VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/1/2021

      – Đảm bảo cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021; chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau khi sáp nhập; rà soát kỹ biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19; thận trọng trong đưa người nhập cảnh vào Việt Nam;… là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/1/2021.
   Ảnh minh họa
Đảm bảo cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể, bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc thông suốt trong quá trình chuẩn bị, tổ chức bầu cử, đặc biệt trước và trong ngày bầu cử 23/5/2021.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kế hoạch, phương án triển khai lực lượng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; chủ động sẵn sàng lực lượng phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự tại những địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh; chỉ đạo và hướng dẫn các lực lượng quân đội, công an tham gia cuộc bầu cử.
Bộ Tài chính bố trí kinh phí kịp thời để các cơ quan Trung ương, các địa phương thực hiện công tác bầu cử; hướng dẫn việc lập dự toán, quyết toán và kiểm tra việc sử dụng kinh phí bầu cử; bảo đảm kinh phí được sử dụng đúng mục đích, yêu cầu, tiết kiệm và hiệu quả.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi tình hình, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19; chủ động xây dựng các phương án nhằm kịp thời ứng phó với những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra ở một số khu vực trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021
Nghị quyết số 195/NQ-CP nêu, Chính phủ thống nhất phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển; yêu cầu từng Thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020, khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách; tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, trong đó phấn đấu điều hành tăng trưởng kinh tế đạt từ 6-6,5%; tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động tiếp thu và xử lý các kiến nghị của địa phựơng theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; kịp thời, quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau khi sáp nhập
Chính phủ ban hành Nghị quyết 04/NQ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 8 Mục III Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 ban hành kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ.
Theo đó, các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn sau khi sáp nhập thực hiện theo nguyên tắc dự toán đối với từng Bộ, cơ quan Trung ương, từng địa phương không thay đổi.
Trong đó, đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện chỉ thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại địa bàn huyện nghèo trước khi sáp nhập.
Đối với sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn chỉ thực hiện các chính sách đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại địa bàn xã, thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn trước khi sáp nhập.
Rà soát kỹ biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ các biện pháp, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực, địa bàn; phân công cán bộ xử lý công việc thay các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tham gia Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thận trọng trong đưa người nhập cảnh vào Việt Nam
Do xuất hiện chủng mới của virus COVID-19 lây lan nhanh hơn ở nhiều nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ nay đến Tết Nguyên Đán, trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về nước phải được các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu
Theo Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đề án đã đưa ra 7 nội dung cải cách gồm: 1- Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; 2- Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; 3- Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; 4- Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; 5- Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp; 6- Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; 7- Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.
Quản lý giao dịch tài chính bất hợp pháp qua cổng thanh toán quốc tế
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với một số Bộ nghiên cứu sớm có biện pháp quản lý tình trạng giao dịch tài chính bất hợp pháp, trốn thuế qua các cổng thanh toán quốc tế hoạt động trái pháp luật.
Nguồn (Chinhphu.vn)-TT