Con số ấn tượng về trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam
– Kết thúc tháng 11/2018, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các châu lục đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó tăng mạnh nhất là Châu Đại dương (tăng 18%) tiếp theo là Châu Mỹ (tăng 14,8%)
Xuất siêu của Việt Nam lên con số kỷ lục
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan trong tháng 11/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 43,34 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng 10 năm 2018.
Tính đến hết tháng 11/2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 440,04 tỷ USD, tăng 13,3% (tương ứng tăng 51,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 11/2018 thặng dư 0,15 tỷ USD. Kết quả thực hiện này đã đưa mức xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng/2018 lên con số kỷ lục 7,41 tỷ USD, , cao hơn 3,5 lần so với 2,11 tỷ USD thặng dư thương mại của cả năm 2017.
Theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 11/2018 đạt 28,76 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng/2018 đạt 288,51 tỷ USD, tăng 13,2%, tương ứng tăng 33,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017.
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 11/2018 có mức thặng dư trị giá 2,59 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại của khối này trong 11 tháng/2018 lên mức 28,39 tỷ USD.
Về thị trường xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, kết thúc tháng 11/2018, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các châu lục đều tăng so với cùng kỳ năm 2017, trong đó tăng mạnh nhất là Châu Đại dương (tăng 18%) tiếp theo là Châu Mỹ (tăng 14,8%).
Tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Á trong 11 tháng đạt 294,27 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2017 và là châu lục chiếm tỷ trọng cao nhất (66,9%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Tiếp theo là xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thuộc châu Mỹ đạt kim ngạch 71,7 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước; với châu Âu đạt 59,07 tỷ USD, tăng 11,6%; châu Đại Dương đạt 8,45 tỷ USD, tăng 18%; châu Phi đạt 6,55 tỷ USD, tăng 4,2%.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước trong trong 11 tháng đạt 223,72 tỷ USD, tăng 14,5%, tương ứng tăng 28,33 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 8 nhóm hàng tăng trưởng mạnh là: điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy ảnh máy quay phim và linh kiện, giày dép; sắt thép các loại…
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tính đến hết tháng 11/2018, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 216,31 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước. Các mặt hàng tăng chủ yếu là máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện, nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày, dầu thô, kim loại thường…
Ở chiều ngược lại, trong tháng 11/2018, có tới 31/53 nhóm hàng nhập khẩu chính giảm so với tháng trước. Trong đó, giảm mạnh ở các nhóm hàng như: lúa mỳ, sắt thép các loại, dầu thô, than các loại…
Điển hình, đối với mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 38,6 tỷ USD tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Với quy mô nhập khẩu này, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện vẫn duy trì vị trí dẫn đầu được xác lập kể từ năm 2017.
Các thị trường cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 11 tháng qua chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc với kim ngạch 15,91 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm trước, chiếm 41,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với 7,07 tỷ USD, tăng 10%; thị trường Nhật Bản với 3,76 tỷ USD, tăng 34,2%…
Ở nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong 11 tháng/2018 đạt 30,66 tỷ USD giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong 11 tháng qua có xuất xứ từ: Trung Quốc đạt 10,92 tỷ USD, tăng 9,5%; từ Hàn Quốc đạt 5,6 tỷ USD, giảm 30,5% và từ Nhật Bản đạt 4,05 tỷ USD, tăng nhẹ 4%…. so với cùng kỳ năm 2017.
Riêng điện thoại các loại và linh kiện, tính đến hết tháng 11/2018 trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 14,41 tỷ USD giảm 1% so với cùng kỳ năm 2017.
Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện trong 11 tháng/2018 cho Việt Nam với trị giá chiếm 93,2% trị giá nhập khẩu của mặt hàng này của cả nước, trong đó: từ Trung Quốc là 7,82 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc là 5,61 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4%; …