– Chiều 03/12, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018 đã diễn ra tại Hà Nội tiếp ngay sau buổi họp Chính phủ diễn ra cùng ngày.
Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ tháng 11/2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phiên họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và đông đảo các nhà báo ở Trung ương và Hà Nội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, ngày 3/12, Thủ tướng Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, bàn về 16 nội dung lớn. Trọng tâm nhất, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2018 và dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Năm 2018: Hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển đề ra
Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt những kết quả tích cực, toàn diện, quan trọng. Chúng ta có thể khẳng định sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu kế hoạch đã đề ra cho năm 2018, tạo tiền đề thuận lợi, vững chắc cho năm 2019. Cụ thể:
– Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm 0,29% (thấp nhất trong 9 năm qua), bình quân 11 tháng tăng 3,59%.
– Nông nghiệp phát triển tốt, đàn bò tăng 2,2%, đàn lợn tăng 2,8%, đặc biệt sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ ở mức cao, 11 tháng tăng 10,1%. Ngành công chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 12,2%, duy trì ở mức hai con số.
– Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 11,5%. Khách quốc tế 11 tháng đạt 14,12 triệu lượt, tăng 21,3% và chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu thu hút 15 triệu khách quốc tế trong năm 2018.
– Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4%. Xuất siêu ở mức kỷ lục 6,8 tỷ USD, duy trì mức xuất siêu liên tục trong nhiều tháng qua.
– 11 tháng có trên 121.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 9,1%; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 3,4 triệu tỷ đồng; gần 32.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 30,9% so với cùng kỳ.
– Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống dân cư được cải thiện, đặc biệt số hộ thiếu đói giảm 40,7%, nhân khẩu thiếu đói giảm 42,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh kết quả được, chúng ta vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, khó khăn và thách thức: Nông nghiệp và đời sống của nhân dân một số vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai; tổng thiệt hại do thiên tai trong 11 tháng ước tính khoảng 9 nghìn tỷ đồng. Việc cung ứng điện cho nền kinh tế còn các vấn đề đặt ra, như báo chí đã phản ánh về khả năng thiếu nguồn cung than, khí cho các nhà máy điện.
Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tiếp tục có tiến bộ nhưng vẫn ở mức thấp, ước giải ngân bằng 59,9% so với kế hoạch Quốc hội giao, vốn Trung ương quản lý mới giải ngân gần 80%.
Sản xuất đầu tư kinh doanh vẫn còn khó khăn; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trên 83.000 (tăng 49,3%); số doanh nghiệp giải thể gần 15.000 (tăng 37,4%). Môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã có bước cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Tình trạng xã hội đen, tín dụng đen, bảo kê, cướp giật, cướp ngân hàng vẫn xảy ra nghiêm trọng tại một số địa phương.
2019: Hành động và hành động hơn nữa để phục vụ nhân dân
Về các nhiệm vụ – giải pháp thời gian tới, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận cả 2 nhóm vấn đề chính, một là những vấn đề cấp bách cần làm ngay của các ngành, lĩnh vực phải thực hiện ngay trong tháng 12 này và đầu năm 2019; hai là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của từng ngành, lĩnh vực để đưa vào Nghị quyết 01 năm 2019. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương không được chủ quan, mà phải kiên định tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung vào khâu thực thi, nhất là người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính.
Dự kiến phương châm hành động năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, đột phá, phát triển”. Về dự thảo Nghị quyết 01 và việc xây dựng Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tinh thần là thực hiện nghiêm Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, đồng thời bám sát thực tiễn, đề ra các biện pháp giải quyết các bức xúc, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô và nâng cao mọi mặt đời sống xã hội. Các chỉ tiêu Chính phủ giao trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu ở mức cao với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, “hành động và hành động hơn nữa để phục vụ nhân dân”. Ngay trong Nghị quyết 01 phải thể hiện khát vọng vươn lên của đất nước, làm sao để tinh thần dân tộc được khơi dậy ngay từ đầu năm.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể về một số vấn đề bức xúc, nổi cộm hiện nay. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phụ trách để sớm xử lý một số vấn đề về tình hình khiếu nại tố cáo ngay trong tháng 12 này. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phát động đợt cao điểm xử lý vấn đề tín dụng đen. Thủ tướng cũng sẽ ban hành Chỉ thị về chuẩn bị tổ chức Tết nguyên đán sắp tới.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo đảm đủ điện, không thể thiếu điện trong năm 2019. Thời gian qua, Thủ tướng đã nhiều lần gửi thư cho các đồng chí liên quan về các giải pháp cung ứng điện. Tại phiên họp, Thủ tướng nêu rõ thái độ cương quyết, yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan nếu để xảy ra mất điện ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Giảm mạnh các thủ tục hành chính
Cũng tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và kết quả kiểm tra tháng 11 của Tổ công tác. Cụ thể như sau:
Việc đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh có chuyển biến so với tháng trước. Các Bộ đã trình và ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, vượt 36,5% chỉ tiêu giao. Các Bộ cũng trình ban hành được 03 luật và 25 nghị định để cắt giảm, đơn giản được 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh, vượt 8,1% so với chỉ tiêu giao và tăng 11,1% so với tháng trước.
Trong 11 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 18.422 nhiệm vụ. Trong đó, có 9.880 nhiệm vụ đã hoàn thành, 8.325 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 217 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,2%, giảm 0,7% so với tháng trước).
Nội dung hỏi đáp tại phiên họp báo
Phóng viên báo Dân trí: Về giá than và giá điện trong thời gian qua, xin Bộ Công Thương cho biết hiện có hiện tượng nhà máy nhiệt điện thiếu than trong khi ngành than phản ánh khó khăn khi phải khai thác ở độ sâu ngày càng lớn dẫn tới nguy cơ thiếu than cho nhiệt điện. Bộ Công Thương đã chuẩn kịch bản nào cho tình trạng này trong thời gian tới?
Cứ đến dịp cuối năm tình trạng buôn lậu, hàng giả lại gia tăng. Bộ Công Thương vừa thành lập Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường. Vậy sẽ có gì mới trong hoạt động phòng chống buôn lậu, hàng giả?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Trong những ngày gần đây, sau cuộc họp của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã công bố giá thành điện của năm 2017 có sự phối hợp các bộ, ngành, hội liên quan; đã xem xét kỹ và kiểm toán độc lập về chi phí sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, tổng doanh thu bán điện năm 2017 từ điện của EVN là 289.954 tỷ trong đó chi phí sản xuất là 291.278 tỷ đồng, như vậy kinh doanh điện đang bị lỗ. Tuy nhiên, EVN có thêm một số khoản thu nhập như tiền gửi ngân hàng, cổ tức, lợi nhuận mà EVN có hợp tác, liên doanh trong ngành điện. Ngoài ra năm 2017, EVN có khoản chênh lệch tỉ giá 5.117 tỷ đồng, và nếu cộng tất cả nguồn thu và chi của năm 2017 thì EVN lỗ 2.219 tỷ đồng.
Về kịch bản điều hành giá điện, chúng ta đã biết năm 2018, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc việc không xem xét, đề xuất điều chỉnh tăng giá điện nhưng việc xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 thì sẽ thực hiện theo Quyết định 24/QĐ-TTg và kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành. Hiện chúng tôi đưa ra 4 kịch bản tương ứng tăng trưởng phụ tải cao và tăng trưởng bình thường, và 2 kịch bản tương ứng lượng nước về hồ thuỷ điện bình thường và về ít hơn trung bình nhiều năm. Hiện nay, chúng tôi có thể khẳng định Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ và xây dựng kịch bản giá điện năm 2019 theo đúng quy định và có xem xét tác động của việc điều chỉnh giá điện. Sau khi EVN xây dựng phương án, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thẩm tra, thẩm định; phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá ảnh hưởng các kịch bản điều chỉnh giá điện lên tốc độ tăng trưởng, GDP, chỉ số CPI, ảnh hưởng đến chi phí của các khách hàng lớn và các hộ sinh hoạt. Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá kịch bản điều hành giá điện năm 2019 trong tháng 12/2018. Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ xem xét hoàn chỉnh các kịch bản điều hành giá điện để báo cáo Chính phủ.
Từ tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã làm việc với EVN để xây dựng kế hoạch cung cấp điện cho năm 2019 và trong các tháng cuối năm 2018. Có thực tế nhiều hồ thuỷ điện ở miền Trung-Tây Nguyên xảy ra tình trạng khô hạn, mực nước thấp hơn mức trung bình nhiều năm, làm ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho kế hoạch cung cấp điện năm 2019. Tuy nhiên Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tính toán phương án cung ứng điện theo 4 kịch bản trên. Và có thể khẳng định sản lượng điện năm 2019 sẽ đạt 242 tỷ kWh ở phương án cơ sở và 243,5 tỷ kWh ở phương án cao với tốc độ tăng trưởng tương đương tốc độ tăng trưởng dự báo trong tổng sơ đồ phát triển điện lực. Chúng tôi cũng khẳng định các phương án cung cấp điện đã tính toán đến khả năng cung cấp nước cho hạ du của các hồ thuỷ điện trong mùa khô 2019 mà trước mắt là cấp nước cho vụ Đông Xuân của Đồng bằng Bắc Bộ. Và qua tính toán, Bộ Công Thương khẳng định cả 4 phương án cho thấy hệ thống đều bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu của người dân. Tuy nhiên trong một số trường hợp sẽ phải huy động từ 2-7 tỷ kWh từ các nguồn điện dầu, có thể đắt hơn, nhưng quan trọng nhất Bộ Công Thương khẳng định bảo đảm đủ điện trong năm 2019. Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí tuyên truyền cho các cơ quan xí nghiệp, người dân sử dụng điện tiết kiệm, nước trong sản xuất, sinh hoạt để bảo đảm an ninh năng lượng.
Việc giữa ngành than và ngành điện nói rằng không đủ than để cho sản xuất nhiệt điện, theo báo cáo của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Than Đông Bắc, hai đơn vị hiện cung cấp than chính cho nhiệt điện, riêng năm 2018, TKV đạt xấp xỉ cam kết cung cấp than để sản xuất điện tương tự Tổng công ty Than Đông Bắc. Dự kiến năm 2018 TKV khai thác 28,9 triệu tấn than, tăng 22% so với năm 2017. Tổng công ty Than Đông Bắc khai thác 5,8 triệu tấn than, tăng 15% so với năm 2017, đạt 98% cam kết cung cấp than cho nhiệt điện. Do năm 2018 lượng nước về các hồ thuỷ điện thiếu hụt làm ảnh hưởng đến thuỷ điện, trong khi giá than thế giới cao hơn trong nước nên một số nhà máy nhiệt điện không mặn mà nhập khẩu. Chúng tôi phải khẳng định thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ, nếu trong trường hợp trong nước không đủ than thì phải nhập than. Quan trọng nhất là chúng ta phải khẳng định luôn luôn bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Chúng ta có Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389) do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình làm Trưởng ban, Bộ Tài chính là Thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương là một trong các thành viên và chúng tôi đang tích cực thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, trực tiếp chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc nhất là trong thời điểm cuối năm, các dịp lễ, tết. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng quy định được chỉ dạo phân công trong chức năng nhiệm vụ của mình để hoàn thành tốt việc chống buôn lậu, gian lận thương mại, phối hợp với các địa phương trong bối cảnh Tổng cục Quản lý thị trường mới được thành lập, và Bộ Công Thương mới giao quyền phụ trách các Cục Quản lý thị trường về chuyên môn ngành dọc, còn chờ hướng dẫn của các cấp thẩm quyền liên quan đến tổ chức Đảng để hoàn thiện toàn hệ thống.
PV Xuân Hải (báo Lao động): Mới đây báo Lao động đăng tải loạt bài điều tra về quặng lậu. Hằng đêm, có hàng trăm chiếc thuyền chở quặng đồng, chì, than và đất hiếm ồ ạt vận chuyển qua sông Nậm Thi sang Trung Quốc. Đáng chú ý là bến thuyền này cách trạm biên phòng Bản Phiệt của xã Bản Phiệt (Bảo Thắng, Lào Cai) không xa. Để xảy ra tình trạng vận chuyển quặng lậu sang Trung Quốc như vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm? Tỉnh Lào Cai, biên phòng, hải quan hay quản lý thị trường? Quan điểm của Chính phủ và bộ ngành về vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến việc báo chí nêu về hiện trạng quặng lậu, các đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến về vấn đề này, cụ thể là việc khai thác và xuất khẩu mà thực chất là chuyên chở lậu, xuất ngay tại tỉnh Lào Cai. Trước hết về quản lý Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý Nhà nước chung về các tài nguyên khoáng sản. Ở đây, chúng tôi nghĩ rằng cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc này. Từ khâu khai thác và xuất lậu đi rõ ràng ở ngay tại một địa bàn. Do đó, chắc chắn cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Về phía Bộ Công Thương, sau khi báo chí nêu về sự việc này chúng tôi đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường trực tiếp xuống chỉ đạo đồng thời có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường Lào Cai tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc này, báo cáo tỉnh, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 Lào Cai phối hợp các lực lượng có liên quan như biên phòng, hải quan, công an và chính quyền các cấp, kể cả xã, thôn để kịp thời có các biện pháp khống chế, tiến tới chấm dứt tình trạng này.
PV Hoài Thu (báo VnExpress): Liên quan đến vụ máy bay rơi bánh ở Buôn Ma Thuột, Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) ban đầu xác định sự cố này rất nghiêm trọng và cho biết sẽ phối hợp với Hãng hàng không Airbus điều tra nguyên nhân sự cố mà không có sự tham gia của cơ quan độc lập. Theo thông lệ quốc tế thì cơ quan điều tra hàng không sẽ do một uỷ ban độc lập thực hiện. Phát ngôn của Cục Hàng không về vụ việc này cũng nói là loại trừ nguyên nhân do kỹ thuật. Vậy thì cơ sở nào Cục Hàng không đưa ra những khẳng định như vậy?
Về việc khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, theo cáo trạng khởi tố, ông Trần Bắc Hà bị bắt do vi phạm về pháp luật ngân hàng và các quy định khác liên quan. Vậy xin hỏi, ông Hà bị bắt do liên quan đến vụ án cụ thể nào?
Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang: Với vụ việc cựu Chủ tịch HĐQT BIDV bị bắt, chúng tôi đã thông tin chi tiết và khá đầy đủ trên Cổng TTĐT Bộ Công an. Tôi xin nêu lại căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ vụ việc. Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và 3 bị can khác có liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng nêu trên ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các quyết định và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với 4 bị can đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, thu hồi tài sản để kịp có kết luận điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
PV Hoài Thu (báo Giao thông): Vừa qua, hai nữ phóng viên thực hiện điều tra tình trạng bảo kê ở chợ Long Biên bị nhắn tin doạ giết và cơ quan của hai nữ phóng viên này đã có công văn gửi Bộ Công an, Công an TP. Hà Nội đề nghị điều tra. Xin hỏi lãnh đạo Bộ Công an đã nhận được công văn này chưa và quan điểm của Bộ Công an như thế nào?
Vừa qua Báo Giao thông có nhận được phản ánh về việc kết nối hệ thống camera giám sát giao thông gặp khó khăn khi mỗi địa phương, đơn vị lại đầu tư một hệ thống khác nhau gây lãng phí, tốn kém. Ví dụ trên tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, chủ đầu tư đã đầu tư hệ thống camera giám sát vài chục tỷ nhưng phải dỡ bỏ vì cảnh sát giao thông không tiếp nhận để xử lý. Xin hỏi Bộ Công an có nắm được việc này hay không và theo chủ trương của Bộ làm thế nào để việc kết nối hệ thống camera giao thông được hiệu quả, đồng bộ, tăng tính minh bạch và giảm được tiêu cực?
Chánh văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang: Đối với thông tin hai nữ phóng viên thực hiện điều tra tình trạng bảo kê ở chợ Long Biên bị nhắn tin doạ giết, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội điều tra, làm rõ thông tin. Bộ Công an đã nhận được công văn của cơ quan các phóng viên gửi đến và đang giao cho các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP. Hà Nội tiến hành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định.
Việc kết nối hệ thống camera kiểm soát giao thông đã được Bộ Công an kiến nghị khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp tự trang bị các camera vừa giám sát giao thông, vừa kiểm soát an ninh ở các khu vực. Chúng ta cần có giải pháp kết nối để sử dụng các thông tin, hình ảnh phục vụ xử lý những vi phạm liên quan đến trật tự an toàn xã hội nói chung và trong lĩnh vực giao thông nói riêng. Hiện ở Hà Nội, chúng tôi đã cho thí điểm kết nối hệ thống camera giao thông với Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP. Hà Nội rất có hiệu quả, phát huy tốt. Do vậy các bộ, ban, ngành cần chỉ đạo các đơn vị, nhất là Bộ GTVT, trao đổi với Bộ Công an để thống nhất về công nghệ, bảo đảm kết nối hiệu quả, tránh lãng phí.
PV Thành Trung (báo Tri thức trẻ): Vụ việc bắt ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐTQ BIDV, trước đó mạng xã hội đã có thông tin khá chính xác. Bộ Công an có nhìn nhận thế nào về việc nhiều thông tin liên quan đến bắt các đối tượng trong các vụ án xuất hiện mạng xã hội? Có hay không việc việc lộ lọt thông tin trước khi công bố, thông tin chính thức lại đưa muộn?
Chánh văn phòng Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang: Khi thực thi pháp luật chúng tôi làm theo pháp luật, các thông tin bên ngoài hay mạng xã hội đều không có nguồn gốc rõ ràng, trong đó có nhiều thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường chứng khoán, ngân hàng.
Do đó, có một số phóng viên báo chí đặt câu hỏi nhưng tôi xin khẳng định, kể cả trước 1, 2 phút cũng không tiết lộ. Chúng tôi có quy định Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an đưa thông tin chính thức theo các quy định Bộ luật Tố tụng hình sự.
PV Hiếu Công (Zing.vn): Bộ GTVT đã rất tích cực điều tra sự cố máy bay Vietjet ở Buôn Ma Thuột. Đến nay kết quả việc xác minh nguyên nhân máy bay của Vietjet gặp sự cố nghiêm trọng khi hạ cánh tại Buôn Ma Thuột như thế nào? Trong tháng 11 liên tục xảy ra các sự cố hàng không như báy bay phải hạ cánh khẩn cấp, máy bay bị tắc nghẽn không lưu… Nguyên nhân tình trạng này là gì và hướng giải quyết như thế nào?
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP có bình luận gì về lá thư của Đại sứ Nhật cảnh báo tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên có nguy cơ dừng thi công? Được biết là Ban Cán sự Đảng Chính phủ đang trình Bộ Chính trị xem xét điều chỉnh vốn cho dự án này, vậy tiến độ đã diễn ra đến đâu? Khi nào Chính phủ mới có thể trình Quốc hội xem xét thông qua điều chỉnh tăng vốn dự án này?
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên được UBND TPHCM phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư là 17.388 tỷ đồng, đã bao gồm vốn tài trợ ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Sau khi có ý kiến của tư vấn độc lập, bộ ngành liên quan năm 2011, Thành phố đã phê duyệt tổng mức điều tư lên 47.325 tỷ đồng. Như vậy theo Nghị quyết 49 dự án với tổng mức đầu tư lớn như vậy muốn phê duyệt phải báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền, TPHCM vừa qua có báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng đã giao cho Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT sẽ có báo cáo bằng công văn liên quan đến đề nghị của TPHCM. Hiện nay Bộ GTVT đang lập báo cáo.
Thư của Đại sứ gửi lên Thủ tướng câu chuyện lo ngại về việc thanh toán của nhà thầu sẽ khó khăn, mới giải ngân được 52%. Như vậy số nợ của nhà thầu là có nhưng không phải ở mức quá nhiều. Thành phố đang rà soát phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục thực hiện để báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật: Máy bay này mới nhận từ ngày 15/11 sau khi có sự cố chúng tôi đã đưa máy bay ra khỏi hiện trường và xử lý hư hỏng của đường băng.
Theo Luật Hàng không, Cục Hàng không đã phối hợp với Airbus niêm phong hộp đen của máy bay để xử lý, hiện tại Tổ điều tra của Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với đơn vị sản xuất máy bay để tìm hiểu nguyên nhân sự cố. Trừ trường hợp việc điều tra của hàng không quốc gia xảy ra “sự cố”, không tiếp cận được hoặc điều tra không rõ ràng thì khi đó mới cần một cơ quan độc lập khác.
Về việc chậm huỷ chuyến, hiện tại tỉ lệ chậm huỷ chuyến của thế giới đang là 16-18%. Tại Việt Nam, tỉ lệ chậm-huỷ chuyến của VNA đang là 8%, Vietjet 18%, Jetstar là 20%, bình quân khoảng 14-16%. Như vậy con số này vẫn đang thấp hơn mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, vừa qua cơn bão số 9 đổ vào các tỉnh phía nam, đặc biệt là tại CHK Quốc tế Tân Sơn Nhất đã khiến tỉ lệ chậm-huỷ chuyến lên tương đối cao.
Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có tổng chiều dài 139 km, đoạn đầu dài 65 km đã đưa vào sử dụng từ năm 2017. Vừa qua, sau khi phát hiện sự cố hư hỏng của tuyến đường cao tốc này, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư là Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và nhà thầu thực hiện sửa chữa, do tuyến đường vẫn đang trong thời gian bảo hành, mọi vấn đề của tuyến đường sẽ được xử lý đảm bảo trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã yêu cầu thanh tra đột xuất dự án này, khi nào có kết quả Bộ GTVT sẽ công bố rộng rãi đến các cơ quan thông tấn báo chí.
Ngày 28/11 vừa qua, đoàn kiểm tra của Quốc hội do đồng chí Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách tài chính của Quốc hội đã đi kiểm tra toàn tuyến cao tốc này, sau khi có báo cáo đầy đủ chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến các cơ quan báo chí.
Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật: Các địa phương rất tâm tư về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT cũng nhiều lần hứa hẹn sẽ triển khai sớm nhưng đến nay chưa thấy tín hiệu gì. Khi nào Bộ sẽ chính thức triển khai để các địa phương có công tác chuẩn bị?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Về việc triển khai chương trình phổ thông mới, đến thời điểm này đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện chương trình trong thời gian tới. Bộ cũng đã ban hành Đề án về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên. Chương trình giáo dục phổ thông đến thời điểm này đã cơ bản hoàn tất để xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan và báo cáo Quốc hội. Tháng 12 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có cuộc họp báo thông báo chương trình phổ thông mới và sẽ thông tin chi tiết chương trình. Về cơ bản sẽ thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Chính phủ.
PV Đỗ Thơm (báo Giáo dục Việt Nam): Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ việc giáo viên chỉ đạo học sinh tát bạn trong lớp 231 cái ở Quảng Bình, mới đây, Hiệu trưởng trường này có gửi phiếu khảo sát học sinh về vụ việc đó. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phát phiếu này như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa : Về vụ việc cô giáo ở Quảng Bình cho phạt học sinh 231 cái tát, tại cuộc tiếp xúc cử tri Bình Định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu rõ việc một số em học sinh chưa ngoan, nói tục chửi bậy là có, nhưng đưa quy định tát học sinh là phương pháp phản sư phạm, gây bức xúc trong dư luận. Vụ việc này, Bộ Công an đã khởi tố, nhưng gần đây, hiệu trưởng lại tổ chức phát phiếu khảo sát. Việc này thể hiện hiệu trưởng, ban giám hiệu của trường yếu kém về năng lực quản lý. Đúng ra, khi có vi phạm, phải tiến hành báo cáo xử lý nghiêm nhưng cô hiệu trưởng làm như vậy là phản giáo dục, thể hiện thiếu kinh nghiệm, có sự thoái thác trách nhiệm vụ việc.
Chúng tôi đã nắm được thông tin, đang khảo sát, kiểm tra sự việc rõ ràng, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, yêu cầu Phòng Giáo dục, UBND huyện xử lý nghiêm vụ việc, báo cáo lên Bộ trưởng.
PV Quỳnh Hoa (báo Văn hóa): Vụ cháy nhà trọ của ông Hiệp ‘khùng’ gây ảnh hưởng tới 6 hộ dân bị sập mái hoàn toàn, chỉ còn 4 bức tường bao quanh, bị cắt điện, cắt nước. Đây là khu vực giải phóng mặt bằng của Vành đai 1, cho nên chính quyền quận và phường không cho các hộ dân ở đây được sửa nữa dù là bị sập mái che. Ngay sau vụ cháy, quận Ba Đình và phường đã hỗ trợ mỗi nhân khẩu 1 triệu đồng, mỗi hộ không quá 6 triệu đồng để cho các hộ dân đi thuê nhà trong vòng 2 tháng. Nhưng đã đến tháng thứ 3 rồi các hộ dân cũng chưa biết được là có tiếp tục được hỗ trợ thuê nhà tiếp hay là được sửa chữa trong khi mùa đông sắp đến, Tết Nguyên đán cũng sắp đến. Họ đang phải đi ở nhờ, ở thuê trong tình cảnh không điện, không nước. Vậy đề nghị thành phố Hà Nội cho biết dự án này sẽ thực hiện như thế nào và việc bảo đảm đời sống của người dân như thế nào trong những tháng sắp tới?
Hà Nội dự kiến khởi công xây dựng Vành đai 1 vào quý IV nhưng bây giờ là tháng 12 rồi, vậy thì Hà Nội có khởi công xây dựng dự án này nữa hay không?
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Về vấn đề hỗ trợ cho các hộ dân bị cháy khu nhà trọ gần Bệnh viện Nhi thì báo chí cũng đã biết là sự cố cháy chủ yếu tại khu vực nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 1. Vì thế nên người dân không được phép xây dựng nhà kiên cố. Người dân ở đây chủ yếu là gia đình bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi. Sự cố gây ảnh hưởng đến một khu vực, trong đó có 19 ngôi nhà, 31 hộ dân và 99 nhân khẩu. Sau sự cố, thành phố Hà Nội cũng như chính quyền địa phương đã tập trung hỗ trợ tại chỗ cho các hộ gia đình và người dân. Liên quan đến 6, 7 hộ không có nhà ở, Thành phố đã bố trí kinh phí cho họ tạm cư. Vì chỗ này nằm trong hành lang giải phóng mặt bằng nên không thể cho phép làm, Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các hộ gia đình đang phải thuê nhà và không để người dân không có nhà ở, nhất là trong mùa đông, Tết. Đây là trách nhiệm của thành phố Hà Nội. Chúng tôi cam kết sẽ bảo đảm đầy đủ điều kiện tạm cư cho người dân.
Liên quan đến vấn đề khởi công xây dựng Vành đai 1 vào quý IV/2018, xin được báo cáo là: Dự án Vành đai 1 có tổng chiều dài là 2,27 km với tổng mức đầu tư là 7.800 tỷ, số hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng là 2.328 hộ. Sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ đầu tư thì dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2018.
Tuy nhiên, hiện nay dự án này đang có những khó khăn. Một là Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KH&ĐT giải quyết các đơn tố cáo vấn đề xây dựng dự án và Bộ KH&ĐT cũng đã làm xong các nhiệm vụ được Thủ tướng giao và đã báo cáo Thủ tướng cách đây 2 tuần.
Vấn đề thứ hai là trong quá trình triển khai, chúng tôi đang trực tiếp giải quyết đơn thư của 138 hộ dân liên quan đến vụ cây xanh và bãi đỗ xe với diện tích hơn 6.000 m2. Người dân cho rằng thực hiện dự án không có trong quy hoạch. Hiện nay Thành phố đang tiếp tục giải thích, tuyên truyền và rà soát lại để tiến hành thủ tục đối với 138 hộ dân này.
Và Thành phố cũng đã chủ động báo cáo Thủ tướng. Chúng tôi đã triển khai dự án này thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 chúng tôi tạm thời để 138 hộ dân lại để tiếp tục tuyên truyền, giải thích và xem xét các thủ tục pháp lý.
Cho nên việc dự kiến triển khai vào quý IV/2018 không đạt được như mong muốn. Hiện nay chúng tôi tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến, chúng tôi sẽ hoàn thành thủ tục để khởi công vào quý II/2019.