VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021

    – Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu Tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, có 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023. Đáng chú ý, 3 kịch bản này đều được xây dựng trong điều kiện, Việt Nam kiểm soát được hoàn toàn đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2021.
      Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo “Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam”.
Báo cáo này nhằm phân tích bối cảnh quốc tế, trong nước trước và trong đại dịch Covid-19; phân tích và đánh giá tác động của Covid-19 tới tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam; phân tích một số yêu cầu về cải cách thể chế nhằm phục hồi và thúc đẩy kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19 và xác định định hướng và lộ trình chính sách cho phát triển giai đoạn 2021-2023.
Theo thông tin tại Hội thảo, Việt Nam có tốc độ tăng GDP đạt 2,91% trong năm 2020 và phục hồi ở mức 4,48% trong quý I/2021. Các tổ chức quốc tế đều duy trì đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Số doanh nghiệp thành lập mới trong cả năm 2020 giảm 2,3% so với năm 2019 nhưng tổng vốn đăng ký tăng 29,2%, cho thấy quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng tăng lên. Doanh nghiệp cũng có sự thích ứng, cả về tổ chức sản xuất, sử dụng lao động, và ứng dụng các mô hình, cách thức kinh doanh mới.
Tổng vốn phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2020 tăng 5,7%, thấp hơn 4,5 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ trọng đầu tư/GDP năm 2020 đạt 34,4%. Vốn FDI đăng ký đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25%; vốn FDI thực hiện đạt 19,98 tỷ USD.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn nhưng cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.
Cũng theo TS. Trần Thị Hồng Minh, CIEM đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 dựa trên 3 kịch bản. Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất thì kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định. Đồng thời làm rõ một số yêu cầu để bảo đảm các chính sách hướng tới phục hồi kinh tế có sự gắn bó mật thiết với cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới. Từ đó, đề xuất định hướng và lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu Tổng hợp CIEM thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo và công bố 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023. Đáng chú ý, 3 kịch bản này đều được xây dựng trong điều kiện, Việt Nam kiểm soát được hoàn toàn đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2021.
Kịch bản 1 (Bình thường): CIEM dự báo năm 2021, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,98%, cùng tỷ lệ lạm phát 3,51%. Mức tăng trưởng sẽ tăng lên 6,45% và 6,61% trong các năm 2022 và 2023.
Kịch bản 2 (Nới lỏng tài khóa và tiền tệ): Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,43% năm 2021. Với việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, CIEM dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên mức 3,78%. Bước sang năm 2022, 2023, mức tăng trưởng mà CIEM dự báo lần lượt là 6,8% và 6,83%.
Kịch bản 3 (Nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế): Kịch bản này dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,47%. Dù mức tăng trưởng cao hơn song đáng chú ý, CIEM dự báo mức lạm phát trong năm 2021 chỉ là 3,56%. Kinh tế trong năm 2022 và 2023 được đẩy lên mức: 6,88% và 6,92%.
Nguồn VnMedia.vn-TT