VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 26-30/10/2020

          – Trong tuần qua, tình hình mưa bão, lũ lớn lịch sử trên diện rộng, bão chồng bão, lũ chồng lũ gây thiệt hại nặng cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo kịp thời, khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 9, công tác tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống.
     Ảnh minh họa
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1470/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan triển khai ứng phó khẩn cấp với bão MOLAVE (bão số 9). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương Tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo, nhất là bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú; an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, hoạt động nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hoạt động khác trên biển; rà soát phương án, chủ động sơ tán người, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm trên biển, đảo vào đất liền…
Thủ tướng cũng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn làm Trưởng ban.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1500/CĐ-TTg và Công điện 1503/CĐ-TTg ngày 29/10 yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bằng mọi cách, mọi phương tiện đưa lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn tiếp cận nhanh nhất đến các khu vực bị sạt lở có người bị vùi lấp. Khẩn trương huy động các lực lượng tại chỗ, triển khai mọi phương án, hướng tiếp cận như di chuyển bằng đường mòn, đường rừng, đường bộ, đường thủy, phương tiện bay,… để tiếp cận, tổ chức cứu nạn và cấp cứu những người còn sống sót.
Thông báo 371/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sạt lở và bão số 9 gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn (giãn, hoãn, xóa nợ,…) cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ lớn và bão số 9 gây ra theo quy định của pháp luật. Các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chủ động xuất cấp hàng từ nguồn dự trữ quốc gia theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp kịp thời cho các địa phương, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất.
Tại văn bản 372/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là phải tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp ở địa phương. Bằng mọi biện pháp phải tiếp cận hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở rà soát, nắm rõ từng hộ dân, người dân cần được cứu trợ khẩn cấp, chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, điều phối việc cứu trợ để bảo đảm tiền, hàng cứu trợ trực tiếp đến tận tay người dân.
Tại Quyết định 1676/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp bổ sung không thu tiền 6.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình 2.500 tấn; Quảng Trị 2.000 tấn; Thừa Thiên Huế 1.000 tấn và Quảng Nam 1.000 tấn để cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ.
Tại Quyết định số 1650/QĐ-TTg ngày 24/10/2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 6,7 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế để cấp cho các đơn vị phòng, chống dịch bệnh.
Còn tại Thông báo 370/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong chuyến công tác chỉ đạo, kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại một số tỉnh duyên hải miền Trung, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 20 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam, 20 tỷ đồng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và 40 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Trị từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 để tập trung hỗ trợ cho các huyện: Tây Giang, Phong Điền, Hướng Hoá và Đắk Krông (đây là các huyện thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua).
Nhiệm vụ, cơ chế hoạt động Công ty Mua bán nợ Việt Nam
Trong tuần, Chính phủ đã ban hành Nghị định 129/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Trong đó, DATC có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản; mua, xử lý các khoản nợ và tài sản trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại DATC; ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường.
Kiểm tra phản ánh về xã hội hóa trung tâm đăng kiểm
Báo Kinh tế đô thị điện tử ra ngày 20/10/2020 có bài phản ánh về việc “Xã hội hóa trung tâm đăng kiểm: Nảy sinh nhiều mặt trái”; trong đó có nội dung về việc xuất hiện ồ ạt trung tâm đăng kiểm đang bộc lộ nhiều bất cập trong công tác quản lý. Đáng lo ngại nhất là hiện tượng trung tâm đăng kiểm kém chất lượng, thậm chí tiêu cực. Để công tác đăng kiểm phát triển lành mạnh theo quy luật kinh tế thị trường, đòi hỏi phải nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, xử lý và trả lời cho báo Kinh tế đô thị biết.
Triển khai nhiệm vụ bảo đảm TTATGT quý IV/2020
Để khắc phục ngay các tồn tại của 9 tháng đầu năm và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm TTATGT quý IV năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực Kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe”, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, đồng thời tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc phân phối gạo hỗ trợ cho học sinh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, định mức quy định.
Tăng cường năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ tăng cường năng lực sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách dân tộc, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
Nâng tổng thời lượng phát sóng trên 4 kênh VTV5, VTV5 Tây Nam Bộ, VTV5 Tây Nguyên và VTV5 Tây Bắc lên 96 giờ/ngày (mỗi kênh 24 giờ/ngày), trong đó tổng thời lượng sản xuất chương trình mới của 4 kênh đến năm 2025 là 13 giờ 30 phút/ngày/4 kênh. Nâng tổng số ngôn ngữ sản xuất, phát sóng lên 27 (tăng 04 ngôn ngữ so với hiện nay).
2 huyện, thành phố của tỉnh Phú Thọ cán mốc nông thôn mới
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định công nhận huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và thành phố Việt Trì, Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Nguồn (Chinhphu.vn)-TT