Đập thủy điện Tam Hiệp đang bị đe dọa, có nguy cơ bị vỡ khi Trung Quốc đang hứng chịu hậu quả nặng nề của các trận mưa lũ xảy ra liên tiếp. Có một bí mật về công trình đồ sộ này mà không phải ai cũng biết.
Rất đông đại biểu quốc hội bỏ phiếu trắng hoặc phiếu chống không đồng tình xây dựng dự án đập Tam Hiệp. Ảnh: Thể Thao & Văn hóa.
Đập Tam Hiệp – tham vọng “ngàn năm” của Trung Quốc
Đập Tam Hiệp chặn sông Dương Tử (sông dài thứ ba trên thế giới) tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1994, hoàn thành năm 2009. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ từng được ví như “Vạn Lý Trường Thành thứ 2” của Trung Quốc vì để xây dựng được nó đã tiêu tốn nhiều tiền của và công sức.
Đập Tam Hiệp được coi là “Vạn Lý Trường Thành” thứ 2 của Trung Quốc. Ảnh: Một Thế Giới.
Theo Bách khoa toàn thư Britannica, ngay từ những năm 1920, các lãnh đạo nước này lần đầu tiên thảo luận về ý tưởng xây dựng một đập thủy điện khổng lồ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Song, mãi đến năm 1955, việc lập kế hoạch chi tiết cho dự án đập Tam Hiệp mới chính thức được xúc tiến.
Những người đề xuất và ủng hộ dự án khăng khăng rằng, đập Tam Hiệp sẽ giúp kiểm soát ngập lụt nghiêm trọng dọc sông Dương Tử, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nội địa và cung cấp phần lớn nguồn điện năng thiết yếu cho miền trung Trung Quốc. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần ngăn chặn những trận lũ lụt khủng khiếp trên sông Dương Tử vốn đã trở thành nỗi trăn trở của nhiều triều đại Trung Quốc.
Thời điểm mới khởi công, dự án được kỳ vọng sẽ bao gồm nhà máy thủy điện với công suất 17.680 mW điện, tức gần gấp rưỡi so với nhà máy thủy điện đập Itaipu lớn thứ hai thế giới tại Brazil. Con đập hoàn thành có chiều cao 185m, rộng 1.983m với diện tích mặt hồ chứa là 1.060 km2, công suất 39.300 triệu m3 nước và tốc độ dòng chảy tối đa 100.000m3/s.
Đập Tam Hiệp cũng là tham vọng của chính quyền Bắc Kinh về việc tạo ra nguồn năng lượng sạch khổng lồ. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng nhiệt than trở nên khan hiếm và ngày càng bị hạn chế do tác động môi trường quá lớn, Trung Quốc cần những dự án khổng lồ như thủy điện đập Tam Hiệp để tạo ra nguồn cung năng lượng dồi dào, thúc đẩy các kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia.
Nhiều tranh cãi khi đề xuất xây dựng dự án
Ngay từ khi đề xuất và xây dựng dự án đập thủy điện Tam Hiệp đã gặp phải nhiều khó khăn. Tôn Trung Sơn – lãnh đạo đầu tiên của Quốc dân đảng Trung Quốc chính là người đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng đập Tam Hiệp. Vào năm 1919, ông là người đầu tiên xem xét dự án này để phát điện, nhưng ý tưởng này đã bị gác lại do các hoàn cảnh và điều kiện chính trị cũng như kinh tế không thuận lợi.
Đến năm 1944, công trình nghiên cứu tiền khả thi đã được giao cho một kỹ sư thành viên của Phòng Nông Nghiệp Hoa Kỳ, tuy nhiên dự án này đã bị bỏ dở vào năm 1947.
Các trận lụt lớn đã làm sống lại ý tưởng này và chính quyền đã chấp thuận nó năm 1954 để kiểm soát lũ lụt. Về sau, dự án này được các chuyên gia Liên Xô (cũ) tiếp tục thực hiện. Trên thực tế, bắt đầu từ 1955, các nghiên cứu triển khai dự án đã được tiến hành liên tục cho đến khi xảy ra bất đồng.
Thứ trưởng Bộ Điện lực Li Rui khi đó cho rằng không nhất thiết phải xây dựng đập này do nó quá tốn kém. Ông cũng bổ sung thêm rằng đập nước sẽ làm ngập lụt nhiều thành thị và đất nông nghiệp màu mỡ, làm cho các vùng lưu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử bị ngập lụt thảm họa trong quá trình xây dựng và không giúp ích nhiều cho vận tải thủy.
Các quan chức tỉnh Tứ Xuyên cũng chống lại việc xây dựng vì tỉnh nằm ở thượng nguồn sẽ phải gánh chịu nhiều phí tổn trong khi tỉnh Hồ Bắc ở hạ nguồn sẽ nhận được nhiều lợi ích. Lâm Nghĩa San, chủ tịch văn phòng kế hoạch thung lũng Dương Tử lúc đó, là người chịu trách nhiệm của dự án thì lại cổ vũ cho việc xây dựng đập. Sự lạc quan của ông về việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật đã được đẩy đi xa hơn vào năm 1958 do điều kiện chính trị thích hợp và sự ủng hộ của Chủ tịch nước khi đó là Mao Trạch Đông. Ông cũng là người muốn Trung Quốc có đập thủy điện lớn nhất thế giới, theo Lieberthal và Oksenberg. Các phê phán khi đó bị cấm đoán, nhưng sau đó dự án cũng bị ngưng trệ vào năm 1960.
Ý tưởng lại hồi sinh vào năm 1963 như một phần của chính sách mới để xây dựng “mặt trận thứ ba” của công nghiệp tại tây nam Trung Quốc. Nhưng Cách mạng văn hóa đã nổ ra năm 1966 và trong năm 1969 dự án một lần nữa bị trì hoãn. Năm 1970, dự án tiếp tục trở lại với Cát Châu Bá, một đập nhỏ hơn về phía hạ lưu, nhưng nó cũng nhanh chóng gặp phải các vấn đề kỹ thuật phức tạp và chi phí đã vượt quá dự toán giống như đối với đập Tam Hiệp xét theo thang độ của từng công trình.
Cải cách kinh tế bắt đầu năm 1978 đã nhấn mạnh nhu cầu về điện năng để cung cấp cho các cơ sở công nghiệp đang lớn mạnh, vì thế Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn việc xây dựng năm 1979. Nghiên cứu khả thi đã được tiến hành trong các năm 1982-1983 để xoa dịu những chỉ trích ngày càng tăng. Nhiều người cho rằng dự án này đã không được dựa trên đầy đủ các nghiên cứu về kỹ thuật, xã hội hay môi trường. Trong những năm thập niên 1980, người Mỹ đã quay trở lại tham gia dự án. Các nghiên cứu khả thi tiếp theo đã được tiến hành từ năm 1985 đến 1988.
Theo Lieberthal và Oksenberg, các lãnh đạo của Trùng Khánh cũng đột ngột yêu cầu là độ cao của đập cần nâng một cách đáng kể đến mức nó có thể làm hỏng dự án và giải phóng họ khỏi gánh nặng của các chi phí. Độ cao mới và yêu cầu về nghiên cứu tin cậy hơn bằng sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã sinh ra nghiên cứu khả thi mới vào năm 1986.
Nhà sinh thái học Hou Xueyu là một trong số ít người từ chối ký vào báo cáo môi trường vì cho rằng nó đã báo cáo sai sự thật về các lợi ích môi trường thu được nhờ đập này và đã đánh giá không đúng phạm vi ảnh hưởng tới môi trường cũng như thiếu các giải pháp cụ thể cho các lo ngại về môi trường.
Những nhà hoạt động vì sinh thái môi trường trong nước và quốc tế bắt đầu phản đối gay gắt hơn. Các luật gia về nhân quyền đã chỉ trích kế hoạch tái định cư. Các nhà khảo cổ học cũng e ngại do sự nhấn chìm của một lượng lớn các di tích lịch sử. Nhiều người đã nói về việc mất đi của một trong những kỳ quan đẹp nhất thế giới.
Có không ít các kỹ sư tỏ ý không tin tưởng rằng đập thực sự sẽ đạt được các mục đích đề ra. Nhà báo/kỹ sư Đái Tình đã xuất bản cuốn sách gồm các chỉ trích nghiêm khắc của các nhà khoa học Trung Quốc đối với dự án này. Tuy thế rất nhiều công ty xây dựng nước ngoài vẫn tiếp tục thúc ép chính quyền của họ ủng hộ về tài chính do việc xây dựng với hy vọng thắng thầu.
Đối mặt với áp lực trong nước và quốc tế, Quốc vụ viện Trung Quốc vào tháng 3 năm 1989 đã đồng ý hoãn kế hoạch xây dựng này lại trong 5 năm. Tuy nhiên, năm 1989, chính quyền đã cấm các tranh cãi về con đập này, kết tội các chỉ trích của nước ngoài là thiển cận hay có ý đồ làm suy yếu chính quyền cũng như bắt giam Đái Tình và nhiều người chỉ trích khác.
1/3 đại biểu bỏ phiếu trắng, bê bối tham nhũng trong phê duyệt dự án
Thủ tướng Lý Bằng khi đó đã vận động cho việc xây dựng đập này và đưa nó đến quyết định cuối cùng tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc vào tháng 4 năm 1992 mặc dù 1/3 số đại biểu bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ từ cơ quan mà thông thường rất nhanh chóng thông qua các đề nghị của chính phủ.
Quyết định xây dựng công trình đập Tam Hiệp được chính thức thông qua tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc vào ngày 3 tháng 4 năm 1992 với 1.767 phiếu thuận, 177 phiếu chống và 664 phiếu trắng.
Việc tái định cư được tiến hành ngay sau đó và những sự chuẩn bị về vật chất đã bắt đầu năm 1994. Trong khi chính phủ tập trung thu hút công nghệ, dịch vụ, tài chính từ phía nước ngoài thì các lãnh đạo lại dành cho các hãng Trung Quốc công nghệ và các hợp đồng xây dựng.
Các vụ bê bối tham nhũng đã gây nhiều điều tiếng đối với dự án này. Người ta cho rằng các nhà thầu đã thắng thầu nhờ đút lót và sau đó đã bớt xén thiết bị và vật liệu để rút bớt các quỹ dành cho xây dựng. Một số người cho rằng chủ tịch tập đoàn phát triển kinh tế Tam Hiệp đã mua bán các công việc tại công ty ông ta, rút các khoản tiền từ các khoản vay có liên quan đến dự án và biến mất vào tháng 5 năm 2000. Các viên chức của Uỷ ban tái định cư Tam Hiệp đã bị bắt vì tội tham ô các quỹ của chương trình tái định cư vào tháng 1 năm 2000.
Nhiều hạng mục trong dự án có chất lượng tồi tệ đến mức Thủ tướng Chu Dung Cơ khi đó đã phải ra lệnh bỏ đi vào năm 1999 sau khi một loạt các tai nạn lớn đã xảy ra, bao gồm cả sập cầu. Chu Dung Cơ, một người đã từng chỉ trích dự án này rất gay gắt, thông báo rằng các quan chức có “một núi trách nhiệm trên đầu họ”. Cùng thời gian này, các rạn nứt đáng kể đã xuất hiện trong đập. Để bù đắp lại các chi phí xây dựng, các quan chức của dự án đã lặng lẽ thay đổi kế hoạch vận hành đã được thông qua bởi Quốc hội là làm đầy hồ chứa nước sau 6 năm chứ không phải 10 năm.
Để phản ứng lại, 53 kỹ sư và viện sĩ đã kiến nghị với Chủ tịch Giang Trạch Dân hai lần vào nửa đầu năm 2000 để làm chậm việc làm đầy hồ chứa nước cũng như việc tái định cư dân chúng trong vùng cho đến khi các nhà khoa học có thể xác định có hay không việc hồ chứa nước cao hơn gây ra các vấn đề về trầm tích. Tuy nhiên, việc xây dựng vẫn cứ được tiếp tục tiến hành.
Nguồn tintuc.vn-TT