Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước diễn ra sáng 21/11, tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Vương Đình Huệ – Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Trịnh Đình Dũng – Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng đông đảo các đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020” để làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương phê duyệt và triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại từng DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý giai đoạn 2016 – 2020.
Kết quả, trong năm 2016, đã tiến hành cổ phần hóa 66 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước 27.328 tỷ đồng. Trong năm 2017, cổ phần hóa 69 doanh nghiệp với tổng giá trị 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.
Trong 11 tháng năm 2018, có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nhìn chung, cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo báo cáo kết quả chuyển nhượng vốn của DNNN đầu tư ra ngoài đều có lãi; tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, qua quá trình triển khai, cho thấy cổ phần hóa tiếp tục khẳng định là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản, nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng.
Dù vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Trong đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số doanh nghiệp nhà nước nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn (12 dự án của ngành Công Thương).
Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động.
Mặt khác, việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường; chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tiến hành đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN vừa qua đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định vĩ mô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đời sống của cán bộ công nhân viên của DNNN cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt, đã giảm số lượng DNNN từ con số 12.000 xuống còn 600, tính cạnh tranh, bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh được thể hiện rõ hơn.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: QH)
Dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ rõ, hiệu quả và đóng góp của DNNN còn thấp. Trong công tác quản trị, tính công khai minh bạch, kiểm tra, kiểm soát còn nhiều vấn đề, riêng vấn đề quản trị vẫn còn nhiều yếu kém, chưa có nhiều học hỏi, đổi mới. Trong giai đoạn 2016-2017, việc cổ phần hóa vẫn còn chậm.
Nhìn chung, DNNN chưa dẫn đầu dẫn dắt cho sự phát triển của nền kinh tế, có những tập đoàn, tổng công ty nhiều năm liền không đầu tư, không khởi công công việc gì. Đặc biệt, tư tưởng e ngại trong cổ phần hóa, thoái vốn, tư tưởng thiên vị đang kìm hãm tiến độ đổi mới.
Trên tinh thần chung của Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN. Đó là, tái cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế nhằm phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội; bảo toàn, phát triển nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp để nhà nước giữ vị trí then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đến năm 2020, cơ cấu lại, đổi mới DNNN trên cơ sở các tiêu chí phân loại DNNN, phấn đấu thoái vốn tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ, tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, dự án công trình, đầu tư kém hiệu quả, phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương, các đơn vị DNNN liên quan nghiêm túc quán triệt sâu sắc các quan điểm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao năng lực DNNN. Tiến hành cơ cấu lại và thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai minh bạch, không làm thất thoát vốn DNNN. Hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, phấn đấu kế hoạch hoàn thành đã đề ra.
Thủ tướng cũng đề nghị, doanh nghiệp, đơn vị nào có lý do khách quan không thể cổ phần hóa được theo danh mục phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, nói rõ những khó khăn, vướng mắc để Chính phủ xem xét, xử lý.
Cùng với đó, rà soát lại các đơn vị cổ phần, các đơn vị thoái vốn chưa thực hiện trong giai đoạn 2016-2018. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty đã được chuyển giao nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có sự phát triển tốt. Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ việc cổ phần hóa, thoái vốn, đăng ký giao dịch niêm yết trên thị trường chứng khoán./.
Nguồn ĐCSVN-TT