Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 10/2018 đạt 3,36 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành 10 tháng lên 32,6 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản tăng 2,3%; thuỷ sản tăng 6,2%; lâm sản tăng 16,3%
Trong 10 tháng, nông, lâm, thuỷ sản cả nước xuất khẩu mạnh nhất vào 4 thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong 10 tháng, nông, lâm, thuỷ sản cả nước xuất khẩu mạnh nhất vào 4 thị trường: Trung Quốc chiếm 22,8% tổng kim ngạch; Mỹ chiếm 17,7%; Nhật Bản chiếm 9% và Hàn Quốc chiếm 6,9%. Điều đáng nói, xuất khẩu vào Hàn Quốc lại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng tới 30,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Rau và gạo vẫn đi đầu
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2018 ước đạt 264 nghìn tấn với giá trị đạt 136 triệu USD. Lũy kế 10 tháng, xuất khẩu gạo đạt 5,2 triệu tấn, đem về 2,6 tỷ USD, tăng 1,7% về lượng và 14,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng thứ nhất về tiêu thụ gạo nước ta, với 23,6% thị phần, nhưng giảm 37,2% về lượng và giảm 27,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh ở các thị trường: Indonesia tăng 67%, Iraq tăng gấp 3,6 lần, Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 67,7%, Philippines tăng 51,9% và Malaysia tăng 24,7%. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 503 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, giá xuất khẩu của gạo thơm Jasmine cao nhất, đạt 575 USD/tấn, giá gạo Japonica (giống lúa Nhật trồng tại Việt Nam) đạt 526 USD/tấn. Gạo tẻ xuất khẩu 5% tấm bình quân của Việt Nam trong tháng 10/2018 đạt 410 USD/tấn, cao hơn của Ấn Độ (372 USD/tấn) và tương đương Thái Lan (411 USD/tấn).
Đáng chú ý là cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực, tăng dần gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng chất lượng trung bình và cao, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp… Trong 2 tháng còn lại của năm, dự báo xuất khẩu gạo vẫn thuận lợi, cùng với các đơn hàng đã ký kết trong tháng 10/2018, có thể còn nhiều đơn hàng sẽ trúng thầu trong các đợt đấu thầu cuối năm.
Giá trị xuất khẩu rau quả trong tháng 10/2018 ước đạt 331 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng lên 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 74% thị phần. xuất khẩu rau quả cũng tăng mạnh ở một số thị trường khác: Thái Lan tăng 35%, Úc tăng 31,6%, Hoa Kỳ tăng 30,8% và Hàn Quốc tăng 24,2%.
Dự báo các tháng cuối năm 2018, nhiều nhà máy chế biến rau quả quy mô lớn sẽ đi vào vận hành như tổ hợp dự án Doveco Tây Nguyên, nhà máy Tanifood Tây Ninh sẽ bổ sung đáng kể vào năng lực sản xuất, chế biến rau quả xuất khẩu Việt Nam. Dự báo, ngành rau quả có nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đem về 4 tỷ USD năm 2018.
Xuất khẩu sản phẩm cây công nghiệp ít đột biến
Xuất khẩu cà phê tháng 10/2018 ước đạt 126 nghìn tấn với giá trị đạt 224 triệu USD; lũy kế 10 tháng đạt 1,57 triệu tấn và 2,98 tỷ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 0,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, giá cà phê xuất khẩu chỉ đạt 1.901 USD/tấn, giảm 16,2% so với năm 2017.
Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 12,5% và 9,6%. Dự báo thị trường cà phê vẫn chưa phục hồi nhanh trong ngắn hạn do sản lượng toàn cầu có khả năng dư thừa và Việt Nam đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê Robusta mới.
Ước tính khối lượng cao su xuất khẩu tháng 10/2018 đạt 184 nghìn tấn với giá trị đạt 238 triệu USD: lũy kế 10 tháng ước đạt 1,21 triệu tấn và 1,66 tỷ USD, tăng 13,4% về lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt 66%, 7% và 5% trong tổng giá trị xuất khẩu cao su.
Ở mặt hàng tiêu, tháng 10/2018 đã xuất đi 14 nghìn tấn, đem về 43 triệu USD; lũy kế 10 tháng đạt 207 nghìn tấn và 676 triệu USD, tăng 7,9% về lượng nhưng giảm 33,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính của hạt tiêu Việt Nam tiếp tục là: Mỹ chiếm 19%, Ấn Độ chiếm 8,5%, Pakistan chiếm 4,4%. Xuất khẩu hạt tiêu sang các thị trường này đều có xu hướng tăng về lượng nhưng giảm về giá trị do giá thấp. Giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 10 tháng đầu năm 2018 là 3.266 USD/tấn, giảm 38,3% so với cùng kỳ 2017…
Với mặt hàng điều, đã xuất khẩu 29 nghìn tấn với giá trị 247,6 triệu USD trong tháng 10/2018; lũy kế 10 tháng đạt 301 nghìn tấn với kim ngạch 2,78 tỷ USD, tăng 3,39% về lượng nhưng giảm 3,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 42%, 13% và 12% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Các thị trường có giá trị xuất khẩu nhân điều tăng mạnh là: Italia tăng 41,7%, Israel tăng 18,6% và Canada tăng 16%.
Thủy sản và lâm sản tương đương nhau
Đối với ngành thủy sản, xuất khẩu tháng 10/2018 đem về 873 triệu USD; lũy kế 10 tháng đạt 7,24 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 54,5% tổng kim ngạch thủy sản. xuất khẩu thủy sản tăng mạnh vào các thị trường: Anh tăng 20,3%, Thái Lan tăng 16,9%, Hà Lan tăng 15,8%, Hàn Quốc tăng 13,1%, Úc tăng 12,7% và Đức tăng 10,6%.
Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 10/2018 ước đạt 853 triệu USD; lũy kế 10 tháng đạt 7,23 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 79,5% tổng giá trị kim ngạch nhóm mặt hàng này.
Nguồn VnEconomy-TT