Tham dự và phát biểu tại 2 phiên thảo luận của Hội nghị bàn tròn các Nhà lãnh đạo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề cập ba quan điểm của Việt Nam về hợp tác trong khuôn khổ “Vành đai và con đường”.
Hôm qua (15/5), Hội nghị bàn tròn các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị, với sự tham dự của các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ của 29 quốc gia khác gồm Argentina, Ba Lan, Belarus, Campuchia, Chile, Ethiopia, Hungary, Hy Lạp, Indonesia, Italy, Kazakhstan, Kenya, Kyrgyzstan, Lào, Malaysia, Myanmar, Mông Cổ, Nga, Pakistan, Fiji, Philippines, Cộng hòa Czech, Serbia, Sri Lanka, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Uzbekistan, Việt Nam; và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu. Tham gia đoàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu tại 2 phiên thảo luận của Hội nghị bàn tròn.
Tham dự Phiên thảo luận “Tăng cường kết nối chính sách làm sâu sắc quan hệ đối tác”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bày tỏ vui mừng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” tại thủ đô Bắc Kinh tươi đẹp. Thay mặt Đoàn Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng cảm ơn Ngài Chủ tịch và nước chủ nhà về sự đón tiếp trọng thị và sự chuẩn bị chu đáo cho Diễn đàn.
Tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn mang tính bước ngoặt khi các mô hình phát triển từng đem lại thành công trong những thập kỷ qua không còn phát huy hiệu quả, các nền kinh tế ngày càng gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau với cơ hội và thách thức đan xen, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mà không một quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, có thể tự mình giải quyết.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đều tìm cách tiếp cận mới, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi quốc gia, khu vực, khai thác hiệu quả những thành tựu tiên tiến của khoa học-công nghệ, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định để cùng phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực nói chung, sáng kiến của Ngài Chủ tịch Tập Cận Bình về thúc đẩy kết nối kinh tế đa quốc gia, liên khu vực, liên lục địa trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường” nói riêng, đặc biệt là ý tưởng “hòa bình và hợp tác, cởi mở và bao trùm, học hỏi lẫn nhau và cùng có lợi”.
“Chúng tôi cũng hoan nghênh những kết quả tích cực mà các quốc gia tham gia “Vành đai và Con đường” đã đạt được trong ba năm qua và mong muốn Sáng kiến tiếp tục góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối khu vực, hỗ trợ các nước kém và đang phát triển trong xây dựng kết cấu hạ tầng và mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân.
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và các quốc gia khác trong nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đem lại lợi ích chung cho các bên, góp phần thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định.
Đồng thời, để quá trình liên kết kinh tế, kết nối khu vực giữa các nền kinh tế cũng như nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đạt kết quả tích cực, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chia sẻ 3 quan điểm về hợp tác trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”, đó là:
Thứ nhất, sự gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến với mục tiêu hỗ trợ các nước thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và với các khuôn khổ hợp tác khu vực, toàn cầu sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung, tạo cộng hưởng, gia tăng lan tỏa lợi ích, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Thứ hai, bảo đảm các tiêu chí bền vững, hiệu quả và bao trùm. Ưu tiên các dự án thiết thực, xuất phát từ nhu cầu phát triển của các quốc gia, khu vực.
Việc lựa chọn dự án được thực hiện trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế, tác động về nợ công và bền vững về tài chính, đồng thời đáp ứng các tiêu chí về môi trường, có ý nghĩa tích cực về xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả là điều kiện không thể thiếu để triển khai thực hiện có hiệu quả Sáng kiến.
Với nhu cầu vốn ngày càng gia tăng, chúng ta không thể chỉ dựa vào nguồn lực của các chính phủ mà cần huy động sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế, như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Ngân hàng phát triển châu Á và cộng đồng doanh nghiệp… Trong đó, điều kiện của các khoản tín dụng cần thực sự ưu đãi để các nước kém và đang phát triển có khả năng tiếp cận được nguồn vốn, nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Thứ ba, quá trình hợp tác phát triển bền vững giữa các quốc gia dựa trên nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện, minh bạch, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế là nền tảng cho sự tin cậy lẫn nhau và nỗ lực chung của các quốc gia trong việc phát huy những cơ hội và giải quyết những khó khăn, thách thức.
Cuối bài phát biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đại diện với vai trò nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 khẳng định, Việt Nam đã và đang tích cực hợp tác với các nền kinh tế thành viên làm hết sức mình để thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ Đối tác châu Á-Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21. Các nỗ lực này chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Nguồn tintuc.vn-TT