VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin quốc tế

Thế giới tuần qua: Đón năm mới trong lo lắng về bạo lực, thiên tai và bất ổn

 – Đánh bom tại Ai Cập làm 3 người Việt Nam thiệt mạng, Indonesia thiệt hại nặng nề do sóng thần, IS thừa nhận thực hiện vụ tấn công Bộ Ngoại giao Libya, Chính phủ Mỹ tiếp tục phải đóng cửa một phần…, là những thông tin quốc tế đáng chú ý trong tuần qua, trước thềm năm mới 2019.
 
Đánh bom tại Ai Cập làm 3 người Việt Nam thiệt mạng

Vào lúc 18h15 ngày 28/12 (giờ địa phương, tức 23h15 cùng ngày theo giờ Việt Nam), tại tỉnh Giza (Ai Cập), một chiếc xe buýt chở 15 du khách Việt Nam đã bị trúng bom cài ven đường khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 3 du khách Việt Nam, 12 người khác bị thương.

     Hiện trường vụ đánh bom. Ảnh: AP

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đêm 29/12, trong số 12 người Việt Nam bị thương, 10 người vẫn được điều trị trong bệnh viện, trong đó 8 người đã hoàn toàn bình phục và có thể về nước.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Trần Thành Công cùng các cán bộ nhân viên Đại sứ quán đã vào bệnh viện thăm hỏi, động viên các nạn nhân, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng của Ai Cập giúp đỡ, tạo điều kiện để tiếp tục chăm sóc những bệnh nhân đang điều trị, cũng như tiến hành các công tác chuẩn bị để kịp thời đưa 3 thi thể nạn nhân người Việt Nam về nước.

Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã mạnh mẽ lên án vụ đánh bom này, đồng thời gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân thiệt mạng và bày tỏ hy vọng những người bị thương sẽ sớm bình phục.

Các cơ quan chức năng Ai Cập cho biết đang khẩn trương điều tra nhằm tìm ra thủ phạm vụ đánh bom trong thời gian sớm nhất.

Indonesia thiệt hại nặng nề do sóng thần

Ngày 22/12, núi lửa Anak Krakatoa bị lở một phần sườn núi, dẫn tới sụt lún dưới biển cùng với đợt thủy triều dâng cao bất thường đã gây sóng thần ập vào khu vực ven biển ở eo biển Sunda, tàn phá khu vực này của Indonesia.

Những trận sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh báo, tuy nhiên, sóng thần lần này xảy ra do hoạt động của núi lửa nên không được phát hiện và cảnh báo kịp thời.

Theo số liệu mới nhất của nhà chức trách Indonesia, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa sóng thần là 426 người, số người mất tích là 23 người, hơn 7.200 người bị thương và gần 1.300 ngôi nhà bị phá hủy. Hơn 40.000 người đã đi sơ tán bởi lo ngại xảy ra trận sóng thần tiếp theo do tác động từ đợt phun trào của núi lửa Anak Krakatau.

Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Thảm họa sóng thần tối 22/12 là đợt sóng thần thứ 3 tấn công nước này trong 6 tháng qua. Trước đó, các trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok, trong khi một thảm họa động đất kèm sóng thần cũng đã khiến hàng nghìn người trên đảo Sulawesi thiệt mạng.

IS thừa nhận thực hiện vụ tấn công Bộ Ngoại giao Libya

Ngày 25/12, những kẻ tấn công đã nổ súng vào trụ sở Bộ Ngoại giao Libya ở Tripoli, sau đó kích hoạt các thiết bị nổ. Một quả bom đã phát nổ gần trụ sở của Bộ, khiến các lực lượng an ninh nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Sau đó, một kẻ đánh bom liều chết đã tự kích nổ bom ở khu vực tầng hai của tòa nhà, trong khi một phần tử khác đã thiệt mạng khi chiếc vali tên này mang theo phát nổ. Một phần tử khác đã bị các lực lượng an ninh tiêu diệt khi tham gia thực hiện vụ tấn công.

Ngoài 3 tay súng thiệt mạng, vụ tấn công còn khiến một quan chức Bộ Ngoại giao và một nhân viên an ninh thiệt mạng, hàng chục người khác bị thương.

Ngày 26/12, thông qua trang tin Amaq của mình, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

Cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công, đồng thời gửi lời chia buồn sâu sắc tới chính phủ và nhân dân Libya, gia đình, người thân của những nạn nhân thiệt mạng và bị thương.

Chính phủ Mỹ tiếp tục phải đóng cửa một phần

Sau kỳ nghỉ Giáng sinh, Thượng viện Mỹ đã quyết định lùi thời gian thảo luận về vấn đề ngân sách tới tuần sau, vào ngày 2/1. Điều này có nghĩa là một phần Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục phải đóng cửa, tính đến ngày 2/1 tới là 12 ngày.

Vấn đề mấu chốt trong các cuộc thảo luận giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ liên quan đến kinh phí xây dựng bức tường biên giới  Mỹ – Mexico theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump. Trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ không chấp thuận cấp 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới, thì ông chủ Nhà Trắng lại tuyên bố sẽ không ký ban hành việc cấp ngân sách cho chính phủ liên bang cho đến khi đề nghị của ông được đáp ứng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cáo buộc phe Dân chủ “công khai lựa chọn tiếp tục đóng cửa chính phủ để bảo vệ những người di cư bất hợp pháp, hơn là người dân Mỹ”. Bà Sarah cho rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ không ký vào một đề xuất, vốn không đặt an ninh và an toàn của nước Mỹ lên ưu tiên hàng đầu.

Chừng nào cuộc tranh luận về việc cấp kinh phí để xây dựng bức tường còn chưa ngã ngũ, thì khoảng 800.000 nhân viên của chính quyền liên bang không được trả lương và một số bộ phận của chính phủ không thể hoạt động.

Phe “Áo vàng” ở Pháp lên kế hoạch biểu tình đêm giao thừa

Sau những động thái nhượng bộ liên tiếp từ chính phủ, số người tham gia trong trào biểu tình “Áo vàng” tại nhiều khu vực của nước Pháp đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, một số nhân vật thuộc phong trào này đã đăng tải các thông điệp trên mạng xã hội nhằm kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình tại đại lộ Champs-Elysees vào đêm giao thừa đón năm mới 2019.
Bất chấp kế hoạch biểu tình của phe “Áo vàng”, giới chức Paris khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các công tác chuẩn bị cho màn bắn pháo hoa và trình diễn nghệ thuật trên đại lộ Champs-Elysees với chủ đề “Tình anh em”.

Đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris thường được chọn là địa điểm tổ chức các sự kiện quan trọng như: Ngày kỷ niệm Quốc khánh, giải đua xe đạp Tour de France và lễ ăn mừng đội tuyển bóng đá Pháp giành chức vô địch World Cup 2018… Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, cứ vào dịp thứ Bảy mỗi tuần, đại lộ này lại là nơi diễn ra các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình “Áo vàng”.

Tổng thống Ukraine tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh

Trong một phát biểu được truyền hình trực tiếp tại Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko thông báo sắc lệnh tình trạng chiến tranh, ban bố hôm 25/11 vừa qua tại một số khu vực biên giới, đã hết hiệu lực từ ngày 26/12.

Sắc lệnh trên đã được ban bố tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov, sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine hôm 25/11. Trong thời gian áp dụng sắc lệnh trên, Ukraine đã cấm nhập cảnh đối với nam công dân Nga trong độ tuổi tham chiến (từ 16 – 60 tuổi) và tăng cường an ninh tại các địa điểm quan trọng như các nhà máy điện hạt nhân và các cảng biển ở Biển Đen.

Hồi đầu tháng này, ông Poroshenko từng nói không có ý định kéo dài sắc lệnh trên, trừ phi có dấu hiệu rõ rệt về một vụ tấn công lớn từ phía Nga. Ngày 17/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cam kết Moskva sẽ không phát động cuộc chiến với Kiev, bất chấp các hành động khiêu khích gia tăng từ phía Ukraine.

Quan hệ Nga và Ukraine căng thẳng kể từ năm 2014 khi Moskva sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và tình hình đã bị đẩy lên nấc thang nghiêm trọng mới sau sự cố ở Biển Azov. Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc.
Cảnh báo hiện tượng băng tan ở Bắc Cực

Hiện tượng băng tan ở các khu vực xung quanh Bắc Cực đã gia tăng gấp 3 lần và cứ mỗi giây lại có tới 14.000 tấn nước tại đây đổ ra các đại dương.

Đây là kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học của Chile, Canada, Mỹ, Hà Lan và Na Uy, vừa được đăng tải trên tạp chí Environmental Research Letters.

Giáo sư Jason Box thuộc Cục Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) cảnh báo: “Chúng ta không phải chờ tới cuối thế kỷ này để chứng kiến những vấn đề liên quan tới mực nước biển dâng. Các vấn đề đã hiện hữu ngay ở thời điểm hiện tại”.

Theo tính toán của ông Box, trong giai đoạn 2005-2015, tổng lượng băng mất đi tại Bắc Cực là 447 tỷ tấn/năm, tương đương cứ mỗi giây lại có 14.000 tấn nước đổ ra biển. Trong giai đoạn 1986-2005, lượng băng tan ước tính khoảng 5.000 tấn/giây. Điều này có nghĩa rằng, tốc độ băng tan ở Bắc Cực giai đoạn 2005-2015 diễn ra nhanh gấp gần 3 lần so với giai đoạn 1986-2005./.
Nguồn ĐCSVN-TT