Ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên được vào top 500 toàn cầu; Giữa cuộc chiến thương mại ác liệt, Mỹ thêm “đòn” quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông; Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh cảnh báo “cú sốc kinh tế” toàn cầu…là những tin chính được cập nhật.
Ngân hàng tư nhân Việt Nam đầu tiên được vào top 500 toàn cầu
Giao dịch tại VPBank. (Ảnh: CTV)
(Vietnam+) Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu. Bảng xếp hạng được Brand Finance, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, công bố đầu tháng Hai này.
Giá trị thương hiệu của VPBank được Brand Finance định giá 354 triệu USD. Như vậy, kể từ năm 2016 giá trị thương hiệu của VPBank được chính Brand Finance định giá đã tăng 6,3 lần, từ mức 56 triệu USD. Nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng về giá trị thương hiệu, VPBank đã nhảy vọt lên vị trí 361 trong tổng số 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu, dù đây là lần đầu tiên VPBank được đưa vào danh sách này.
Bên cạnh đó, chỉ số xếp hạng thương hiệu (Brand rating) của ngân hàng cũng được xếp loại A trong thang xếp hạng từ D tới AAA+. Và chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index) được Brand Finance chấm 58.76 điểm, trong thang điểm từ 0 – 100.
Giữa cuộc chiến thương mại ác liệt, Mỹ thêm “đòn” quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông
– Hai chiến hạm của Mỹ hôm qua (11/2) đã được phái đến gần các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền một cách bất hợp pháp ở Biển Đông, một quan chức Mỹ cho biết. Động thái này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức giận trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng vì một cuộc chiến thương mại không khoan nhượng.
Bắc Kinh và Washington đang bị kẹt trong một cuộc chiến thương mại nóng bỏng và hai bên đang cố gắng tìm cách ký được một thỏa thuận trước hạn định vào ngày 1/3 tới khi mức thuế đánh vào 200 tỉ giá trị hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bị tăng từ 10% lên 25%.
Căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến cả hai nước này mất hàng tỉ USD và làm đảo lộn các thị trường tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh hai nước đang đối đầu trong cuộc chiến thương mại, Mỹ đã đưa hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đi vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý so với Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Vành Khăn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền một cách phi pháp.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh cảnh báo “cú sốc kinh tế” toàn cầu
(TTXVN/Vietnam+) Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney đã kêu gọi các nghị sỹ nước này nỗ lực cùng nhau giải quyết những bế tắc đối với thỏa thuận Brexit – tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hiện nay và đưa ra cảnh báo nguy cơ gia tăng “cú sốc kinh tế toàn cầu” nếu như kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra.
Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 12/2, ông Carney cảnh báo Brexit không thỏa thuận sẽ tạo ra “cú sốc kinh tế” trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đang chậm lại và những căng thẳng thương mại đang tăng lên.
BoE đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong năm nay một phần là do các vấn đề Brexit gây ra.
Trong bối cảnh những bế tắc liên quan đến thỏa thuận Brexit làm gia tăng nguy cơ khó đoán định, nhiều công ty tạm ngưng các kế hoạch, cũng như công bố quyết chiến lược kinh doanh quan trọng.
Do vậy, ông Carney cho rằng việc kinh tế Anh có được thỏa thuận rời khỏi EU một cách tốt đẹp và thuận lợi là điều quan trọng đối với vấn đề tăng trưởng kinh tế không chỉ đối với nước Anh mà cả thế giới.
*** Nga, Mỹ đấu nhau ở “chiến trường” mới
(VnMedia) – Ngoại trưởng Nga Lavrov đã thẳng thừng cảnh báo người đồng cấp Mỹ Pompeo không được có bất kỳ nỗ lực nào nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela, trong đó có việc sử dụng “lựa chọn vũ lực“.
Nga cay đắng khi liên tiếp bị láng giềng khiêu khích
– Ba Lan hôm qua (10/2) cho biết, nước này sẽ mua các bệ phóng tên lửa di động HIMARS trị giá 414 triệu USD (365 triệu euros) từ Mỹ trong bối cảnh Warsaw đang tìm cách thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với Washington vì lo ngại về Nga.
Chiến trường Syria: Nga khiến kình địch lớn nhất không đánh mà tự thua?
– Mỹ có thể sẽ rút quân ra khỏi chiến trường Syria theo lệnh của Tổng thống Donald Trump trong vài tuần tới, chỉ huy hàng đầu của Mỹ phụ trách giám sát các lực lượng quân sự Mỹ ở Trung Đông hôm qua (10/2) cho biết.
Đức khiến phương Tây “vỡ trận” trước Nga, Mỹ nổi giận
– Khi Mỹ cố gắng cản trở Berlin không tham gia vào một dự án năng lượng chung với Nga – Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, Bộ trưởng Kinh tế Đức đã tuyên bố một cách chắc nịch rằng đất nước ông cần phải theo đuổi dự án này.
*** Phương tiện đưa Kim Jong Un đến Việt Nam gây sốt
Dư luận thế giới đang đặc biệt quan tâm đến việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đến Việt Nam để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng phương tiện gì.
Theo thông báo chính thức từ Tổng thống Mỹ Trump, hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội trong hai ngày 27 – 28/2.
Tờ Strait Times nhận định, việc ông Kim đến Việt Nam bằng phương tiện gì vào ngày 27/2 tới đây, dự kiến sẽ được giữ bí mật tới phút chót như trong lần ông công du Singapore để gặp tổng thống Mỹ lần đầu tiên vào tháng 6/2018.
Theo hãng thông tấn Yonhap, do khoảng cách từ Hà Nội đến Bình Nhưỡng là 2.751km, tức là gần hơn nhiều so với từ Bình Nhưỡng tới Singapore (4.700km), nên ông Kim có thể di chuyển bằng chuyên cơ “Chammae-1” của mình, một mẫu máy bay phản lực Ilyushin IL-62 có từ thời Liên Xô cũ nhưng đã được sửa chữa và nâng cấp.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích tin rằng, nếu quan ngại về tính an toàn của phi cơ cũ trong chuyến bay xa, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể mượn máy bay chuyên dụng của Trung Quốc. Năm ngoái, ông Kim đã chọn tới Singapore dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ nhất trên một chiếc Boeing 747 của Air China, vốn thường được các nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng.
Giới quan sát hiện cũng không loại trừ khả năng ông Kim sẽ di chuyển bằng đoàn tàu màu xanh, bọc thép đặc biệt của mình để qua Trung Quốc rồi tới Hà Nội. Ông nội của ông – cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành từng 2 lần đi tàu hỏa đến Việt Nam vào những năm 1950 – 1960.
– Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan ngày 12/2 đã có chuyến công du không báo trước tới thủ đô Baghdad của Iraq. Phát biểu với nhóm phóng viên tháp tùng đoàn, ông Shanahan nói, chuyến thăm diễn ra theo lời mời của chính phủ Iraq. Washington hiện cam kết giúp Iraq tăng cường an ninh cũng như muốn thảo luận với chính quyền Baghdad về tiến trình rút quân Mỹ khỏi các quốc gia Trung Đông.
– Bà Phan Thị Kim Phúc, người phụ nữ được mệnh danh là “Em bé Napalm” trong bức ảnh nổi tiếng do nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972 tại Trảng Bàng, đã được trao giải thưởng hòa bình tại thành phố Dresden, Đức.
– Các nghị sĩ Mỹ vừa đạt thỏa thuận “về nguyên tắc” nhằm tránh tái diễn việc đóng cửa chính phủ liên bang đợt mới. Theo đó, Quốc hội Mỹ nhất trí cấp gần 1,4 tỷ USD từ ngân sách an ninh cho việc xây dựng một hàng rào biên giới ngăn cách với Mexico ở phía nam đất nước, thấp hơn nhiều so với gói tài trợ hơn 5 tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump mong muốn. Hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận có nhận được sự ủng hộ của ông Trump hay không.
– Cựu thủ tướng Ukraina Yulia Tymoshenko tuyên bố, nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước này, bà sẽ giúp Kiev lấy lại bán đảo Crưm từ tay Nga.
– Theo Bloomberg, tại một sự kiện vừa diễn ra ở tỉnh Maguindanao, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, ông muốn đổi tên nước thành Maharlika (trong tiếng địa phương nghĩa là “Cao quý”) để xóa bỏ dấu tích thời thuộc địa của đất nước mình.
– Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov yêu cầu Washington nhanh chóng rút hết binh sĩ Mỹ khỏi Syria như tuyên bố của Tổng thống Trump hồi tháng 12/2018. Lời thúc giục được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thứ trưởng Quốc phòng Iran Reza Talai-Nik cảnh báo, tất cả căn cứ của Mỹ tại Syria đều nằm trong tầm bắn của Iran và các lực lượng Tehran sẽ tấn công những căn cứ này nếu Washington không tuân thủ cam kết rút quân.
– Theo các báo cáo mới của Liên Hợp Quốc (LHQ), tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đã tích lũy được khoản tiền khổng lồ, lên đến 300 triệu USD. Đại diện Văn phòng chống khủng bố LHQ cho biết thêm, nguồn thu chính của IS là từ dầu mỏ, buôn lậu các cổ vật, thuốc men, nội tạng người và thu thuế tại những khu vực chúng kiểm soát. IS vẫn duy trì 14.000 – 18.000 tay súng tại khắp các khu vực trên lãnh thổ Iraq, Syria và khoảng 3.000 tay súng ở các khu vực khác từ Trung Đông đến châu Phi.
– Một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra ở khách sạn Arpit Palace tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ sáng 12/2, làm ít nhất 17 người thiệt mạng và 9 người khác bị thương.
– Báo South China Morning Post đưa tin, Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn bất đồng về thời gian và địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo giữa nguyên thủ hai nước. Trong khi Bắc Kinh muốn sự kiện diễn ra tại hòn đảo nhiệt đới Hải Nam của Trung Quốc, phía Washington lại muốn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
– Sáng 12/2 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Trump đã chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử lãnh đạo Nhà Trắng tại El Paso, thành phố thuộc bang Texas, nằm sát biên giới với Mexico.
– Tổng thanh tra nhà nước Venezuela Elvis Amoroso cho biết, cơ quan này đang điều tra thủ lĩnh đối lập Juan Guaido vì tin ông đã không trung thực trong khai báo tài sản và có thể đã nhận tiền bất hợp pháp từ các cơ quan tổ chức trong cũng như ngoài nước.
– Các quan chức Mỹ đã bác bỏ cáo buộc Washington đang gây sức ép buộc chính phủ các nước Ảrập dừng hỗ trợ tài chính cho người Palestine và buộc các ngân hàng ngừng giao dịch với chính quyền nước này.
– Gần 15 tháng kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ly khai tại vùng Catalonia, Toà án tối cao Tây Ban Nha ngày 12/2 đã mở phiên xử chính thức đối với các chính trị gia dẫn đầu phong trào ly khai này.
*** Triều Tiên đồng ý cho IAEA thanh sát trước hội nghị với Mỹ tại Hà Nội
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên đã đồng ý về nguyên tắc chấp thuận xác minh của các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về phi hạt nhân hóa phù hợp với yêu cầu từ Mỹ, thực hiện các bước đi cụ thể hướng đến giải trừ hạt nhân.
Hy hữu 6 hành khách bị ngã xuống đất từ cửa máy bay trước giờ cất cánh
6 hành khách đã ngã xuống đất khi chuẩn bị bước vào cửa máy bay để khởi hành ở sân bay địa phương vùng Siberia của Nga, khiến 3 người bị thương phải nhập viện.
Chính phủ Mỹ “tạm yên” trước nguy cơ đóng cửa trở lại
Các nhà đàm phán từ lưỡng viện Quốc hội Mỹ tối 11-2 (giờ Mỹ) đã đạt được thỏa thuận để ngăn chặn việc chính phủ liên bang phải đóng cửa thêm một lần nữa trước hạn chót 15-2, tuy vậy, thỏa thuận này không bao gồm 5,7 tỷ USD cho bức tường của Tổng thống Donald Trump.
Nga nổi giận với chính sách “hai mặt” của EU đối với Iran
Nga tố Liên minh châu Âu (EU) áp dụng cách tiếp cận “hai mặt” đối với Iran, đồng thời kêu gọi EU lập tức thực thi cam kết hợp kinh tế bình thường với Tehran.
Ông Trump quyết phản đối dự luật ngừng hỗ trợ cho Arab Saudi
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11-2 đe dọa sẽ phủ quyết một nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm chấm dứt sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho liên minh do Arab Saudi dẫn đầu trong cuộc chiến ở Yemen.
Congo: Hơn 500 người tử vong vì Ebola, lo ngại nguy cơ lây lan
Aljazeera hôm 11-2 dẫn thông báo của Bộ Y tế Congo cho biết, kể từ khi bùng phát hồi tháng 8-2018, virus Ebola là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 500 người dân nước này. Giới chức Congo hiện đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình y tế để giúp ngăn chặn nguy cơ lây lan.
Không ngại S-300, Israel ồ ạt nã tên lửa, pháo kích vào Nam Syria
Quân đội Israel đã pháo kích rồi phóng tên lửa vào nhiều mục tiêu của quân đội Syria ở vùng Tây Nam nước này, bất chấp khả năng các hệ thống phòng không hiện đại S-300 đã đi vào trực chiến.
Thống đốc California rút quân khỏi biên giới
Thống đốc California, Gavin Newsom, ngày 11-2 (giờ Mỹ) đã ký một lệnh rút hơn hai phần ba quân số của đội Vệ binh Quốc gia khỏi khu vực biên giới Mỹ-Mexico, đồng thời gọi những tuyên bố về tình trạng “khủng hoảng” tại biên giới là một “vở kịch chính trị”.
Mỹ – Trung khởi động vòng đàm phán thương mại mới
Ngày 11-2, tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ và nước chủ nhà đã khởi động một vòng đàm phán khác về một thỏa thuận thương mại trong bối cảnh thời hạn chót ngày 1-3 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra đang đến gần.
Tình báo công nghiệp và những vụ án rung chuyển thế giới
Năm 2013, James Clapper, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ, từng tuyên bố: “…cái mà người Mỹ chúng ta không làm, đó là việc sử dụng các mạng lưới tình báo của mình ở nước ngoài để đánh cắp các bí mật kinh tế và thương mại và trao chúng cho các xí nghiệp hay các công ty Mỹ giúp họ nâng cao tính cạnh tranh”.
Tổng hợp-TT