Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 dự báo ước đạt 6,88%
– Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2019 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và diễn biến kinh tế trong nước. Dự báo tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,88%.
Kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức
Tại Hội thảo Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Kiên trì cải cách trong bối cảnh thế giới biến động, ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, sau những kết quả kinh tế – xã hội khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019, hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020.
Mặc dù vậy, ông Cung cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục nhấn mạnh ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và sức chống chịu của nền kinh tế. Diễn biến tăng trưởng kinh tế và lạm phát tiếp tục được theo dõi sát với không ít động thái, thông điệp điều hành xuyên suốt quý I/2019.
Dẫn chứng vấn đề này, ông Cung cho biết, tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%, thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009 – 2017.
“Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức trong các quý II đến quý IV để đạt mục tiêu cả năm 2019. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tiềm năng, thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục suy giảm. Đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng”, Viện trưởng CIEM nói.
Tuy vẫn bị hạn chế bởi dịch tả lợn châu Phi, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá ở mức 2,68%. Xuất khẩu thủy sản đối mặt với cạnh tranh lớn hơn từ các quốc gia khác. Khu vực công nghiệp, xây dựng đạt tăng trưởng giá trị gia tăng ở mức 8,63%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,5%. Khu vực doanh nghiệp tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu.
Đầu tư tư nhân và FDI tiếp tục là điểm sáng, thể hiện ở cơ cấu nguồn đầu tư tiếp tục xu hướng chuyển dịch thu hẹp tỷ trọng đầu tư từ khu vực Nhà nước và tăng tỷ trọng đầu tư từ khu vực ngoài Nhà nước. Mức tổng vốn FDI đăng ký đạt 10,8 tỷ USD trong quý I, tăng 86,2% so với cùng kỳ 2018 và cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây. Giải ngân vốn FDI đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%. Góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 5,69 tỷ USD, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng với tổng giá trị xuất khẩu đạt 58,86 tỷ USD, tăng 5,3%, nhờ một số yếu tố như cải cách hành chính, các ngân hàng thương mại đưa ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tài chính xuất khẩu và hầu hết các thành viên CPTPP đã phê chuẩn đều thực hiện cắt giảm thuế quan hai lần cho Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế năm 2019 vẫn khả quan
Chia sẻ về Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2019, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM nói, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp. Hiện chính sách tiền tệ vẫn giữ được sự thận trọng, linh hoạt cần thiết và củng cố thêm được dư địa điều hành (lãi suất, dự trữ ngoại hối).
“Cách thức điều hành chính sách tiền tệ vẫn hướng tới củng cố niềm tin của thị trường và nền tảng của hệ thống (tăng an toàn vốn, xử lý nợ xấu), thay vì vội vã chạy theo xử lý các vấn đề ngắn hạn. Chính sách tài khóa đã có sự phối hợp tích cực hơn với chính sách tiền tệ, trên nền tảng ngân sách Nhà nước được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn”, ông Dương cho hay.
Theo Báo cáo vĩ mô quý I/2019, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và diễn biến kinh tế trong nước. Theo đó, GDP của các đối tác tăng 3,9%, mức giá của Hoa Kỳ tăng 2%, giá hàng nông sản xuất khẩu giảm 2,1%, giá dầu thô thế giới giảm khoảng 7,2%.
Về phía Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD có thể được điều chỉnh tăng 2%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng 14%, giá nhập khẩu tăng 2%, dân số tăng 1,08%/năm, việc làm tăng 0,86%, lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết không đổi so với năm 2018, tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết tăng 1%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) lần lượt giảm 10% và tăng 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%. Đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước được bổ sung 429,3 nghìn tỷ đồng…
Kết quả cập nhật dự báo của CIEM cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%.