VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Bất động sản & Khoáng sản

Chấm dứt cho thuê đất sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ Quốc phòng sẽ quy hoạch và tổ chức lại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất theo hướng an toàn, an ninh, văn minh, hiện đại
Sáng 8-8, tại TP HCM, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã thông tin tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Chưa được quy hoạch bài bản
Ông Trần Đơn cho biết thời kỳ đầu, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích 3.600 ha, đến năm 1975 là 1.500 ha, nay còn khoảng 1.060 ha. Trong đó, đất quốc phòng đang quản lý là hơn 489 ha, đất hàng không dân dụng quản lý hơn 107 ha; đất dùng chung hơn 464 ha. Thế nhưng, thực tế chưa được quy hoạch một cách bài bản, căn cơ và xen kẽ nhiều đơn vị, trong khi công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. “Sau khi tiếp quản đến nay có nhiều thay đổi nhưng chưa quy hoạch tổng thể. Lịch sử cũng để lại nhiều vấn đề. Tôi nói rõ để có thể hình dung việc sử dụng đất ở sân bay Tân Sơn Nhất vì sao nó như vậy” – ông Đơn lý giải.
Chấm dứt cho thuê đất sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Đơn, hoạt động kinh tế tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng là vấn đề tồn tại từ sau năm 1975 đến nay. Bộ Quốc phòng nhiều lần kiểm tra, chấn chỉnh, công tác quản lý đã đi vào nền nếp, các khu đất có mốc giới, ranh giới, tường rào bảo vệ. Sau nhiều lần kiểm tra, chấn chỉnh, tình hình đất quốc phòng trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tương đối ổn định. Thế nhưng, việc quản lý đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho mục đích kinh tế tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều bất cập, gây lãng phí. “Bộ Quốc phòng kiên quyết giải quyết vấn đề này. Dù vậy, đất quốc phòng cũng có những đặc thù riêng, nếu cần thiết sẽ phải bỏ không chứ không thể nói là lãng phí. Không thể nói vì kinh tế hết hoặc là vì quốc phòng hết mà phải hài hòa. Xây dựng, phát triển mà không bảo vệ được thì cũng không có ý nghĩa” – Thứ trưởng Trần Đơn nói và cho biết Bộ Quốc phòng đang quy hoạch lại vị trí đóng quân của các đơn vị cho phù hợp hơn. Bộ Quốc phòng cũng sẽ chỉ đạo rà soát việc sử dụng đất quốc phòng cho mục đích kinh tế trên toàn quốc, chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, thanh tra; thường xuyên kiểm tra pháp lý của các doanh nghiệp quốc phòng, đăng ký và chịu sự kiểm tra của địa phương, không để xảy ra khiếu kiện, khiếu nại phức tạp.
Phải nghiêm túc chấp hành
Để công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong thời gian tới của các đơn vị chặt chẽ, đúng quy định, Thượng tướng Trần Đơn cho biết Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan quân đội chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 1002 năm 2016 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. “Nội dung này, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo cụ thể cho từng đơn vị đóng quân tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để thực hiện nghiêm túc và giải quyết triệt để. Hay nói cách khác, bộ sẽ quy hoạch và tổ chức lại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất theo hướng an toàn, an ninh, văn minh, hiện đại” – ông Đơn thông tin.
Cũng theo Thượng tướng Trần Đơn, Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu các đơn vị không được ký kết mới các hợp đồng cho thuê nhà đất, kho bãi trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mà phải tập trung giải quyết những tồn tại. Chấm dứt việc liên doanh, liên kết trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để tập trung cho việc quy hoạch lại. Đây là quyết tâm cao của Thường vụ Quân ủy Trung ương. Tập trung thu hồi các dự án không có chủ trương, nhất là các hợp đồng cho thuê kho chứa hàng hóa trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Cách đây 2 năm, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo làm một lần nhưng chưa triệt để. Đây là vấn đề bảo đảm an toàn cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Nêu quan điểm về việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kinh tế tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thông tin đối với các phương án mà Bộ Quốc phòng phê duyệt thì tiếp tục thực hiện đến khi hết hợp đồng.
Ngoài ra, đối với các điểm đất đơn vị đã ký hợp đồng với diện tích nhỏ, không kinh doanh kho hàng, có hiệu quả kinh tế, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ, công tác quản lý chặt chẽ thì cho phép giữ nguyên hiện trạng sử dụng và sẵn sàng thu hồi ngay khi có yêu cầu nhưng phải kiểm tra chấn chỉnh lại, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, Bộ Quốc phòng và TP. “Điểm nào hết hợp đồng thì thu hồi, tiến dần đến việc chấm dứt tình trạng thuê mướn đất quốc phòng. Các đơn vị phải nghiêm túc chấp hành” – ông Đơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng còn đề nghị TP và UBND quận Tân Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương phối hợp Quân chủng Phòng không – Không quân và Sư đoàn Không quân 370 giải tỏa 50 ki-ốt dọc đường Trường Chinh để tạo hành lang thông thoáng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; không để tái lấn chiếm, bảo đảm mỹ quan đô thị. Riêng 3 cây xăng thuộc quân đội nằm xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng cũng cho thu hồi. “Sau khi giải tỏa xong, bộ sẽ bàn giao cho quận Tân Bình quản lý” – ông Đơn nói.

Thu hồi đất sân golf vào bất cứ lúc nào

Liên quan đến sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Thượng tướng Trần Đơn cho biết Bộ Quốc phòng chấp hành rất nghiêm túc và đã báo cáo Chính phủ. “Sân golf thực chất là đất quốc phòng. Nếu Chính phủ, Bộ GTVT quyết định thu hồi thì có thể thực hiện bất cứ lúc nào, không vấn đề gì cả” – ông Đơn khẳng định. Theo ông, từ năm 2014 đến nay, Bộ Quốc phòng đã bàn giao và dự kiến bàn giao đất quốc phòng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 52,2 ha. Trong đó, bàn giao cho TP HCM gần 12 ha, Bộ GTVT khoảng 40,2 ha, phục vụ triển khai quy hoạch kết nối giao thông, xây dựng hồ điều tiết nhằm giảm ùn tắc giao thông và chống ngập nước tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; cải tạo nâng cấp đường lăn, sân đỗ tàu bay hàng không dân dụng, quy hoạch nhà ga hành khách.

Nguồn NLĐ-TT