Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ
– Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Công tác hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam
Ngày 10/8/2018, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là một sáng kiến thiết thực, tạo cơ hội cho các đồng chí Đại sứ và Tổng Lãnh sự lắng nghe nhu cầu mới của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta hội nhập sâu rộng; cùng trao đổi về phương hướng, hình thức phối hợp chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan cùng với hơn 100 Đại sứ, Tổng Lãnh sự đương nhiệm, các Trưởng Cơ quan đại diện chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, các chuyên gia kinh tế như: Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và 300 doanh nghiệp đã tham dự Toạ đàm.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định công tác hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII, theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao kinh tế của toàn ngành Ngoại giao. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tập trung vào việc tạo môi trường quốc tế, tạo khuôn khổ hợp tác song phương thuận lợi để doanh nghiệp làm ăn kinh doanh; phối hợp với các Bộ/ngành thúc đẩy đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do. Bộ Ngoại giao cũng đã tạo điều kiện để doanh nghiệp được tham gia các sự kiện bên lề các hoạt động đối ngoại lớn; gần đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 hay nhân dịp các chuyến thăm cấp cao, để tạo cho doanh nghiệp cơ hội trao đổi, kết nối với các đối tác.
Trong quá trình hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, các Cơ quan đại diện cũng ghi nhận được không ít khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan, xuất phát từ nhu cầu và thực tế hết sức đa dạng của môi trường quốc tế và nhu cầu của doanh nghiệp. Thứ trưởng Thường trực thẳng thắn nhìn nhận, mạng lưới cơ quan đại diện nhiều nơi còn mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều địa bàn trong khi nguồn nhân lực hạn chế. Cơ chế trao đổi, thông tin và phối hợp giữa các cơ quan đại diện và doanh nghiệp chưa thật sự thường xuyên và hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn đề nghị các doanh nghiệp và Trưởng cơ quan đại diện trao đổi thẳng thắn, giải đáp ba câu hỏi: Bộ Ngoại giao cần tập trung vào những nội dung gì để tối ưu hoá hiệu quả hỗ trợ? Doanh nghiệp cần tự trang bị kỹ năng và thông tin gì cho mình trong bối cảnh mới? Hai bên cần thiết lập cơ chế trao đổi và phối hợp như thế nào để đảm bảo công tác hỗ trợ được nhanh và hiệu quả?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cùng chia sẻ những khó khăn, thách thức doanh nghiệp cần phải chủ động đối mặt trong thời gian tới như: Xu thế chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và doanh nghiệp sẽ là đối tượng đầu tiên hứng chịu những rủi ro này đầu tiên.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định rằng, đằng sau cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc là chiến tranh chính trị, an ninh và khoa học công nghệ; tác động của cuộc chiến này sẽ dàn trải, không đồng đều trong các lĩnh vực nhưng một trong những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là doanh nghiệp. Ông cho rằng, Việt Nam cần tránh nguy cơ trở thành đối tượng tấn công thương mạị. Ông khuyến nghị doanh nghiệp nên tự chuẩn bị cho mình các biện pháp tự vệ, đặc biệt là chú trọng thu thập thông tin vĩ mô, nắm bắt xu hướng và cục diện thế giới.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 đã giới thiệu về giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong bài tham luận của mình, Đại sứ Nguyệt Nga đã chỉ ra các cơ hội mà doanh nghiệp cần tận dụng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng, đồng thời cũng xác định những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải trên con đường hợp tác kinh doanh với nước ngoài.
Bà Đoàn Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao cũng giới thiệu kết quả bản điều tra nhu cầu cần được hỗ trợ của doanh nghiệp đối với các cơ quan đại diện mà Bộ Ngoại giao và các hiệp hội doanh nghiệp đã phối hợp thực hiện. Kết quả bản điều tra cho thấy, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng trọng tâm là nhu cầu thông tin từ địa bàn, đặc biệt là các thông tin mang tính cảnh báo, nhu cầu kết nối cụ thể với các đối tác nước ngoài, nhu cầu cụ thể về xúc tiến và quảng bá, cũng như phương thức hỗ trợ xác minh, tháo gỡ khó khăn và vướng mắc.
Các Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia và Israel cùng nhiều Đại sứ đã chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp, các thế mạnh của địa bàn phụ trách cũng như đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với doanh nghiệp, với Hiệp hội khi hợp tác với nước ngoài. Các Đại sứ đều khẳng định dù nước lớn hay nhỏ, phát triển hay còn khó khăn, doanh nghiệp luôn có cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp cần mạnh dạn, tự tin và tìm đúng cách thức để thâm nhập thị trường. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; đề nghị doanh nghiệp phải có những đặt hàng cụ thể, và kịp thời cập nhật cho cơ quan đại diện những thuận lợi, khó khăn trong quá trình kinh doanh ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp đánh giá cao vai trò và sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện trong thời gian qua, từ định hướng cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác cho tới hỗ trợ giải quyết các vướng mắc. Doanh nghiệp cho biết, các công ty Việt Nam hiện đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các xung đột thương mại và phản ánh xu hướng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài, đặc biệt là trường hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp đề nghị ngành Ngoại giao tiếp tục làm tốt công tác thông tin, hỗ trợ kết nối với chính quyền sở tại và vận động chính quyền các nước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn Bộ Ngoại giao giúp kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, thiết lập mạng lưới hợp tác giữa hai bên.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ mong muốn các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam giúp tìm kiếm, kết nối các công nghệ phù hợp để phát triển đất nước. Bà đề cập đến khái niệm “Đại sứ công nghệ” và đề nghị các Đại sứ, Tổng lãnh sự giúp tìm kiếm các cơ hội hợp tác với nước ngoài để nâng cao năng suất lao động, đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn ghi nhận ý kiến của các đại biểu, xác định phương hướng hỗ trợ doanh nghiệp của ngành Ngoại giao trong thời gian tới và đưa ra các đề nghị và các lưu ý đối với doanh nghiệp và cơ quan đại diện. Thứ trưởng Thường trực đề nghị các cơ quan đại diện nghiên cứu triển khai 5 định hướng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm: Tận dụng thế mạnh của cơ quan đại diện, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá kết nối đối tác, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp và đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp tăng cường hợp tác với ngành Ngoại giao và các cơ quan liên quan, mở rộng tham vấn về nhu cầu hỗ trợ trong quá trình Bộ Ngoại giao xây dựng kế hoạch triển khai công tác ngoại giao kinh tế ở từng địa bàn.
Thứ trưởng Thường trực khẳng định, ngành Ngoại giao không thể làm thay các Bộ, ngành, địa phương hay doanh nghiệp nhưng đã, đang và sẽ tiếp tục kết nối, đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ các khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Để phục vụ nhu cầu thông tin của các doanh nghiệp về tình hình kinh tế thế giới, khu vực và của từng địa bàn, Thứ trưởng Thường trực cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã phối hợp xây dựng bộ Hồ sơ giới thiệu 80 thị trường trọng điểm và Bản tin ngoại giao kinh tế, với mong muốn đóng góp thiết thực cho quá trình hội nhập quốc tế của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ trường Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định “Nơi nào có cơ quan ngoại giao, nơi đó các doanh nghiệp được hỗ trợ”.
Cũng nhân dịp này, các doanh nghiệp đã có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc riêng với các Đại sứ, Tổng Lãnh sự ở từng địa bàn và trao đổi cụ thể về nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp tại phiên kết nối diễn ra sau Toạ đàm./.