Chính phủ đề nghị Quốc hội giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
– Nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, và có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế.
Sáng 20/5, báo cáo Quốc hội tại ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách đối với lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, bao gồm cả giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó đề xuất giảm từ 20% xuống còn từ 15 – 17% nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số, và có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế.
Ảnh minh họa.
Ngoài việc miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Chính Phủ còn đề xuất Quốc hội xem xét, cân nhắc chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu, từ ngày 1/7, nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và Chính phủ có thêm nguồn lực cho mục tiêu cấp bách khác.
Đề xuất kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017 – 2020 sang năm 2021. Theo đó, 2021 sẽ ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022 – 2025 nhằm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp.