VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong đại dịch: Nắm chắc tình hình, quyết liệt, sáng tạo

– Nửa đầu năm 2020, trong bối cảnh tình hình chưa có tiền lệ do đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, nắm chắc tình hình, quyết liệt, sáng tạo trong điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
       Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ; một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Theo báo cáo, năm 2020, bám sát Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ chủ động sớm đặt ra phương châm hành động năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 138 nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại Nghị quyết số 01, 49 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh tại Nghị quyết số 02.

Chính phủ đã xử lý linh hoạt, phù hợp thực tiễn, kết hợp hài hòa các mục tiêu trung dài hạn với vấn đề đột xuất phát sinh. Ngay từ những tháng đầu năm, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19, Chính phủ nhận định đúng tình hình, linh hoạt trong điều hành: Chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Khi tình hình được kiểm soát, đã nhanh chóng chuyển trọng tâm thực hiện “mục tiêu kép” – vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong “trạng thái bình thường mới”.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ  đạo của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc làm việc của Chính phủ. Phát huy vai trò, trí tuệ tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu Chính phủ. Nắm chắc tình hình, quyết liệt, sáng tạo trong điều hành, kịp thời chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết tâm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo của Chính phủ nêu cụ thể 14 chỉ đạo, điều hành trọng tâm, nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trước hết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng phòng chống đại dịch thành công.

Ngay từ khi xuất hiện dịch ngoài lãnh thổ, Thủ tướng Chính phủ đã có những biện pháp chủ động, coi chống dịch là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Thời gian cao điểm, Thường trực Chính phủ họp 2 đến 3 lần/tuần để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ… Thủ tướng Chính phủ chỉ  đạo công tác phòng, chống dịch chủ động, phù hợp với tình hình và thực lực của đất nước; ban hành kịp thời nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó, tổ chức cách ly, giãn cách xã hội. Huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, hy sinh quên mình của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an ngày đêm trên tuyến đầu phòng, chống dịch và sự ủng hộ của nhân dân.

“Vì vậy, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả quan trọng và ý nghĩa lớn. Việt Nam được dư luận thế giới đánh giá cao về bản lĩnh, ý chí, phương pháp phòng chống dịch bệnh; khẳng định truyền thống cao đẹp, đoàn kết đồng lòng, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta; củng cố sự tin tưởng của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ”, báo cáo nêu rõ.

Một kết quả nổi bật khác là thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Lãnh đạo Chính phủ thực hiện nhiều hoạt động tri ân, “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và của Chính phủ về các chính sách xã hội. Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện chính sách xã hội. Trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước những khó khăn do đại dịch COCID-19 gây ra, với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Hoàn thiện khung khổ pháp luật, tháo gỡ rào cản, giải phóng mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội là một nội dung nổi bật  khác của công tác chỉ đạo, điều hành.

Tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế theo hướng khơi thông các điểm nghẽn, phát triển các mô hình kinh tế mới, tranh thủ cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, các hiệp định thương mại tự do và đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư FDI.

Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác rà soát vướng mắc, bất cập, chồng chéo của pháp luật. Bước đầu xác định nhiều mâu thuẫn, thiếu đồng bộ của một số luật trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh để kiến nghị Quốc hội sửa đổi.

Trong 6 tháng, Chính phủ đã thảo luận, thông qua 7 dự án luật, 4 đề nghị xây dựng luật và đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020, thảo luận nhiều dự thảo nghị quyết quan trọng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; ban hành 71 nghị định, 120 nghị quyết thường kỳ và chuyên đề. Thủ tướng Chính phủ ban hành 21 quyết định quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách; đã quan tâm chỉ đạo gắn hoàn thiện thể chế với tổ chức thi hành pháp luật.

Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tranh thủ thời cơ, phục hồi và phát triển nền kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng luôn chỉ đạo theo dõi sát tình hình, chủ động các giải pháp về tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền tệ, tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Tranh thủ thời cơ vàng khi dịch bệnh được kiểm soát, với tinh thần nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương và Hội nghị trực tuyến Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, lần đầu tiên truyền hình trực tiếp với sự tham gia của khoảng 800.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh và các hiệp hội ngành hàng. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết để hành động.

Chủ động xây dựng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, miễn, giảm một số loại thuế, phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để thu hút, đón nhận các dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài.

Chỉ đạo khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế tăng tốc nhanh sau dịch, có sức đề kháng mạnh mẽ, chống chịu hiệu quả trước các cú sốc từ bên ngoài; cập nhật kịch bản tăng trưởng; xây dựng Đề án Đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Một nội dung chỉ đạo, điều hành nổi bật khác là tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động, sáng tạo thúc đẩy hợp tác quốc tế

Chủ động nắm chắc tình hình, xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là những vấn đề về quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ quyền biên giới, biển đảo và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và  Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đã đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 1/2020; tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao phù hợp với diễn biến dịch COVID-19, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế và các tổ chức quốc tế. Trình phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Thực hiện hiệu quả công tác bảo hộ công dân, đón công dân Việt Nam từ vùng dịch về nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ta ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chú trọng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng kinh tế; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; coi trọng giá trị văn hóa và con người Việt Nam; quan tâm phát triển các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường, thông tin truyền thông, khơi dậy tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, ý chí và bản lĩnh Việt Nam.

Báo cáo cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế, mà trước hết là việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật còn chậm; vướng mắc, bất cập của chính sách chậm được khắc phục.

Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong xử lý công việc chung chưa cao. Công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không dám làm, thiếu quyết liệt, né tránh, thậm chí đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực thay đổi, chưa có nhiều đổi mới bứt phá cả về phương pháp quản lý điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Có địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, phụ thuộc, tư duy cũ, chậm phản ứng với những vấn đề phát sinh.

Báo cáo nêu rõ các bài học kinh nghiệm. Một là, có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước; huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.

Hai là, khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên.

Ba là, nhận diện đúng tình hình, linh hoạt trong điều hành, tranh thủ thời cơ, xác định đúng trọng tâm, then chốt, tháo gỡ bằng quyết sách cụ thể để hài hòa mục tiêu trước mắt và dài hạn.

Bốn là, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, sáng tạo và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp, các ngành, nhất là hệ thống chính trị cơ sở và toàn dân trong tổ chức thực hiện.

Năm là, biến thách thức thành cơ hội, đổi mới tư duy, cách làm, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để thích ứng nhanh với bối cảnh mới.

Trong bối cảnh mới, đề nghị từng bộ, ngành, địa phương thực hiện phương châm đã được xác định, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và của Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01, 02, 42, 68 và 84 của Chính phủ, đổi mới cách làm, tranh thủ thời cơ, quyết liệt hành động, tiếp tục năng động, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

14 chỉ đạo, điều hành trọng tâm, nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

1. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng phòng, chống đại dịch thành công; quan tâm chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân.

2. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thể hiện tính ưu việt và nhân văn sâu sắc của chế độ ta.

3. Hoàn thiện khung khổ pháp luật, tháo gỡ rào cản, giải phóng mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

4. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tranh thủ thời cơ, phục hồi và phát triển nền kinh tế.

5. Coi nông nghiệp là thế mạnh, với vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

6. Cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp, phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, không để phụ thuộc vào một thị trường.

7. Chủ động cơ cấu lại thị trường khách du lịch, thúc đẩy du lịch nội địa phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

8. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và từng vùng kinh tế trọng điểm đáp ứng các yêu cầu phát triển mới.

9. Coi trọng giá trị văn hóa truyền thống và giá trị con người Việt Nam.

10. Bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo; nâng cao năng lực khoa học và công nghệ.

11. Coi bảo vệ môi trường là nền tảng phát triển bền vững.

12. Thúc đẩy mạnh mẽ Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính.

13. Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động, sáng tạo thúc đẩy hợp tác quốc tế.

14. Thông tin, truyền thông lan tỏa năng lượng tích cực trong cuộc sống, tạo đồng thuận xã hội

Nguồn (Chinhphu.vn)-TT