Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất
Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được phân loại bao gồm: Vùng hạn chế 1; Vùng hạn chế 2; Vùng hạn chế 3; Vùng hạn chế 4; Vùng hạn chế hỗn hợp.
Nghị định cũng quy định các biện pháp hạn chế khai thác trong từng vùng hạn chế.
Phân loại trang thiết bị y tế dựa trên mức độ rủi ro
Chính phủ ban hành Nghị định 169/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó sửa đổi quy định về loại, nguyên tắc phân loại trang thiết bị y tế.
Cụ thể, trang thiết bị y tế gồm 2 nhóm được phân làm 4 loại dựa trên mức độ rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thiết kế kỹ thuật và sản xuất các trang thiết bị y tế đó.
Quy định khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám
Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động viễn thám, trong đó quy định rõ việc cung cấp, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám.
Nghị định quy định thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám, sản phẩm viễn thám là tài sản công được cung cấp, khai thác, sử dụng dưới dạng bản sao hoặc dưới dạng xuất bản phần mềm điện tử. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám có trách nhiệm về nguồn gốc của bản sao.
Tổ chức cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc, tính chính xác, đầy đủ của thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám do mình cung cấp.
Việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám thực hiện theo 3 hình thức: 1 – Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám qua Trang thông tin hoặc Cổng thông tin điện tử hoặc kết nối, truy nhập, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu viễn thám của cơ quan quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám; 2- Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám thông qua phiếu yêu cầu; 3- Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám bằng hình thức hợp đồng giữa đơn vị quản lý thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám và bên khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám theo quy định của pháp luật.
Phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Việt Nam theo mô hình công ty mẹ – con trên cơ sở sắp xếp lại SGDCK Hà Nội và SGDCK TP Hồ Chí Minh nhằm thống nhất thị trường giao dịch chứng khoán, bảo đảm thị trường hoạt động hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch.
SGDCK Việt Nam hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước dưới hình thức công ty mẹ – công ty con do Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, có trụ sở chính đặt tại Hà Nội.
SGDCK Hà Nội và SGDCK TP Hồ Chí Minh là các công ty con do SGDCK Việt Nam đầu tư 100% vốn, hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân.
SGDCK Việt Nam có mức vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, được điều chuyển từ vốn điều lệ của SGDCK Hà Nội và SGDCK Tp. Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động, SGDCK Việt Nam thực hiện tăng hoặc giảm vốn điều lệ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường thể lực, phòng chống bệnh cho trẻ em
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 – 2025”.
Mục tiêu Đề án là nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh nhằm dự phòng các bệnh không lây nhiễm; thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp đối với trẻ em, học sinh, sinh viên.
Thay đổi chính sách giá điện mặt trời
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, Quyết định sửa đổi quy định về giá điện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Theo quy định mới, các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định như đối với dự án điện mặt trời nối lưới. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí.
Áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước mới từ ngày 5/3
Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 5/3/2019.
Bộ tiêu chí là cơ sở để đánh giá chất lượng thống kê, thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng và hiệu quả hoạt động thống kê Nhà nước, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thống kê, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê Nhà nước.
Thí điểm xây dựng Nam Đàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 – 2025” với mục tiêu nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nam Đàn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”, góp phần tạo ra sức lan tỏa trên toàn quốc.
13 tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Theo đó, tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em gồm 13 tiêu chí với tổng số điểm tối đa là 1.000 điểm.
Cụ thể, 13 tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em bao gồm: 1- Nguồn lực thực hiện quyền trẻ em; 2- Trẻ em được khai sinh đúng quy định; 3- Trẻ em bị xâm hại; 4- Trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy; 5- Trẻ em bị tai nạn, thương tích; 6- Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 7- Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các lại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; 8- Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thẻ nhẹ cân và thể thấp còi; 9- Trẻ em được khám sức khỏe định kỳ; 10- Trẻ em đến trường, lớp mần non; 11- Trẻ em được thực hiện quyền tham gia của trẻ em; 12- Hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể dục, thể thao dành cho trẻ em; 13- Mức độ hài lòng của trẻ em và người dân về việc thực hiện quyền trẻ em.
Thúc đẩy chuyển giao công nghệ nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030’’.
Mục tiêu của Đề án nhằm định hướng chính sách hỗ trợ chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần cơ cấu lại các ngành kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó một số ngành, lĩnh vực có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và tăng cường bảo đảm an ninh – quốc phòng.
Nguồn Chinhphu.vn-TT