Tại phiên họp 14 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng hồi tháng 8/2018 và Phiên họp thứ 15 diễn ra vào ngày 21/1/2019, một loạt những con số ấn tượng được đưa ra. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận mà xã hội quan tâm; đưa một số vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ để tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm minh với nguyên tắc: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, kể cả những vụ án tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước cũng đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm. Vài tháng gần đây, những vụ việc như vụ mua AVG của MobiFone thuộc Bộ TT&TT, vụ Út “trọc” của Bộ Quốc phòng, vụ Vũ “nhôm” ở Tổng cục Tình báo rồi vụ bảo kê đánh bạc bằng công nghệ cao của vài ông tướng đầy quyền lực nhưng tha hoá của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an… đã và đang được lôi dần ra ánh sáng.
Trước thực tế sống động trên, rất nhiều người đã dần lấy lại lòng tin về Đảng. Quan điểm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tham ô, tiêu cực trong Đảng rõ ràng không hề có vùng cấm với bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, việc chống tham nhũng, tham ô, tiêu cực… cần thu hồi tài sản thất thoát càng nhiều càng tốt về cho Nhà nước. Thế nhưng hiện nay, chúng ta còn gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề trên. Một trong những điều gây trở ngại là luật pháp, chính sách ban hành còn bất cập, chưa đủ các chế tài cần thiết nhất để ngăn ngừa và chặn đứng kẻ phạm tội có thể tẩu tán tài sản bất hợp pháp khi thi hành án.
Còn nhớ, năm 2017 và đầu năm 2018, nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử với mức thiệt hại được xác định lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tổng cục Thi hành án (THA) dân sự cho hay, đơn vị này đã chỉ đạo cơ quan THA dân sự các cấp tích cực thi hành phần dân sự trong các bản án kinh tế và tham nhũng, đặc biệt là với các vụ án nghiêm trọng… Tuy vậy, số tiền thu hồi lại chưa thấm vào đâu. Ví dụ như năm 2017, đã thụ lý gần 750 việc, tương ứng với gần 37.000 tỷ đồng; số có điều kiện THA là 480 việc với trên 22.000 tỷ đồng. Kết quả, mới thi hành xong gần 300 việc với trên 7.500 tỷ đồng. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong THA loại này là giá trị phải THA lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán, nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để THA.
Thực tế cho thấy, trong những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, hành vi phạm tội rất tinh vi do nhiều đối tượng có tổ chức, có chức vụ và quyền lực cao thực hiện trong thời gian khá lâu mới bị phát hiện. Một số vụ án tham nhũng được phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đối tượng lại biết trước hành vi phạm tội bị xử lý nên tìm cách tẩu tán tài sản, có khi chuyển tài sản ra nước ngoài nên hết sức khó khăn khi thu hồi.
Đã đến lúc các cơ quan tiến hành tố tụng cần lưu ý để tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế tẩu tán tài sản.
Phía trước có thể còn gian nan nhưng rõ ràng Đảng, Chính phủ gần đây đã làm được rất nhiều việc. Điều này đã tạo nên một niềm tin to lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, trật tự xã hội… Với không khí phấn khởi và niềm tin này, tin rằng trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII, chúng ta tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công nữa, tạo đà tích cực cho nhiệm kỳ Đại hội khóa sau.
Niềm tin từ sự quyết tâm
Tinh thần đó, nếu nói ngắn gọn là luật pháp luôn kiên quyết, không khoan nhượng với người vi phạm nhưng thận trọng, tránh để oan sai; làm sao để người vi phạm thừa nhận, tâm phục khẩu phục, trả lại tài sản bất minh do tham nhũng, tham ô mà có.
Nguồn KTĐT-TT