VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam 2020

– Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá khá tốt triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm 2020.
Kỳ vọng mới cho kinh tế Việt Nam năm 2020Ảnh minh họa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam – Nhật Bản.

Môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã có những cải thiện mạnh mẽ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, là đất nước an toàn, điểm đến hấp dẫn đầu tư đối với cộng đồng doanh nhân quốc tế. Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá khá tốt triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm 2020.

Trong khi dòng FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 theo dự báo của các nhà kinh tế trên thế giới do tác động của đại dịch, kết quả thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan. Tổng vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 15 tỷ USD, bằng 85% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng vốn đăng ký mới đạt 8,43 tỷ USD và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,72 tỷ USD, tăng tương ứng bằng 13,8% và 26,8% so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60 tỷ USD vốn đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện mạnh mẽ và được đánh giá cao. Cụ thể, theo Tạp chí US News & World Report xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong tổng số 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Theo Ngân hàng Thế giới (tháng 10/2019), chỉ số Môi trường kinh doanh thuận lợi Việt Nam năm 2019-2020 xếp thứ 70/190 quốc gia.

Theo khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á và châu Đại Dương của JETRO tháng 02/2020, có trên 63% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Việt Nam là điểm đến của đầu tư hậu Covid-19

Phát biểu tại Hội nghị, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Okabe Daisuke nhấn mạnh, trong 20 năm quan hệ Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng, đồng thời Việt Nam ngày càng tăng cường sự hiện diện của mình trên trường quốc tế. Công sứ Okabe Daisuke nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản càng ngày trở nên sâu sắc được khẳng định bởi mối quan hệ tin cậy, chặt chẽ giữa lãnh đạo hai nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và chưa có dấu hiệu chấm dứt thì Việt Nam đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và không có ca tử vong. Đây là kết quả tuyệt vời của Việt Nam với năng lực quản lý rủi ro rất cao. Bên cạnh đó, trong khi các nước đang khốn đốn với đại dịch thì kinh tế Việt Nam cho thấy sự vực dậy nhanh chóng, trở thành quốc gia đầu tiên đa dạng hóa chuỗi cung cấp. Các nhà đầu tư trên thế giới trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, một điểm đến đầu tư bình thường mới trong trạng thái hậu Covid-19. “Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội này và trở thành quốc gia phát triển mạnh mẽ, phồn vinh hơn nữa”, ông Okabe Daisuke nhấn mạnh.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai hoạt động hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua các bộ phận hỗ trợ đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư như Saitama Desk, Aichi Desk và Niigata Desk.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, tập trung ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây cũng chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ và hiện đại, nâng cấp thị trường và công cụ tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong nước để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón nhận các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2019, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí thứ 42/129 quốc gia. Cải thiện 17 bậc so với 3 năm trước đó, đưa Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Malaysia trong ASEAN.

NGuồn VNMedia-TT