– Hỗ trợ học tập đối với HSSV dân tộc thiểu số rất ít người; chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phấn đấu giảm lãi suất cho vay; chấn chỉnh hoạt động quảng cáo; 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/5/2017.
|
Ảnh minh họa
|
Hỗ trợ học tập HSSV dân tộc thiểu số rất ít người
Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.
Đối tượng áp dụng là trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ (dân tộc thiểu số rất ít người).
Chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được Nhà nước hỗ trợ chăm sóc sức khỏe; trợ giúp xã hội; giáo dục, đào tạo…
Các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng
Chính phủ ban hành Nghị định 53/2017/NĐ-CP quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng.
Các biện pháp quản lý giá thuốc
Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược. Trong đó, Nghị định dành riêng Chương VIII để quy định cụ thể về các biện pháp quản lý giá thuốc gồm: Kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc, quy định về thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đấu thấu mua thuốc, đàm phán giá thuốc và các biện pháp bình ổn giá thuốc.
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; đẩy mạnh cho vay theo chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; rà soát, có biện pháp giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và cho vay mới đối với các hộ chăn nuôi…
Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động quảng cáo, tại Chỉ thị 17/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tăng cường quản lý, chấn chỉnh kịp thời những bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo chuyển biến tích cực nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động quảng cáo trên phạm vi cả nước
Hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, sẽ tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật đến năm 2025 giảm 70% nạn săn bắn các loài linh trưởng; xây dựng ít nhất 03 trung tâm cứu hộ đạt tiêu chuẩn để thực hiện việc cứu hộ, tái thả các cá thể linh trưởng theo các quy trình.
Kế hoạch hành động vì sự phát triển bền vững
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.
Tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn
Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn từ cấp trung ương đến cơ sở để đảm bảo bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học ở Việt Nam.
11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng
Theo Quyết định số 632/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng và cơ quan chủ trì từng lĩnh vực gồm: 1- Lĩnh vực giao thông (Bộ Giao thông vận tải); 2- Lĩnh vực năng lượng (Bộ Công Thương); 3- Lĩnh vực tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); 4- Lĩnh vực thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); 5- Lĩnh vực y tế (Bộ Y tế); 6- Lĩnh vực tài chính (Bộ Tài chính); 7- Lĩnh vực ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước); 8- Lĩnh vực quốc phòng (Bộ Quốc phòng); 9- Lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an); 10- Lĩnh vực đô thị (UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh); 11- Lĩnh vực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ (Văn phòng Chính phủ).
Điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 619/QĐ-TTg ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó quy định điều kiện, thẩm quyền công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Nguồn Chinhphu.vn-TT