Chiều 22/10, tiếp tục Chương trình kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Quốc hội làm việc ở tổ chiều ngày 22/10. Ảnh: VA
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) tin tưởng năm 2019 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Chính sách tiền tệ được điều hành hiệu quả, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh. Chính sách tài khóa được thực hiện quyết liệt, thu ngân NSNN vượt dự toán, cân đối NSNN được bảo đảm, tỷ lệ bội chi NSNN và nợ công so với GDP giảm.
Đề cập giải pháp trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế tư nhân. “Chúng ta đã nói nhiều, hiểu nhiều nhưng làm thế nào để kinh tế tư nhân phát triển, làm thế nào để bảo vệ được các doanh nghiệp thì phải có sự quyết tâm, phải tạo môi trường để doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật số, đẩy mạnh cải cách hành chính bởi dù đã làm nhiều năm, nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn than vãn về các thủ tục hành chính”- đại biểu Phạm Phú Quốc đề xuất.
Cũng đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho hay, Chính phủ đã xác định kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thế nhưng kinh tế tư nhân đang rất khó khăn trong phát triển mặc dù đã có một số Luật quy định cho loại hình doanh nghiệp này. Việc tiếp cận vốn của vay của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân như doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ còn rất hạn chế.
Đại biểu Phạm Viết Lượng (Bình Phước) ghi nhận công tác điều hành của Chính phủ có nhiều đổi mới, năng động, quyết liệt, chú trọng vào xử lý những vấn đề lớn, dài hạn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những rào cản cho phát triển. Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn nhiều trăn trở: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng vẫn chưa thực sự bền vững, nếu như chúng ta biết tận dụng nhiều cơ hội, khai thác nhiều lợi thế và phát huy được sự đồng lòng, đồng sức của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội thì chắc chắn sức cạnh tranh nền kinh tế sẽ cao hơn và bền vững hơn”. Đại biểu dẫn chứng, những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp còn nhiều “bối rối”, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bên ngoài; đầu tư công thì có tiền không giải ngân được ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển, tốc độ giải ngân còn chậm, trong phân bổ, điều chỉnh nhiều lần…”
Trong thời gian tới, đại biểu tỉnh Bình Phước đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại hợp lý một số khoản chi; kiên quyết điều chỉnh vốn của các dự án không triển khai được cho các dự án khác; hạn chế chuyển nguồn quá lớn cho năm sau. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; đồng thời, quan tâm hơn nữa trật tự an toàn xã hội, hiện nay nổi lên rất nhiều vấn đề từ xâm hại trẻ em, băng nhóm tội phạm lộng hành, vận chuyển ma túy với số lượng lớn… phải đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp hiệu quả.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình nhờ nỗ lực lớn của Chính phủ và các cấp chính quyền nên năm 2019 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, đại biểu nêu một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Cụ thể, báo cáo nêu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực trong tăng trưởng nhưng theo số liệu dù có chiều hướng tích cực nhưng để đóng vai trò động lực thì cần đánh giá toàn diện hơn.
“Để đánh giá vai trò động lực cần tiêu chí cụ thể, ví dụ như đánh giá đóng góp của khu vực này với tăng trưởng chung là bao nhiêu? liên kết của ngành này với các ngành khác trong nước, tạo công ăn việc làm, hay năng suất lao động là bao nhiêu”- đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị làm rõ.
Ngoài ra, nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt trong kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng cường dự báo, cảnh báo sớm. Đa dạng hóa sản phẩm, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường, phát triển thị trường trong nước; thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. Ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn./.
Nguồn ĐCSVN-TT