Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 4-9/4/2021
– Thủ tướng phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao; hình thành văn hóa chủ động phòng, chống thiên tai; xây dựng lâm nghiệp thành ngành kinh tế – kỹ thuật hiện đại… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 4-9/4/2021.
Lãi suất vay ưu đãi mua nhà ở xã hội 4,8%/năm
Theo Quyết định số 532/QĐ-TTg, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 là 4,8%/năm.
Thủ tướng phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh
Đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Đó là muc tiêu của Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình).
Mục tiêu của Chương trình là đầu tư, hỗ trợ các tác giả, nhóm tác giả, hoạt động sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số) và hoạt động báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương để có thêm nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú, đa dạng về loại hình và ngôn ngữ thể hiện, có giá trị định hướng thẩm mỹ và hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; tập trung chủ yếu vào những đề tài đang được xã hội quan tâm
Ở địa phương, ngoài việc sáng tác, sưu tầm, bảo vệ bản sắc văn hóa, văn học nghệ thuật vùng, miền, chú trọng sáng tác các đề tài phản ánh về cuộc sống tại địa phương; những đổi mới góp phần thu hẹp khoảng cách về đời sống kinh tế, nhận thức xã hội, của các địa phương, vùng sâu, vùng xa với thành thị trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương, ưu tiên tập trung vào các đề tài lớn.
Hình thành văn hóa chủ động phòng, chống thiên tai
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.
Mục tiêu cụ thể đến hết năm 2025, nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan tới các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.
Xây dựng lâm nghiệp thành ngành kinh tế – kỹ thuật hiện đại
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chiến lược phấn đấu đến năm 2050, ngành lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao; phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới; công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ đa dạng, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu rộng trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển bền vững đất nước.
Về kinh tế: Phát triển lâm nghiệp bền vững, hội nhập quốc tế, phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản hàng đầu của thế giới với công nghệ hiện đại.
Về môi trường: Quản lý rừng bền vững, bảo tồn lâu dài tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Phấn đấu tăng trưởng khu vực dịch vụ 7-8%
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu cụ thể của Chiến lược là tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 7 – 8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm khoảng 50% GDP.
EVN đặt mục tiêu tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%
Theo Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phát triển thành Tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả. Tập đoàn hoạt động theo cơ chế thị trường; cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
Mục tiêu đề ra của EVN là kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm có hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần. Tỷ lệ tự đầu tư lớn hơn 30%. Khả năng thanh toán ngắn hạn lớn hơn hoặc bằng 1 lần.
Chủ trương đầu tư hạ tầng kỹ thuật 6 KCN
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Bá Thiện – phân khu I, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc; khu công nghiệp Thế Kỷ; khu công nghiệp Sông Đốc phía Nam; khu công nghiệp Hoa Lư, tỉnh Bình Phước; khu công nghiệp sạch Sóc Sơn; khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu. Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cấp bách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch./.