Đại diện lực lượng công nhân kỹ thuật cao đã gửi đến Thủ tướng những ý kiến tâm huyết về sự phát triển đội ngũ trong thời công nghệ 4.0 cùng những vấn đề thiết thực về đời sống, việc làm.
Sáng 5-5, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Chương trình Thủ tướng gặp gỡ công nhân (CN), lao động kỹ thuật cao năm 2019 với chủ đề “CN kỹ thuật cao – Động lực của phát triển”. Đến dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; đại diện các bộ, ban, ngành và 1.000 CN, lao động kỹ thuật cao của các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm và 16 ngành kinh tế kỹ thuật cao của đất nước. Thủ tướng đã dành gần 4 giờ để đối thoại, lắng nghe, chia sẻ với CN về công tác đào tạo nghề, CN tham gia sáng tạo, vấn đề khen thưởng, thu hút nhân tài…
Trải lòng cùng Thủ tướng
Kể từ lần gặp gỡ CN lần đầu tiên vào tháng 4-2016, sau một thời gian ngắn khi đảm nhận trọng trách người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có 4 buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với CN, nhất là CN trực tiếp sản xuất để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn của họ. Lần này, trở lại miền Nam để tiếp xúc với người lao động (NLĐ), Thủ tướng đã có buổi đối thoại đặc biệt với CN kỹ thuật cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho công nhân tiêu biểu, có nhiều sáng kiến hữu ích Ảnh: QUANG LIÊM
Mở đầu phần trao đổi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn đến tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam vì đã làm cầu nối để Chính phủ, các bộ, ngành có dịp tiếp xúc, lắng nghe tâm tư của NLĐ. Nhìn nhận đóng góp to lớn của lực lượng lao động này, Thủ tướng khẳng định CN bậc cao là một trong những động lực phát triển của đất nước. “Chúng ta phát triển đất nước không chỉ nhờ vốn và giá rẻ mà còn nhờ năng suất lao động, nhờ kỹ thuật công nghệ. Để có được đội ngũ này thì điều kiện sống, làm việc, nhu cầu học tập, những tâm tư nguyện vọng của các bạn ra sao? Các bạn có hiến kế, đề xuất gì để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để chúng ta có một đội ngũ CN kỹ thuật cao? Hôm nay, tôi muốn nghe tiếng nói từ trái tim các bạn, khối óc của các bạn” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trải lòng.
Anh Đinh Đăng Toàn, Công ty CP Quốc tế Phong Phú, cho biết hiện tại công ty anh làm việc đang nhập hệ thống máy, thiết bị công nghệ cao với chi phí rất lớn. Trong quá trình xử lý đã có những trục trặc nhỏ (như về bo mạch…). Nếu như ở Việt Nam, việc mua linh kiện để sửa chữa chỉ mất khoản chi phí vài trăm USD thì chi phí nhập máy móc, linh kiện của nước ngoài lại rất cao, khoảng 28.000 euro, đó là chưa tính thuế. Không chỉ tốn kém, việc doanh nghiệp (DN) nhập linh kiện về cũng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hải quan. DN khi nhập nguyên máy móc, thiết bị thì dễ dàng nhưng nhập chi tiết thì lại khó khăn khiến máy móc bị ngưng trệ, không đạt thời gian giao hàng. Mong Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục hải quan để hỗ trợ DN, cũng là bảo đảm việc làm của NLĐ.
Cần gắn kết doanh nghiệp, trường nghề
Vấn đề nổi cộm khác được các đại biểu quan tâm là đào tạo nghề cho CN. Anh Toàn cho biết hệ thống ngành nghề của Việt Nam có những ngành đặc trưng như ngành wash (giặt mài), ứng dụng trong sản xuất đồ jeans nhiều nhưng tại Việt Nam lại chưa có nơi đào tạo, các DN phải thuê người nước ngoài với chi phí cao. Lao động Việt Nam chỉ có thể học qua quá trình hợp tác với những lao động nước ngoài, chủ yếu là học ở kinh nghiệm chứ không được đào tạo bài bản. “Trong khi CN giỏi của chúng ta làm việc với mức lương chỉ bằng tiền thuê nhà DN bỏ ra để hỗ trợ lao động nước ngoài. Tôi nghĩ, ngành giáo dục phải xem xét, hoàn thiện quy trình đào tạo nguồn nhân lực. Chính sách khen thưởng với CN giỏi cũng chưa tương xứng. Nhiều anh em CN phải bỏ tiền túi ra để thực hiện sáng kiến cải tiến nhưng chính sách khen thưởng chưa phù hợp, điều này không tạo động lực cống hiến cho CN” – anh Toàn bày tỏ.
Anh Nguyễn Xuân Quang, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, cho rằng việc đổi mới đào tạo CN, nhất là CN chất lượng cao là cần thiết. Việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề và DN, chúng ta đã làm nhưng chưa đi vào thực chất. Trong khi đó, hệ thống quản lý điều khiển càng ngày càng phức tạp. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách tạo điều kiện cho CN nâng cao trình độ.
Ghi nhận ý kiến trên, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết bộ đang hoàn thiện đề án đổi mới nâng cao chất lượng nghề nghiệp theo hướng dự báo tốt về nhu cầu thị trường, giảm lý thuyết và tăng thực hành, tập trung đào tạo mới và đào tạo lại cho những người như CN có nhu cầu. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng tiêu chuẩn đầu ra cho 160 ngành nghề lĩnh vực. Ngoài nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, Chính phủ cho nhập 34 bộ giáo trình từ Úc và Đức, CN theo học giáo trình này sẽ được công nhận trình độ quốc tế. Trên cơ sở liên thông đào tạo và liên thông chứng chỉ, NLĐ có thể làm việc không những trong nước mà còn quốc tế” – ông Dung nói.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TP HCM, hiện các trường ĐH và ĐHQG TP HCM đang đổi mới chương trình, phương thức đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và đáp ứng nhu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn đào tạo sát với thực tiễn. Trong 3-5 năm tới, sự đổi mới này sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả. Ông Đạt thừa nhận liên kết nhà trường và DN còn khá lỏng lẻo. Các giảng viên rất muốn đưa nghiên cứu của mình ra thị trường để thương mại hóa nhưng còn gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp, CĐ và chính quyền đồng hành
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện các sáng kiến, cải tiến, hầu hết các ý kiến đều cho rằng DN và chính quyền cần chủ động hỗ trợ CN có sáng kiến và thay đổi tư duy, phương thức quản lý để có được đội ngũ CN giỏi nghề, làm chủ công nghệ.
Anh Phan Anh Hây, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, bộc bạch: “Trong quá trình làm việc dù gặp khó khăn, vất vả thế nào CN cũng không nản, nhưng điều khiến chúng tôi dễ dàng bỏ cuộc chính là cách quản trị của DN. Theo tôi, DN cần thực hiện quản trị hiện đại, chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ để CN chúng tôi vừa học hỏi vừa phát huy năng lực, sáng kiến, sáng tạo của mình trong công việc”. Anh cũng cho rằng việc thay đổi công nghệ đi liền với tự động hóa, số hóa, tối ưu hóa, sử dụng robot thế hệ mới sẽ tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động và hình thành một lớp CN, lao động kỹ thuật cao. Việc này phải bắt đầu từ DN, do DN. Vì vậy, Chính phủ cần xác định tiêu chí DN phát triển công nghệ cao cấp vùng để khuyến khích DN đầu tư máy móc kỹ thuật, dây chuyền công nghệ cao, tuyển dụng CN, lao động kỹ thuật cao và tổ chức đào tạo CN tiếp cận được dây chuyền máy móc đó.
Tương tự, chị Trần Thị Lan Anh – Công ty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông – cho rằng DN cần nghiên cứu xây dựng môi trường làm việc sáng tạo của CN. Ở những vùng kinh tế phát triển, Chính phủ xem xét xây dựng trung tâm hỗ trợ CN lao động nghiên cứu, sáng tạo; khi thành công có đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, có chuyển giao cho trung tâm khai thác trả phí cho tác giả như trung tâm hỗ trợ quyền tác giả. Các địa phương cũng cần tổ chức, ổn định các giải thưởng về sáng tạo, trong đó tập trung vào các ý tưởng khả thi để hỗ trợ thực hiện. “Muốn tăng năng suất lao động thì phải cải thiện chất lượng, điều kiện làm việc, đòi hỏi phải hình thành một môi trường làm việc sáng tạo. Mọi sáng kiến của CN, dù là nhỏ nhất cũng cần phải được nuôi dưỡng và trân trọng mới có nền tảng để CN phát huy sáng kiến, sáng tạo” – chị Lan Anh bày tỏ.
Là một trong những đại diện DN tham gia chương trình, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh REE, cho biết thực tế, NLĐ dù được đào tạo bài bản từ phía nhà trường thì khi bắt tay vào công việc cũng cần phải được DN đào tạo lại để thích ứng và phát huy hết khả năng. Bà cho rằng người Việt Nam hiếu học, ai cũng muốn vào đại học trong khi người Đức rất rõ ràng, họ cần cả kỹ sư, thợ cả, CN…, do vậy chúng ta phải phân luồng, hướng nghiệp nhiều hơn nữa. “Ngoài nỗ lực của DN, tổ chức CĐ nên đứng ra tổ chức trường đào tạo, DN chúng tôi sẽ hết sức ủng hộ. Tổ chức CĐ cũng cần tiếp tục quan tâm nâng cao tay nghề, kỹ năng cho CN nhiều hơn” – bà Thanh góp ý.
Lắng nghe và trao đổi với CN tại buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận đất nước ta những năm qua tăng trưởng nhanh và nâng cao về vị thế, trong đó đội ngũ CN kỹ thuật cao đã tiếp thu, làm chủ, sáng tạo nhiều tri thức, công nghệ, có đóng góp vô cùng quan trọng. “Để phát triển khoa học công nghệ trong DN, để CN có điều kiện phát huy tốt hơn thì nhà nước phải đổi mới mạnh mẽ trong xây dựng và có chính sách để DN thấy rõ lợi ích khi đầu tư vào nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, DN cần chủ động hơn khi tham gia đào tạo, nghiên cứu phát triển đồng thời phòng ngừa các rủi ro cho CN khi thích ứng với các công nghệ mới” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dịp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tuyên dương 23 CN tiêu biểu, có tay nghề cao, thực hiện nhiều sáng kiến được ứng dụng làm lợi cho DN và cộng đồng. Ngoài ra, 90 CN, lao động kỹ thuật cao cũng được nhận quà của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC:
Mỗi công nhân phải đặt mục tiêu phấn đấu
Tôi đánh giá cao Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hoạt động này khá công phu. CĐ đã tập hợp và gửi đến các bộ, ngành 43 ý kiến, nhiều ý kiến rất thiết thực, qua đó đã khơi dậy một khát vọng phát triển cho CN chất lượng cao và CN nói chung.
Chúng ta đều xem CN kỹ thuật cao là vốn quý của dân tộc, của quốc gia. Đang có nhu cầu cao từ thị trường với lực lượng lao động này và không lo bị robot thay thế. Có đội ngũ CN tay nghề cao là cơ hội cho Việt Nam cạnh tranh và hội nhập, làm hiệu suất gia tăng, tăng khả năng tiếp thu công nghệ mới đồng thời tăng thu nhập. Thực tế, chúng ta có 53 triệu lao động nhưng chưa đầy 19% CN kỹ thuật cao, tỉ lệ này là thấp. Việt Nam phát triển nhanh nhưng nhìn chung DN năng suất còn thấp, sức cạnh tranh của toàn bộ DN còn yếu do thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ CN kỹ thuật cao. Chúng ta không thể đi theo con đường lao động giá rẻ và đầu tư vốn lớn mà phải đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Chúng ta có ưu thế dân số vàng, nếu có thêm kỹ thuật công nghệ thì sẽ thành công. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt các địa phương phải quan tâm 4 vấn đề lớn để cải thiện đời sống và tạo nền tảng cho CN. Đó là lương và thu nhập; nhà ở xã hội; môi trường làm việc học tập của CN và môi trường học tập cho con em CN.
Tổ chức CĐ Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, tập hợp đội ngũ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của CN để chủ động, kịp thời tham mưu với Chính phủ các giải pháp để phát triển. Bên cạnh đó, CĐ cần tham gia, hỗ trợ đào tạo và vận động CN tự học, nâng cao trình độ chuyên môn. DN phải quan tâm đào tạo nghề cho CN. Tất cả cùng liên kết lại thì mới đem lại thành công. Bản thân mỗi CN cũng phải tự giác vượt qua thói quen lãng phí thời gian, nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng, đặt ra kế hoạch riêng mình để cố gắng, sẵn sàng cho việc thích ứng thay đổi công nghiệp mới. Có sáng tạo, có nghệ tinh thì mới có thu nhập cao.
Ông NGUYỄN THIỆN NHÂN, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM:
Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Việt Nam đã bước vào giai đoạn kinh tế tri thức với nhiều chuyển đổi. Người lao động làm chủ trực tiếp khoa học công nghệ và lực lượng này đều phải do đào tạo mà ra.
Vấn đề chúng ta phải nhắc nhiều là việc đào tạo chưa sát nhu cầu. Các DN muốn phát triển nhanh thì phải tự đào tạo nguồn nhân lực cho mình. Thực tế, nơi nào DN tham gia vào lĩnh vực đào tạo, nơi đó nhân lực chất lượng tốt. Không chỉ đào tạo tại chỗ, DN còn phải chủ động liên kết với nhà trường, với viện nghiên cứu để có được nguồn nhân lực chất lượng. Trong đó, chính quyền sẽ có trách nhiệm hỗ trợ. Hiện TP HCM đã có chương trình hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ cao và quyết tâm thực hiện chương trình này để có được ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và đào tạo được nguồn nhân lực kỹ thuật cao.
Để động viên NLĐ các DN, TP HCM sẽ nghiên cứu tổ chức triển lãm công nghệ, dịch vụ chất lượng cao để tôn vinh trí tuệ NLĐ và sự tiên phong ứng dụng công nghệ của các đơn vị, DN. Điều đó nhằm tạo niềm tin cho CN, đồng thời là lời khẳng định người Việt Nam có thể vươn lên đỉnh cao công nghệ mới.