệp, hiện chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng HTX toàn quốc. Hiện nay, hỗ trợ đầu vào đối HTX là chủ yếu (chiếm 89%), cần tiếp tục hỗ trợ đầu ra tốt hơn (hiện chiếm 11%).
Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành một số văn bản mới “cần phải vận dụng tốt, thậm chí đưa ra HĐND cấp tỉnh, thành phố để bổ sung một số địa phương có điều kiện hỗ trợ cho HTX”. Nghị định 57 sẽ được thay thế bằng Nghị định 210 về đầu tư trong nông nghiệp. Nghị định 55 về tín dụng nông nghiệp sẽ được sửa đổi, trong đó có nội dung về tài sản thế chấp, hỗ trợ HTX vay vốn,… Đồng thời, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc để hoàn thiện chính sách hỗ trợ liên kết HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để trình Thủ tướng ban hành.
Nguồn tintuc.vn-TT