VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 14-18/6/2021

    – Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19; bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống của công nhân lao động; cơ chế đặc thù gỡ vướng nguồn vật liệu xây dựng cao tốc Bắc-Nam… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 14-18/6/2021.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19
     Tại Thông báo 160/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt với các nhà khoa học, các đơn vị doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách trên tinh thần bám sát thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine.
Thủ tướng tặng Bằng khen 29 tập thể, cá nhân có thành tích phòng, chống dịch COVID-19
Cụ thể, tại Quyết định 961/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể và 4 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Tại Quyết định 965/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc Công an tỉnh Hải Dương, Bộ Công an, đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 969/QĐ-TTg tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 3 tập thể và 7 cá nhân thuộc Bộ Y tế đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ưu tiên lưu thông nhanh chóng xe chở vải thiều từ Bắc Giang
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương không “ngăn sông, cấm chợ” đối với phương tiện của các tỉnh, thành phố đang có dịch bệnh lưu thông khi đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định; chỉ đạo các sở, ban, ngành có phương án ưu tiên lưu thông nhanh chóng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đối với các phương tiện vận chuyển vải thiều từ tỉnh Bắc Giang để kịp thời tiêu thụ sản phẩm.
Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống của công nhân lao động
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 và kịp thời tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch COVID-19.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động; phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho đối tượng là người lao động có thu nhập thấp, người dân ở vùng khó khăn. Tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, lao động và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân. Có biện pháp ngăn ngừa công nhân lao động tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”, đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động.
Cơ chế đặc thù gỡ vướng nguồn vật liệu xây dựng cao tốc Bắc-Nam
Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công).
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Dự án đường cao tốc đi qua được thực hiện một số “cơ chế đặc thù” sau đây:
Được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXDTT đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công Dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho Dự án đường cao tốc.
Đối với các mỏ khoáng sản làm VLXDTT (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm nhóm mục tiêu đến năm 2025 được đề ra trong Chiến lược gồm: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan Nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.
Chiến lược đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, gồm: 1- Hoàn thiện môi trường pháp lý; 2- Phát triển hạ tầng số; 3- Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; 4- Phát triển dữ liệu số quốc gia; 5- Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; 6- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
Nghị định số 58/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng, tong đó, Nghị định quy định cụ thể điều kiện cấp giấy chứng nhận hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.
Nghị định nêu rõ: Công ty thông tin tín dụng chỉ thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận.
Một trong các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận là: Có hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu tối thiểu sau: Có tối thiểu 2 đường truyền số liệu, mỗi đường truyền của 1 nhà cung cấp dịch vụ; có cơ sở hạ tầng thông tin có khả năng tích hợp, kết nối được với hệ thống thông tin của tổ chức tham gia; có hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, hệ thống phần mềm tin học và các giải pháp kỹ thuật có khả năng thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng đối với tối thiểu 5.000.000 khách hàng vay; có phương án bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin; có phương án dự phòng thảm họa, bảo đảm không bị gián đoạn các hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng quá 4 giờ làm việc.
Bên cạnh đó, có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng; có người quản lý doanh nghiệp, thành viên ban kiểm soát đáp ứng yêu cầu…
Thanh tra Chính phủ khẩn trương chỉ đạo kết thúc các cuộc thanh tra kéo dài quá thời hạn
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ khẩn trương chỉ đạo kết thúc các cuộc thanh tra đã kéo dài quá thời hạn quy định và sớm ban hành kết luận thanh tra; đồng thời, thực hiện việc kiểm tra, xử lý sau thanh tra theo quy định đối với các cuộc thanh tra đã ban hành kết luận thanh tra, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có biểu hiện cố tình trì hoãn, không thực hiện kết luận thanh tra thì phải kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nguồn (Chinhphu.vn)-TT