Hiện các DN Việt đã sẵn sàng về mặt tâm thế để tham gia CPTPP nhưng sự sẵn sàng về mặt năng lực vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. CPTPP hướng tới cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại, đồng thời xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm… Đây là cơ hội song cũng tạo ra không ít áp lực cho hệ thống chính sách, pháp luật, môi trường đầu tư, công nghệ và năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
11 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
DOANH NGHIỆP PHẢI THAY ĐỔI TƯ DUY
Để tận dụng được các lợi thế từ CPTPP, các doanh nghiệp (DN) phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ tập trung vào xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới cả đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, giành lại thị trường trong nước.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho hay, có hai loại thách thức trong CPTPP đến từ nội tại các DN và chiến lược của mỗi quốc gia. Các nước thành viên CPTPP đã có sự chuẩn bị từ rất lâu nhưng ở Việt Nam mới đang chỉ là bước đầu nên cần liên kết các nguồn lực để cùng tìm ra thế mạnh, tạo ra cơ hội thực trong CPTPP.
“Khảo sát cho thấy đại diện các Hiệp hội, nhóm ngành hàng đều rất quan tâm đến CPTPP khi nhận thấy các lợi ích của Hiệp định này. Hiện các DN đã sẵn sàng về mặt tâm thế để tham gia “cuộc chơi lớn CPTPP” nhưng sự sẵn sàng về mặt năng lực vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tháo gỡ”, bà Thủy nói.
Ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam chia sẻ, tham gia CPTPP, trong khi các nước chuyên về chăn nuôi họ có nhiều điểm mạnh lớn về thương hiệu, quy mô hệ thống quản lý trang trại, chất lượng… thì bản thân ngành chăn nuôi của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh.
Nguyên nhân cơ bản là do hệ thống chuồng trại manh mún, chủ yếu vẫn là trang trại hộ gia đình, vừa và nhỏ nên năng suất thấp cũng như giá thành chưa cạnh tranh bởi nguyên liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu, nguồn giống chưa có năng suất cao, hệ thống quản lý trang trại chưa tối ưu…
Ông Đỗ Văn Huệ, Ủy viên Thường trực CLB Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Thời gian qua, ngành mới tháo gỡ được phần nào về vùng nguyên liệu giờ mới đến phần chế biến. Nếu ngành nông nghiệp vẫn còn áp dụng công nghệ cũ thì không thể xuất khẩu.
Ông Huệ cho biết đa số các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chưa thể chủ động được thị trường mà đang chờ khách nước ngoài đến đợt hàng, gia công. Đây là điều rất rủi ro và bị động trong CPTPP.
“Ngành nông nghiệp đang sản xuất những cái mình có chứ chưa phải đáp ứng sát sườn những sản phẩm các thị trường nhập khẩu lớn cần. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu các thị trường lớn, mang sản phẩm đến tận nơi chào hàng. Có những sản phẩm ở nước ngoài cần nhưng trong nước không biết. Doanh nghiệp Việt không nắm được thông tin nên không đưa sản phẩm sang, thay vào đó trông chờ vào các doanh nghiệp nước ngoài sang tìm kiếm, khi đó có thể rơi vào vị thế là người gia công cho họ”, ông Huệ lưu ý.
Nếu ngành nông nghiệp vẫn còn áp dụng công nghệ cũ thì không thể xuất khẩu.
DỆT MAY GẶP KHÓ
Chia sẻ về những khó khăn của DN khi tham gia CPTPP, Chuyên gia kinh tế cho biết, không thể nói cụ thể ngành nào có nhiều cơ hội và ngành nào có nhiều thách thức trong CPTPP. Cơ hội hay thách thức đều nằm trong tay mỗi DN. Khi nắm được thông tin, DN sẽ chuyển thách thức thành cơ hội nhưng khi không nắm được thông tin và không tận dụng được ưu đãi thì cơ hội sẽ biến thành thách thức.
“Có một số ngành được hưởng quy tắc lỏng và linh hoạt trong CPTPP hơn hẳn so với các hiệp định khác chứ không phải CPTPP là cái gì cũng khó. Khi tham gia CPTPP, trong những ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam hiện nay ngành hàng dệt may được dự báo sẽ gặp khó khăn nhất và chịu tác động lớn nhất vì những quy định xuất xứ hàng hoá (rủi ro và cơ hội) của CPTPP.
Tuy nhiên theo bà Thùy, xuất xứ hàng hóa trong CPTPP được hiểu trong các FTA cũ là 100% các nguyên vật liệu tạo nên sản phẩm phải nằm toàn bộ trong quốc gia đó. Đây là quy tắc xuất xứ chặt để ngăn chặn các quốc gia không phải là thành viên của hiệp định tận dụng các ưu đãi thuế, hay còn được gọi là “free rider”.
Về yếu tố cộng gộp trong CPTPP, nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ CPTPP nhưng có giá trị gia tăng trong CPTPP (dù chỉ 1%). Khi đó, số phần trăm giá trị gia tăng thực tế của nguyên liệu đó sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm đó.
Ngành hàng dệt may được dự báo sẽ gặp khó khăn nhất và chịu tác động lớn nhất vì những quy định xuất xứ hàng hoá của CPTPP.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, quy định xuất xứ từ sợi của CPTPP đã đánh đúng vào điểm nghẽn của ngành khi doanh nghiệp dệt may vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn xơ sợi, 80% vải… Đối với lĩnh vực may, dù Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công với 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông.
DOANH NGHIỆP CẦN THÔNG TIN VÀ LIÊN KẾT
Bà Nguyễn Thị Yên, đại diện Công ty Scott đến từ Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi cho rằng, để tăng được sức cạnh tranh khi tham gia CPTPP, các DN không nên chỉ tập trung vào một mảng trong chuỗi sản xuất, các DN chăn nuôi cần kết hợp với các DN sản xuất, cung cấp công nghệ và các nhà khoa học. “Ở Đan Mạch, tất cả các DN đều được tư vấn công bằng và minh bạch từ các trung tâm nghiên cứu, tập trung thành chuỗi từ cánh đồng nguyên liệu cho đến nhà máy sản xuất và trang trại chăn nuôi đến chế biến và cung cấp cũng như xuất khẩu sẽ chủ động trong việc sản xuất”, bà Yên nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Minh Hải, đại diện Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam, khi Việt Nam tham gia vào các FTA nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài luôn ưu tiên quan tâm đến việc có xuất khẩu được hay không? Sau khi tìm được khách hàng mới quan tâm đến ưu đãi về thuế trong CPTPP.
“Các DN thường gặp hai vấn đề lớn đó là không biết tiếp cận nguồn thông tin ở đâu, làm gì để cho khách hàng miễn được thuế khi nhập khẩu… nhưng khi tiếp xúc với các cơ quan chức năng, DN vẫn thường nhận được những tập tài liệu rất dày để tự nghiên cứu”. Việt Nam cần có cơ quan sơ lược những thông tin khi tiếp cận thị trường trong CPTPP, từ đó giúp DN có thể hiểu được quy trình, thủ tục hoặc cung cấp các dịch vụ có trả phí để đơn giản hóa thủ tục cho DN và bên tư vấn”, ông Hải nói.
Ông Trương Văn Cẩm cho rằng, các doanh nghiệp dệt may phải hiểu về CPTPP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may từ đó nhận ra thế mạnh, lợi thế của mình trong CPTPP để đánh đúng thị trường. Muốn giải quyết được điểm nghẽn, các doanh nghiệp mạnh phải liên kết với nhau, cần xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp, nhất là trong nước và đầu tư nước ngoài cũng như cần đẩy mạnh vấn đề đào tạo.
Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của nhà nước cũng như các địa phương. Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành dệt may trong 10-15 năm tới để tận dụng hiệp định này. “Hiện một số địa phương quay lại với dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm nhưng nhiều dự án của các nhà đầu tư danh tiếng, có đầy đủ yêu cầu đã không được cấp phép. Vì vậy, Chính phủ cần quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp”, ông Cẩm nói.
Các DN mong muốn đơn giản hóa thủ tục hơn nữa khi Việt Nam tham gia CPTPP
Đại diện NS BlueScope Lysaght Việt Nam: “Nhà nước cần có cơ chế phù hợp, xây dựng trung tâm hỗ trợ thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp”. Điều quan trọng là làm sao để tạo ra vùng trọng điểm trong chăn nuôi như mô hình của các nước tiên tiến. Để làm điều này, DN cần có sự đồng hành của Chính phủ để tăng sức cạnh tranh, đón đầu lợi thế của CPTPP.
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), từ ngày 11/1/2019, Bộ Công Thương đã đăng toàn bộ thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh về hiệp định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Trong đó giải thích cam kết của Việt Nam trong Hiệp định này; những cơ hội và thách thức của CPTPP cũng như các câu hỏi thường gặp.
Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng thế giới, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để xây dựng một cổng thông tin điện tử bao gồm tất cả các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia, trong đó có CPTPP để doanh nghiệp và người dân tra cứu dễ dàng hơn.
“Trong quá trình xây dựng Dự thảo kế hoạch hành động thực thi Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, sau đó căn cứ Luật Quốc tế năm 2016, ngày 27/12/2018, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP để Thủ tướng Chính phủ xem xét và thông qua trong thời gian sớm nhất, sau đó có thể công bố công khai với người dân và doanh nghiệp về Hiệp định này”, bà Mai cho biết./.
Nguồn VOV-TT