VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của phát triển chính phủ điện tử

Dự thảo tờ trình và nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025 vừa được Văn phòng Chính phủ (VPCP) đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn) để lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

Người dân đánh giá sự hài lòng về dịch vụ hành chính tại quận 1, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Người dân đánh giá sự hài lòng về dịch vụ hành chính tại quận 1, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chưa được như mong đợi

Tại hội thảo “Phát triển CPĐT hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả” vừa diễn ra ở Hà Nội, báo cáo của VPCP cho biết thời gian qua, cả 3 nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống CPĐT là: số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực đều đã được nâng cao. Hiện tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương xây dựng, vận hành. Như vậy, các bộ, cơ quan ngang bộ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến. Tại các địa phương, con số này là 45.374 dịch vụ. Chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể: tỷ lệ người dùng Internet chiếm 54,2% dân số Việt Nam, số thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 dân, số thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân…

Theo Sách trắng công nghệ thông tin (CNTT), nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương hoạt động hiệu quả, tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ rất lớn. Tiêu biểu trong số này là Bộ Công an (8,8 triệu hồ sơ), Bộ Công thương (772.000 hồ sơ), Bộ Giáo dục – Đào tạo (270.000 hồ sơ), Bộ Giao thông Vận tải (144.000 hồ sơ), Hà Nội (225.173 hồ sơ), Lâm Đồng (110.000 hồ sơ)…

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Minh Hồng, việc ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT ở nước ta trong những năm qua được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thúc đẩy triển khai. Chính phủ đã chuẩn bị việc thành lập ủy ban quốc gia về CPĐT trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp là chủ tịch ủy ban này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả nhất định trong việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, so với các yêu cầu thực tế, vẫn còn nhiều điều chưa được như mong muốn. VPCP cũng cho rằng, còn nhiều nội dung triển khai CPĐT chưa được như mong đợi: còn rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng CNTT; việc triển khai ở một số nơi còn mang tính hình thức; việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng CNTT làm nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai còn chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ.

Lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, tồn tại trong phát triển CPĐT, theo VPCP là do nhiều cấp, ngành chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai, còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách thủ tục hành chính và đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chậm được triển khai; tình trạng cát cứ thông tin, dữ liệu còn phổ biến dẫn đến nhiều số liệu không thống nhất; việc bảo đảm an toàn, an ninh cho các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước còn chưa được quan tâm đúng mức; còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CPĐT; thiếu cơ chế tài chính và đầu tư phù hợp với đặc thù dự án CNTT…

Chính vì vậy, tại dự thảo tờ trình việc ban hành nghị quyết mới về phát triển CPĐT, VPCP cho rằng, cần tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển thành công CPĐT Việt Nam, trong đó có các chương trình quốc gia, chương trình mục tiêu, kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính, đổi mới lề lối phương thức làm việc với ứng dụng CNTT, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT; xây dựng CPĐT theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần đối với một loại dữ liệu; sử dụng được các dịch vụ công và các hệ thống thông tin giao tiếp với người dân, doanh nghiệp của Chính phủ trên các phương tiện hiện đại như điện thoại di động…

Nguồn SGGPO-TT