VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Các kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm 2019

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019. Trong đó, phương án cao là GDP tăng 6,8% và phương án thấp là 6,6% so với năm 2018.

Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Lạm phát được kiểm soát tương đối tốt dù tháng 2 là tháng Tết âm lịch với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tăng cao; công tác điều hành giá cả hợp lý trước những diễn biến trên thị trường hàng hóa thế giới, đảm bảo không gây sức ép bất lợi tới lạm phát; thị trường tài chính tiền tệ diễn biến tích cực.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở số liệu thực hiện 2 tháng đầu năm 2019, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP quý I năm 2019 là 6,58% so với cùng kỳ năm 2018. Đối chiếu với kịch bản tăng trưởng lần 1 được xây dựng vào cuối tháng 11 năm 2018, tốc độ tăng trưởng quý 1 năm nay thấp hơn cả tốc độ tăng trưởng quý 1 của kịch bản theo phương án thấp (6,76%).

Như vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,6 – 6,8% như kịch bản lần 1 đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực tối đa, tận dụng mọi cơ hội cả ở trong nước và quốc tế, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh để các quý còn lại của năm 2019 trong khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) phải tăng trưởng cao hơn kịch bản đã xây dựng.

Ảnh minh họa   Ảnh minh họa
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019. Trong đó, phương án cao là GDP tăng 6,8% và phương án thấp là 6,6% so với năm 2018.

Cụ thể, Phương án cao: GDP tăng 6,8% so với năm 2018. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), khu vực dịch vụ (khu vực III) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm các quý không thay đổi so với kịch bản lần 1; Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) quý 2 tăng 9,11%; quý 3 tăng 9,28%; quý 4 tăng 8,02%  để cả năm tăng 8,57% như kịch bản lần 1 đã đặt ra. GDP quý 2, 3 và 4 tăng lần lượt là 6,77%; 7,13% và 6,7%.

Phương án thấp: GDP tăng 6,6% so với năm 2018. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I), khu vực dịch vụ (khu vực III) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm các quý không thay đổi so với kịch bản lần 1; khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) quý 2 tăng 8,75%; quý 3 tăng 8,91%; quý 4 tăng 7,63%  để cả năm tăng 8,26% như kịch bản lần 1. GDP quý 2, 3 và 4 tăng lần lượt là 6,55%; 6,89% và 6,4%.

Cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm ổn định, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt chủ đề hành động năm 2019 của Chính phủ, đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo mục tiêu đề ra. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là cần chỉ đạo thực hiện ngay những công việc còn tồn đọng hoặc chậm tiến độ do nghỉ Tết, đẩy nhanh tiến độ công việc và thủ tục liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, tháng 3 là tháng cuối cùng của quý I, là tháng phải hết sức tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế, đặt mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của quý I và của cả năm.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019…

Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nhất là tín dụng cho tiêu dùng; chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chủ động phương án hấp thụ các luồng tiền từ kết quả cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn và kế hoạch điều chỉnh lãi suất của Mỹ để ổn định lãi suất, tỷ giá.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát chặt chẽ diễn biến giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, biến động của đồng đô la Mỹ, đồng Nhân dân tệ và giá các mặt hàng như xăng dầu, thịt lợn, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải… để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đã đề ra.

Điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo hướng thận trọng, không tăng giá đồng loạt nhiều hàng hóa, dịch vụ trong cùng thời điểm, hạn chế điều chỉnh vào các tháng cuối năm để tránh tác động tới chỉ số giá tiêu dùng chung của cả nước và tăng lạm phát kỳ vọng.

Ngoài ra, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ; thu hút doanh nghiệp FDI quy mô lớn, có chuỗi giá trị toàn cầu.
 Nguồn VnMedia.vn-TT