– Theo ông Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện số doanh nghiệp “nhỏ và siêu nhỏ” đã chiếm 95 – 96% tổng số doanh nghiệp, trong khi đó số lượng doanh nghiệp “vừa” quá ít (chỉ chiếm khoảng 1,7% tổng số doanh nghiệp) tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng. Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm doanh nghiệp vừa (nhỏ hơn cả tỷ trọng doanh nghiệp lớn – khoảng 2%) chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn, và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn.
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn: “Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15/3.
Doanh nghiệp tư nhân dễ bị tổn thương
Thông tin ông Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, kinh tế phi chính thức của Việt Nam giai đoạn 2000 – 2013 giảm mạnh (gần 30%), chủ yếu nhờ sự phát triển của khu vực tư nhân. Kinh tế tư nhân có sức tăng trưởng công nghiệp cao nhất, là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi – hoặc ít nhất cũng không bị suy giảm – trong giai đoạn 2008 – 2009.
Cũng theo ông Thiên, sự phát triển của kinh tế tư nhân góp phần nâng cao tính cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, tạo mầm cho một thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam. Kinh tế tư nhân tạo ra 85% việc làm, có vai trò gần như quyết định ổn định xã hội. Tuy nhiên, có những vấn đề đáng lo ngại về xu hướng phát triển của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Dẫn chứng về vấn đề này, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp có đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng số doanh nghiệp hoạt động giảm mạnh, từ 60 – 70% năm 2010 giảm xuống còn trên 30% năm 2015 – 2016.
![]() |