Một số quốc gia châu Á và châu Phi đang rơi vào “vòng xoáy” bẫy nợ của Trung Quốc khi vay tiền Bắc Kinh để thực hiện các dự án và không có khả năng thanh toán, theo báo Nikkei.
Cảng Hambantota tại Sri Lanka (Ảnh: Bloomberg)
Trong bài viết trên Nikkei ngày 26/10, Brahma Chellaney, nhà nghiên cứu chiến lược và là tác giả của 9 cuốn sách, đã đưa ra nhận định về “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc tại khu vực châu Á.
Lào hồi tháng 9 đã ký thỏa thuận cho phép một công ty Trung Quốc tham gia vận hành mạng lưới điện quốc gia. Sự hợp tác này diễn ra trong bối cảnh Lào đang phải trả các khoản vay từ Bắc Kinh.
Trong khi đó, Sri Lanka và Pakistan phải vay các khoản nợ mới từ Trung Quốc để trả các khoản vay cũ. Điều này cho thấy vòng luẩn quẩn mà những nước này đang bị mắc kẹt vào “bẫy nợ” của Trung Quốc. Cả Sri Lanka và Pakistan đều phải nhượng các tài sản chiến lược cho Bắc Kinh.
Chưa đầy 3 năm trước, Sri Lanka ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota, cảng nằm ở vị trí chiến lược nhất ở khu vực Ấn Độ Dương, và hơn 6.000 hecta đất xung quanh cảng này trong thời hạn 99 năm. Sri Lanka đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng để đổi lấy 1,1 tỷ USD, giúp Sri Lanka giảm bớt gánh nặng nợ nần sau khi nước này vay tiền của Bắc Kinh để xây dựng cảng.
Theo Reuters, Trung Quốc đầu tháng này thông báo cung cấp khoản viện trợ trị giá 90 triệu USD cho Sri Lanka sau cuộc gặp cấp cao giữa quan chức hai nước. Trung Quốc cũng đồng ý cung cấp khoản vay 989 triệu USD cho Sri Lanka để xây dựng một tuyến đường cao tốc kết nối vùng trồng chè ở miền trung Sri Lanka với cảng biển do Trung Quốc vận hành tại nước này.
Bắc Kinh đã cung cấp hàng tỷ USD dưới dạng các khoản vay cho các dự án tại Sri Lanka trong một thập niên qua, bao gồm cảng biển, sân bay, thành phố cảng, đường cao tốc và nhà máy điện.
Trong khi đó, Pakistan đã cho phép Trung Quốc quản lý độc quyền, đi kèm miễn thuế điều hành cảng Gwadar trong 40 năm tới. Trung Quốc được cho là sẽ nhận phần lớn doanh thu từ cảng Gwadar – nơi nằm ở vị trí quan trọng trong tuyến thương mại năng lượng toàn cầu.
Cạnh cảng Gwadar, Trung Quốc cũng lên kế hoạch xây dựng một tiền đồn cho lực lượng hải quân như ở Djibouti – nơi Trung Quốc đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Trung Quốc và Pakistan cũng tăng cường hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực Kashmir, nơi hai nước đều có tranh chấp lãnh thổ riêng rẽ với Ấn Độ.
Tajikistan có các khoản vay với Trung Quốc từ năm 2006. Nước này đã nhượng 1.158 km2 vùng núi Pamir cho Bắc Kinh, đồng thời cấp quyền cho các công ty Trung Quốc khai thác vàng, bạc và các quặng khoáng sản khác. Gần đây, Tajikistan buộc phải đề nghị Trung Quốc giảm nợ.
Kyrgyzstan, nước láng giềng với Tajikistan, cũng gặp khó với các khoản nợ của Trung Quốc. Kyrgyzstan tháng trước đã đề xuất Trung Quốc giảm nợ trong bối cảnh nước này rơi vào khủng hoảng chính trị.
Tại châu Phi, hàng loạt quốc gia gồm Angola, Cameroon, Congo, Ethiopia, Kenya, Mozambique và Zambia muốn tạm hoãn trả các khoản vay từ Bắc Kinh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Vì sao nhiều nước chọn vay từ Trung Quốc?
Quyết định gần đây của Sri Lanka trong việc lựa chọn Trung Quốc thay vì Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để đảm bảo các khoản vay đã đặt ra một câu hỏi lớn hơn: Điều gì khiến các quốc gia lún sâu hơn vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, bất chấp những rủi ro khi thế chấp quyền tự chủ về chính sách đối ngoại cho Bắc Kinh?
Có một số yếu tố để trả lời cho câu hỏi trên, trong đó có điều kiện vay nợ khác biệt giữa Trung Quốc và IMF. Các khoản vay của IMF thường đi kèm các điều kiện và sự giám sát chặt chẽ. Trung Quốc không đánh giá mức độ tín nhiệm về khả năng trả nợ của bên vay, trong khi IMF sẽ không cho vay nếu nhận thấy các khoản vay có thể đẩy một quốc gia nào đó vào cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Thực chất, Trung Quốc luôn sẵn sàng cho các nước vay tiền cho đến khi họ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ, vì Bắc Kinh được hưởng lợi từ việc này.
Trung Quốc có kinh nghiệm trong việc tận dụng điểm yếu của các nước nhỏ, nằm ở vị trí chiến lược nhưng vay nợ nhiều. Một ví dụ điển hình là Maldives, nơi Bắc Kinh đã biến các khoản tín dụng lớn thành ảnh hưởng chính trị, bao gồm việc mua lại một vài hòn đảo nhỏ của nước này với giá rẻ.
Theo SCMP, Trung Quốc đã cho các công ty của Maldives vay 935 triệu USD theo hình thức được chính phủ Maldives bảo lãnh. Ngân sách từ Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường – sáng kiến phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên toàn thế giới của Bắc Kinh, đã rót vào hàng loạt dự án xây cầu, mở rộng sân bay, nâng cấp mạng lưới điện ở Maldives.
Tuy nhiên, không giống một số quốc gia vay nợ nặng nề khác, Maldives đã “thoát khỏi” bẫy nợ của Trung Quốc. Từ sau cuộc bầu cử tổng thống cách đây gần 2 năm tại Maldives, Ấn Độ đã từng bước hỗ trợ quốc đảo Ấn Độ Dương với các khoản ngân sách hào phóng và gần đây là một gói viện trợ.
Theo Nikkei, chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc nhằm lôi kéo các nước nhỏ dường như đã thu được một số kết quả. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng vấp phải nhiều chỉ trích và đối mặt với những hệ quả tiêu cực từ chiến lược này.
Các dự án thuộc Sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường của Trung Quốc vẫn chưa khả thi về tài chính, khiến số lượng dự án mới giảm đi. Trong khi đó, sự mất niềm tin của dư luận vào Trung Quốc ngày càng tăng lên, ngay cả ở những nước đối tác của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ Sri Lanka có thể trở thành “quốc gia vệ tinh” của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ có chuyến công du từ New Delhi, Ấn Độ tới Sri Lanka vào ngày 27/10 nhằm lôi kéo Sri Lanka vào quỹ đạo của Washington. Ông Pompeo được cho là sẽ thuyết phục chính quyền Sri Lanka chấp thuận một thỏa thuận chung với Mỹ và cam kết khoản viện trợ kéo dài 5 năm trị giá 480 triệu USD cho Sri Lanka.
Nguồn DTO-TT