Những rủi ro lớn đối với thị trường chứng khoán trong thời gian tới
– Sau giai đoạn hồi phục khá tốt, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng sẽ sớm phải đối mặt với thực tế là các số liệu về tăng trưởng GDP, kế hoạch kinh doanh năm 2019 hay kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng, thậm chí dưới mức kỳ vọng. Đây sẽ là một trong những rủi ro lớn đối với TTCK trong một đến hai quý tới.
Đây là nhận định được đưa ra tại Báo cáo chuyên đề “Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều quốc gia, thị trường chứng khoán đối diện với thách thức mới” vừa được Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt công bố.
Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại
Theo Báo cáo cáo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, hiện kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại kể từ nửa sau năm 2018. Đà suy giảm của tăng trưởng diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế: từ Mỹ, Nhật, Đức, Trung Quốc đến các nước mới nổi nói chung.
Theo đó, tăng trưởng GDP của Mỹ đã giảm về mức 2,6% trong quý IV/2018 từ mức đỉnh 4,2% trong quý II và 3,4% trong quý III/2018. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã liên tục cắt giảm lãi suất (từ mức 3% về mức 0 – 0,25%) và chỉ bắt đầu tăng lãi suất trở lại kể từ đầu năm 2016.
Trong năm 2018, nền kinh tế lớn nhất thế giới thậm chí còn có mức tăng trưởng vượt trội (2,9%) nhờ gói cắt giảm thuế quy mô lớn (thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân) của chính quyền Trump. Tuy nhiên, những hiệu ứng dần giảm bớt của việc cắt giảm thuế cũng như độ trễ của việc FED tăng lãi suất đã và đang “ngấm” dần vào nền kinh tế Mỹ, khiến GDP của Mỹ có xu hướng tăng chậm lại.
Ngoài sự đi xuống của các chỉ số kinh tế công bố hàng tháng, những thông điệp chính sách gần đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chuyển hướng từ việc tăng lãi suất quyết liệt (điều đã xảy ra trong năm 2017 và 2018) sang xem xét đánh giá dữ liệu để quyết định việc có cần thiết phải tăng lãi suất nữa hay không.
Việc FED tỏ ra “phân vân” và trì hoãn tăng thêm lãi suất trong 3 cuộc họp gần đây nhất có thể là tin tốt cho TTCK thế giới trong ngắn hạn nhưng mặt khác, nó cho thấy FED đã không còn quá tự tin vào đà tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ trong năm 2019 như trước đây. Do vậy, cơ quan này có thể không còn muốn thắt chặt thêm chính sách tiền tệ nhằm bớt gây thêm áp lực cho nền kinh tế. “Chúng tôi cho rằng trong nửa đầu năm 2019, FED sẽ không tăng thêm lãi suất nữa”, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt đánh giá
Đối với kinh tế Trung Quốc, Báo cáo cáo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cũng chỉ ra rằng, đà suy giảm tăng trưởng vẫn đang diễn ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2018 chỉ đạt 6,6% – thấp nhất trong vòng 28 năm. Năm 2019, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6 – 6,5% (thấp hơn năm 2018), cho thấy sự thận trọng của Chính phủ Trung Quốc bất chấp các biện pháp nới lỏng tiền tệ (giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc) và tài khóa (giảm thuế thu nhập cá nhân, tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng) mà Trung Quốc đã thực hiện kể từ nửa cuối năm 2018 đến nay.
Thị trường chứng khoán có thể bị ảnh hưởng
Với những phân tích như trên, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có xu hướng chậm lại là tổng hợp của nhiều yếu tố.
Theo đó, tại Mỹ, tốc độ tăng chậm lại của GDP mang tính chu kỳ. Quý gần đây GDP giảm tốc là do chính sách thắt chặt tiền tệ khiến lãi suất tăng nhanh của FED trong 2 năm trước đang dần “ngấm” vào nền kinh tế, dẫn đến tiêu dùng hộ gia đình, đầu tư của các doanh nghiệp suy giảm. Ngoài ra, trong năm 2019, chính sách cắt giảm thuế quy mô lớn của ông Trump sẽ không còn đóng góp nhiều cho tăng trưởng như năm 2018.
Tại Trung Quốc, các hoạt động kinh tế vẫn đang trong xu hướng đi xuống, từ sản lượng công nghiệp, đầu tư đến bán lẻ. Chính phủ Trung Quốc kể từ cuối năm 2018 đã liên tục tung ra các biện pháp kích thích kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa cho hiệu quả rõ rệt.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, kinh tế Trung Quốc sẽ cần thêm một vài quý nữa để các giải pháp kích thích kinh tế dần có tác dụng, giúp ngăn lại đà giảm tốc. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục trở lại sau đó, nếu có, cũng sẽ ở mức khiêm tốn.
Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho rằng, sự hồi phục của TTCK toàn cầu kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là tại Trung Quốc xuất phát từ hai lý do chính.
Thứ nhất, những kỳ vọng liên quan đến việc chuyển hướng chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, từ thắt chặt quyết liệt sang tạm dừng tăng lãi suất (như FED, ECB, các nước mới nổi), thậm chí nới lỏng trở lại (như Ấn Độ).
Thứ hai, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung giảm bớt sau các vòng đàm phán tích cực của đôi bên cũng như việc Mỹ tạm dừng chưa tăng thêm mức thuế đánh lên hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1/3/2019.
Mặc dù vậy, bất chấp những kỳ vọng trên, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho rằng, dù có hay không có thuế quan, kinh tế toàn cầu nhiều khả năng vẫn sẽ tăng trưởng chậm lại do sự suy yếu của các nền kinh tế đầu tàu.
Trên cơ sở đó, sau giai đoạn hồi phục khá tốt, TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng sẽ sớm phải đối mặt với thực tế là các số liệu về tăng trưởng GDP, kế hoạch kinh doanh năm 2019 hay kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp không được như kỳ vọng, thậm chí dưới mức kỳ vọng. Đây sẽ là một trong những rủi ro lớn đối với TTCK trong một đến hai quý tới.