– Tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; Thủ tướng chỉ thị đẩy nhanh giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Bắc – Nam; điều tra vụ nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 18-22/3/2019.
Tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2019.
Theo đó, về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành. Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tại các phiên họp của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ việc tiếp thu ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo và các vấn đề quan trọng khác của dự án luật; các Bộ, cơ quan ngang bộ nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu và giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xem xét, cho ý kiến đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng chỉ thị đẩy nhanh GPMB đường bộ cao tốc Bắc – Nam
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 07/CT-TTg về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để triển khai các nhiệm vụ về công tác giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra và chỉ đạo Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các cơ quan chức năng cung cấp đủ, kịp thời các tài liệu cần thiết và tiến độ thực hiện dự án cũng như kế hoạch phân bổ vốn cho công tác GPMB; tổ chức triển khai ngay công tác cắm mốc GPMB, mốc lộ giới theo hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB được phê duyệt
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ
Chính phủ ban hành Nghị định 29/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Trong đó Nghị định quy định cụ thể việc ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Theo đó, tiền ký quỹ được sử dụng để thanh toán tiền lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bồi thường cho người lao động thuê lại trong trường hợp doanh nghiệp cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với người lao động thuê lại hoặc gây thiệt hại cho người lao động do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thuê lại.
Doanh nghiệp cho thuê thực hiện thủ tục nộp tiền ký quỹ theo đúng quy định của ngân hàng và tuân thủ quy định của pháp luật.
Quy định giải quyết tố cáo trong Quân đội
Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2019/NĐ-CP quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.
Nghị định này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; bảo vệ người tố cáo, người được bảo vệ; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.
Khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030. Mục tiêu của Đề án là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.
Xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, trong đó quy định về xây dựng tủ sách pháp luật điện tử.
Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và quản lý thống nhất, được vận hành, khai thác, sử dụng chung trong phạm vi toàn quốc theo hướng tích hợp với Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, bảo đảm thuận tiện, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật của cá nhân, tổ chức.
Nội dung hoạt động của Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia: Cập nhật, khai thác các dữ liệu thành phần sách, tài liệu pháp luật được phân chia theo lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cung cấp thông tin, giới thiệu nội dung sách, tài liệu pháp luật; thông tin, giới thiệu hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2025, đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 đến 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%; giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015 – 2018; đảm bảo 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng;…
Bộ ngành, địa phương hoàn thiện Cổng TTĐT, trong đó có Chuyên mục tiếp cận thông tin
Để tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả Luật tiếp cận thông tin, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung của Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân; tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng cung cấp thông tin cho đội ngũ công chức, đặc biệt là các công chức làm đầu mối cung cấp thông tin.
Các bộ ngành, địa phương cần bố trí cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho việc cung cấp thông tin; hoàn thiện và vận hành Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử, trong đó có Chuyên mục về tiếp cận thông tin, thường xuyên đăng tải, cập nhật các thông tin theo quy định của pháp luật; tiến hành lập, cập nhật Danh mục thông tin theo quy định phải được công khai và Danh mục thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện. Đồng thời, chú trọng công tác số hóa các văn bản, hồ sơ, tài liệu và kết nối với mạng điện tử trên toàn quốc để công dân có thể truy cập thông tin dễ dàng từ các hệ thống khác nhau, tăng cường cung cấp thông tin qua mạng điện tử.