VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Chấm dứt thời kỳ mất mát của doanh nghiệp nhà nước – Bài 2: Chuyện gì đang xảy ra?

    Khi nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp tục ghi dấu ấn rõ nét và đáng kể trong nền kinh tế, thì các doanh nghiệp nhà nước vẫn loay hoay với nỗi lo làm thế nào để không sai.
Có nhiều nguyên nhân khiến vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp kém hiệu quả, khiến doanh nghiệp nhà nước không hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của khu vực nắm trong tay nguồn lực lớn của đất nước, khiến uy tín của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế giảm sút nhiều. Cần phải tư duy lại về doanh nghiệp nhà nước để chấm dứt thời kỳ mất mát này.
    Với cơ chế hiện hành, Viettel hay bất cứ doanh nghiệp nhà nước nào không dễ làm được điều họ mong muốn, dù đó là những điều nền kinh tế đang cần.
Bài 2: Chuyện gì đang xảy ra?
Vô vàn nút thắt đang bó buộc hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, khiến những người đứng đầu các doanh nghiệp này luôn né tránh để vì sợ làm sai.
Tâm tư của “sếu lớn”
Đầu tháng 4/2021, thông tin về tỷ phú người Việt trong danh sách của Forbes 2021 được truyền thông trong nước làm đậm. Đó là đầu tiên, Việt Nam được ghi nhận 6 tỷ phú đô la.
So với năm ngoái, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đứng đầu, nhưng khối tài sản đã tăng từ 5,6 tỷ USD lên 7,3 tỷ USD cùng với nhiều kế hoạch bứt phá. Mới nhất là thông tin VinFast đang tính chuyện IPO hay hình thức sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC) tại Mỹ, sau khi đã được cấp chứng chỉ thử nghiệm xe điện tự lái tại California…
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo không chỉ giữ được vị trí thứ 2 trong danh sách trên liên tục 5 năm, mà ghi thêm dấu ấn đặc biệt, khi là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á, nữ doanh nhân Việt Nam đầu tiên được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp…
Những thông tin trên có thể không phải là mối quan tâm của khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng với các chuyên gia kinh tế thì có. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cảm thấy sự trỗi dậy của các tập kinh tế tư nhân vô cùng có ý nghĩa với nền kinh tế.
“Họ đang tạo nền tảng vững vàng để tăng giá trị cho cả thương hiệu, doanh nghiệp và cá nhân doanh nhân, nhưng quan trọng là theo những xu hướng phát triển của tương lai, chứ không đơn giản là khai thác mọi cơ hội, tất cả vì lợi nhuận như giai đoạn trước”, ông Thiên chia sẻ sự ủng hộ với những chiến lược phát triển mới của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân.
Nếu nhìn ở góc độ này, các doanh nghiệp nhà nước dường như đi sau, dù là những người xuất phát trước trong nhiều ngành, lĩnh vực. Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel thực sự đau đáu với thực trạng này.
Có thể nói ngay, ở Việt Nam, Viettel không có đối thủ, ở cả góc độ thị phần, doanh thu, lợi nhuận. Năm 2020, Viettel lần đầu tiên giành Giải thưởng Doanh nghiệp có nhiều sản phẩm đạt giải thưởng nhất tại IT World Awards, cùng với những tên tuổi lớn như Samsung, Ultimate Software Dell, Cisco… Nhưng để nói Viettel có đi nhanh hơn, bứt phá và tiên phong hơn nữa trong cơ hội của nền kinh tế số, thời đại chuyển đổi số hay không, thì ông Dũng không dám nói nhiều.
“Doanh nghiệp tư nhân có thể quyết làm ô tô, làm xe điện, mua bán ở nước ngoài ngay, còn chúng tôi thì không. Để cung cấp được dịch vụ thu phí không dừng, chúng tôi phải xin tới tận Thủ tướng Chính phủ, thời gian là 2 năm. Muốn dừng ngành gì, cũng phải xin, chưa kể phải xin quyết định đầu tư từng dự án, chứ đừng nói đến việc mua vài chục phần trăm cổ phần của doanh nghiệp ở nước ngoài…”, ông Dũng trăn trở, chia sẻ tâm tư.
Cách đây không lâu, Viettel đã tiết lộ muốn thoái vốn khỏi thị trường Pêru, nhưng làm được hay không thì ông Dũng nói, chưa biết bắt đầu từ đâu cho đúng. “Việc thoái vốn ở Pêru sẽ theo quy định nào, quy trình thế nào? Chúng tôi đã có một số đối tác chiến lược muốn tiếp cận phần vốn đó, nhưng họ chỉ cho chúng tôi chuẩn bị thủ tục khoảng một quý. Nghe vậy, chúng tôi biết là khó rồi”, ông Dũng chia sẻ tâm tư.
Câu hỏi khó nhất là ai chịu trách nhiệm
Đầu tháng 4/2021, tại Hà Nội, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đã có một cuộc hội thảo về cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước. Mục đích là tìm phương án cho nhiệm vụ được giao là sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất – kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) sau 5 năm triển khai thực hiện. Tham dự có nhiều gương mặt quen thuộc, từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước… và cả giới chuyên gia nghiên cứu nước ngoài tham gia trực tuyến.
Trong phần phát biểu đề dẫn, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến kỳ vọng sẽ cùng các chuyên gia bắt mạch được đâu là nội dung chính, đột phá cần phải sửa đổi, bổ sung, để cả chủ sở hữu nhà nước và doanh nghiệp đều an âm thực hiện trách nhiệm của mình.
“Chúng tôi xác định, quy định phải rõ để không ai sợ trách nhiệm, không ai trốn tránh trách nhiệm và cũng vì sợ sai mà không làm”, ông Tiến chia sẻ.
Nhưng có lẽ đại diện các doanh nghiệp nhà nước có mặt hôm đó chưa bức xúc ngay với những nội dung mà ông Tiến đề cập, họ cần những câu trả lời cụ thể hơn. “Dự án nhóm B thì Tập đoàn phải trình cơ quan chủ sở hữu nhà nước, vậy nhóm B của doanh nghiệp cấp 2 có phải trình không? Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp chủ động thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, doanh nghiệp nhà nước có phải xin không?…”, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt ngay các vấn đề đang vướng khi được đề nghị phát biểu.
Không chỉ đại diện EVN quan tâm đến những sự vụ như vậy. Một số ý kiến đề nghị xem lại quy định giới hạn tỷ lệ huy động vốn không quá 3 lần vốn điều lệ áp dụng chung cho các doanh nghiệp, trong khi nhu cầu rất khác nhau tùy theo các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Số khác kiến nghị xem lại cách xếp hạng A, B, C của doanh nghiệp nhà nước, vì hiện tại, doanh nghiệp chỉ sai sót nhỏ thôi cũng bị đánh tụt hạng, ảnh hưởng rất lớn.
“Tiền lương đã bị giới hạn trần, phải trình duyệt, nên có lãi nhiều cũng không được trả lương cao. Nhưng chỉ vì một khoản nợ thuế rất nhỏ vài triệu đồng do sơ suất, bị phạt chậm, doanh nghiệp bị xếp hạng B, thế là tiền thưởng bị giảm đi đáng kể, người lao động thua thiệt. Các chuyên gia cứ nói mãi về việc để doanh nghiệp nhà nước tự chủ tiền lương mà mấy năm rồi vẫn vậy”, ông Khoa giải thích với sự đồng cảm lớn với các doanh nghiệp nhà nước khác.
Cơ quan đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp cũng ấm ức không kém khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo quy định của Luật số 69, có 10 nhóm ngành, lĩnh vực người đại diện vốn nhà nước phải báo cáo chủ sở hữu trước khi biểu quyết, nhưng dòng cuối cùng của quy định này là “các vấn đề khác nếu có”.
Khi bàn luận về cơ chế nào để doanh nghiệp nhà nước trở thành sếu đầu đàn, để thực hiện được vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã phải thẳng thắn thừa nhận là rất khó, vì thực tế không ai dám làm gì, vì không biết bỏ qua cái khác thế nào, nên tốt nhất là cái gì cũng xin ý kiến.
“Nhiều khi cơ quan chủ sở hữu trả lời cũng dở, không trả lời cũng dở, nhưng trả lời thì người đại diện không dám chủ động làm, doanh nghiệp vì vậy mà bị ảnh hưởng”, ông Tùng nói.
Thực ra, đây cũng chỉ là một ý nhỏ trong vô vàn nút thắt đang bó buộc hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, song thể hiện rất rõ những rối rắm trong cơ chế hoạt động của khu vực này.
Để chọn được người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một quy trình 5 bước rất chặt chẽ được quy định rất chi tiết, với mục tiêu đảm bảo chất lượng, trình độ theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Nhưng sau khi những con người tạm cho là xuất sắc được chọn, làm gì họ vẫn phải xin phép.
Dưới góc độ quản trị kinh doanh, cơ chế trên rõ ràng không thể tạo đủ áp lực và động lực để người quản lý doanh nghiệp nhà nước tối đa hóa giá trị tài sản, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, giới chuyên gia từng phân tích, hiếm người đủ cẩn trọng và trách nhiệm đưa ra các quyết định đầu tư tối ưu nhất trong cơ chế đó, nhưng lại rất nhiều dư địa cho sự lạm dụng trong chi tiêu, trục lợi từ tài sản nhà nước.
Sai phạm trong các vụ đại án đã được phát hiện là ví dụ điển hình, như mua sắm tài sản cũ nát, công nghệ lạc hậu với giá trị thanh toán gấp nhiều lần giá trị thực. Có lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đã bị kết tội vì thực hiện đầu tư bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả đầu tư, bởi mua sắm càng lớn thì cơ hội tư lợi càng cao…
Không chỉ các nguồn lực vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước bị lãng phí bởi quá trình xin phép, trình duyệt và cả nỗi sợ trách nhiệm không biết thuộc về ai, mà nguồn nhân lực trong khu vực này cũng mất mát đi nhiều…
“Ông chủ” Nhà nước thực sự muốn gì?
Đề nghị rất ngắn gọn của Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề “Đối thoại 2045” hồi đầu tháng 3/2021 khiến TS. Trần Đình Thiên cảm thấy thực sự bức xúc thay cho doanh nghiệp nhà nước. Ông Vượng nói cần cơ chế, chính sách cho khu vực doanh nghiệp nhà nước để dám nghĩ, dám làm, cạnh tranh bình đẳng như doanh nghiệp tư nhân.
Thực ra, đây không phải lần đầu ông Thiên bức xúc về điều này. Hơn thế, ông cũng thường né tránh vấn đề về sở hữu khi chia sẻ ấn tượng về sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt quy mô lớn. Trong nhóm này, Viettel luôn có mặt cùng Vingroup, TH True Milk, Thaco, Vietjet… như những minh chứng đang làm nên hình hài của kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Lý giải, ông Thiên nói đặc biệt ấn tượng với tầm nhìn của những người lãnh đạo Viettel, khi giải bài toán cạnh tranh bằng chiến lược đầu tư ra nước ngoài, bằng định hướng đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ cao… Thậm chí, Viettel là một trong số ít doanh nghiệp Việt đang nói về công nghiệp vũ trụ – lĩnh vực mà các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang giành nhau thứ hạng…
Song ông Thiên cũng thừa nhận, với cơ chế hiện hành, Viettel hay bất cứ doanh nghiệp nhà nước nào không dễ làm được như họ mong muốn, dù đó là những điều nền kinh tế đang cần.
“Tại sao để doanh nghiệp nhà nước tuân thủ và được thực hiện theo nguyên tắc thị trường lại khó đến vậy? Vì doanh nghiệp nhà nước là công cụ điều tiết, hay vì không thể rành mạch về quyền tài sản của doanh nghiệp nhà nước? Tôi không tin là không thể làm được, vấn đề là có quyết làm không”, ông Thiên đặt vấn đề.
Ông muốn đặt câu hỏi này cho “ông chủ” Nhà nước!
Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII, khi đánh giá về những vướng mắc, bất cập của cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, đã ghi rõ là: “tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tham nhũng, lãng phí; không rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; quyền hạn chưa gắn với trách nhiệm trong quản trị, điều hành doanh nghiệp nhà nước; thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực”.

Nguồn baodautu,vn-TT