Thủ tướng chỉ thị chấn chỉnh kỷ luật chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 31/2018/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước.
Chỉ thị nêu rõ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước đúng thời hạn, nội dung, đối tượng, lĩnh vực theo quy định; đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ/dự án quan trọng, cấp bách và chủ động bố trí kinh phí để hoàn trả kinh phí đã ứng trước, xử lý nợ đọng theo quy định.
Điều hành, quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; triệt để tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định, hạn chế việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước, giảm số chi chuyển nguồn sang năm sau. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để xảy ra tình trạng nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản.
Nghiêm cấm thực hiện các khoản chi ngoài dự toán, các khoản chi trái quy định của pháp luật, sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định.

Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn 2021 – 2025.

Trong giai đoạn 2018-2020, tập trung xử lý các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã được ký kết; tiếp tục lựa chọn và chuẩn bị các dự án đầu tư công tốt (dựa trên hiệu quả kinh tế – xã hội, tài chính), sẽ giải ngân sau 2020 để đảm bảo sự liên tục, không bị sụt giảm đột ngột vốn đầu tư phát triển giai đoạn sau 2020. Tuy nhiên cần phải sàng lọc, lựa chọn các dự án tốt, hiệu quả để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, đồng thời đảm bảo không vượt trần bội chi ngân sách và các chỉ tiêu an toàn nợ công do Quốc hội phê duyệt.

Tập trung sử dụng vốn vay vào một số lĩnh vực chủ chốt, các công trình trọng điểm thực sự quan trọng, có tác dụng lan tỏa rộng, có tính chất kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển vùng, miền và cần thẩm định, đánh giá dự án một cách chặt chẽ, khách quan, minh bạch để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài.

Chiến lược phát triển thông tin quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (Chiến lược) trên các loại hình thông tin: báo chí, xuất bản, thông tin công cộng trên Internet, thông tin cơ sở.

Theo đó, sẽ kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý thông tin ở trung ương và địa phương; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và điều kiện làm việc, bảo đảm thực thi công tác quản lý nhà nước hiệu quả cả về kỹ thuật và nội dung.

Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin. Cụ thể, các cơ quan thông tin cần nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới phương thức thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, nhanh nhạy, toàn diện, phong phú, đảm bảo định hướng chính trị, tư tưởng, phù hợp với trình độ tiếp nhận của từng đối tượng và điều kiện kinh tế – xã hội của từng vùng, miền. Thông tin có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian nhất định. Chủ động đấu tranh chống các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin có tác động tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.

Doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT

Chính phủ ban hành Nghị định 149/2018/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (người sử dụng lao động).

Trong đó, nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh lĩnh vực thông tin và truyền thông
Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Cụ thể, Nghị định số 150/2018/NĐ-CP sửa đổi điều kiện thành lập và bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản quy định tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản. Theo đó, thay vì quy định cụ thể điều kiện trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 m2 sử dụng trở lên, Nghị định 150 chỉ quy định, trụ sở của nhà xuất bản có diện tích phù hợp, đáp ứng quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc.
Nghị định số 150/2018/NĐ-CP cũng đơn giản hóa điều kiện hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử đã được quy định tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP. Theo đó, điều kiện về thiết bị, công nghệ để xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử được sửa đổi như sau: Có máy chủ đặt tại Việt Nam; có thiết bị, phần mềm phục vụ việc thiết kế, dàn trang, ghi dữ liệu trên các phương tiện điện tử…
Sửa đổi điều kiện kinh doanh 5 lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Tài chính
Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Nghị định trên sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh trong 5 lĩnh vực gồm: 1- Kế toán, kiểm toán; 2- Xổ số, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, casino, đặt cược, dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện; 3- Kinh doanh bảo hiểm; 4- Thẩm định giá; 5- Kinh doanh chứng khoán.
Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao
Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.
Nghị định này quy định rõ về tiền lương; tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và tiền thưởng theo thành tích thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.
Điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018-2021
Chính phủ ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 so với Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.
Lập quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Hồ Chí Minh
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của lập quy hoạch là đề xuất giải pháp giảm thiểu chất thải rắn phát sinh tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế; đề xuất mạng lưới trạm trung chuyển đảm bảo phục vụ mang tính liên quận/huyện với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn của Thành phố theo từng giai đoạn; đề xuất các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hạn chế chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, kinh phí xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Trà Vinh
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của điều chỉnh Quy hoạch nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển kinh tế biển, du lịch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước đồng bộ, có tính liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong quả trình phát triển.

Ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn không rõ nguồn gốc
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm giết mổ gia súc đảm bảo phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.

Nguồn Chinhphu.vn-TT