Ảnh minh họa
Thủ tướng chỉ thị thực hiện nghiêm số lượng, cơ cấu thành viên UBND các cấp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 23/CT-TTg yêu cầu thực hiện nghiêm quy định số lượng, cơ cấu và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân các cấp.
Chỉ thị cũng nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân làm trái quy định về số lượng, cơ cấu và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên Ủy ban nhân dân các cấp phải bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật.
Tăng cường công tác chăm sóc người có công
Tại Chỉ thị 21/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả nhất là những bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, ban hành Luật Ưu đãi người có công với cách mạng.
Đồng thời hoàn thiện Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để trình cơ quan có thẩm quyền trong năm 2018; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết căn bản số hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo quy trình ban hành tại Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3 /2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xác nhận và thực hiện giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án về xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Bổ sung cơ chế tài chính-ngân sách đặc thù cho Thủ đô

Theo Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, dự toán chi ngân sách của TP. Hà Nội được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, để việc vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của từng địa phương, Luật Ngân sách nhà nước quy định mức dư nợ vay của Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Quy định này đã gắn mức huy động với nguồn thu ngân sách, khả năng trả nợ nhằm giúp Thành phố có thể huy động thêm nguồn lực đầu tư vào những dự án, công trình, kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật quan trọng. Các khoản vay được tính trong bội chi ngân sách của Thành phố và do Quốc hội quyết định hằng năm, nên vẫn kiểm soát được khả năng trả nợ của ngân sách Thành phố.
Chính sách đặc thù cho nuôi trồng, khai thác dược liệu
Tại Nghị định số 65/2017/NĐ-CP, Nhà nước ưu đãi về đất đai; hỗ trợ sản xuất giống, hỗ trợ áp dụng công nghệ nuôi trồng và khai thác dược liệu… cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi trồng, khai thác dược liệu trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo Nghị định 69/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác về: Mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục; quy chế thi, tuyển sinh và văn bằng, chứng chỉ; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị trường học; bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình

Chính phủ ban hành Nghị định 66/2017/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Nghị định này quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Đưa chất khác vào xăng dầu để trục lợi bị phạt tới 100 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, thay thế Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013. Theo đó, phạt tiền từ 60 – 100 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cách pha trộn hoặc đưa các chất khác vào xăng dầu để trục lợi.

Phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; bán cao hơn giá niêm yết do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định.

Kiểm tra việc đóng tàu cá theo Nghị định 67
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, kiểm tra, làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến hoạt động đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
15 tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 với 15 tiêu chí. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức, thực hiện và hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện.

Xử lý nghiêm hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Không cần cấp phép phổ biến bài hát đã quen thuộc
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.
Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Nguồn chinhphu.vn-TT