Tăng lương cơ sở, lương hưu; làm từ thiện để che giấu nguồn tiền bất hợp pháp sẽ phạm tội Rửa tiền… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2019.
Từ tháng 7, hàng loạt chính sách mới liên quan mật thiết đến đời sống xã hội sẽ chính thức có hiệu lực. Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, lương hưu, tăng mức xử phạt hành vi sử dụng điện khai thác thủy sản, cùng những quy định mới trong lĩnh vực ngân hàng, hình sự… sẽ được áp dụng.
Tăng lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Từ 1/7, hai nghị định của Chính phủ liên quan đến việc điều chỉnh mức lương cơ sở và lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ chính thức có hiệu lực.
Nghị định 38 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ có hiệu lực nêu rõ các đối tượng này sẽ được hưởng mức lương cơ sở cao hơn mức lương hiện tại 100.000 đồng/tháng. Mức lương cơ sở mới được áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng.
Mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/7.
Nghị định 44 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng chính thức quy định tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2019 đối với các đối tượng như cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng…
3 trường hợp công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển
Thông tư 03 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung quy định tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức có hiệu lực từ 1/7. Thông tư quy định 3 trường hợp công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển.
Các trường hợp này gồm người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học; là cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang, cơ yếu; tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp… Hoặc là công chức cấp phòng trở lên, được tiếp nhận để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý.
Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định viên chức chỉ cần đạt từ 50 điểm trở lên với mỗi bài thi trong kỳ thi nâng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì được coi là trúng tuyển (trước đây là 55 điểm).
Làm từ thiện để che giấu nguồn tiền bất hợp pháp là phạm tội Rửa tiền
Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ra Nghị quyết 03 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội Rửa tiền.
Theo đó, người thực hiện một trong các hành vi cụ thể nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền sẽ bị coi là phạm Tội rửa tiền.
Các hành vì đó gồm trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch tài chính, ngân hàng; trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các giao dịch khác như chơi, kinh doanh casino, trò chơi có thưởng, mua bán cổ vật; dùng tiền, tài sản để thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, cung ứng dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi;
Người dùng tiền, tài sản để làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo hoặc các hoạt động khác cũng phạm tội rửa tiền.
Dùng điện lưới đánh bắt cá có thể bị phạt đến 50 triệu đồng
Từ ngày 5/7, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ được áp dụng theo Nghị định 42 của Chính phủ.
Theo đó, mức phạt đối với hành vi sử dụng điện để khai thác thủy sản được quy định chi tiết.
Nếu dùng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá sẽ bị phạt 3 – 5 triệu đồng.
Dùng kích điện hoặc dùng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản sẽ phạt 15 – 20 triệu đồng nếu tàu cá dưới 12 m; 20 – 30 triệu nếu tàu cá từ 12 đến 15 m và 30 – 40 triệu đồng nếu tàu cá 15 m trở lên.
Chính phủ quy định tăng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện để đánh bắt thủy sản. Ảnh: Ngọc An
Mức phạt 40 – 50 triệu đồng sẽ được áp dụng với hành vi dùng điện lưới để khai thác thủy sản mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài phạt tiền, người có hành vi dùng điện để khai thác thủy sản còn có thể bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ; Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản 3 – 6 tháng…
Công dân được quyền đề xuất bản án, quyết định thành án lệ
Từ 15/7, Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có hiệu lực sẽ quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Theo nghị quyết, án lệ phải có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.
Ngoài tòa án, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án cho TAND Tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ hoặc bãi bỏ một án lệ đã có.
Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Các thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.
Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng tòa án không áp dụng án lệ phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định.
Dưới 15 tuổi được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng
Từ 5/7, Thông tư 48 của Ngân hàng Nhà nước cho phép công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, công dân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự được gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.
Trường hợp công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc chưa đủ 15 tuổi, việc thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm phải thông qua người đại diện theo pháp luật.
Cũng theo thông tư này, tổ chức tín dụng phải cung cấp một biện pháp để người gửi tiền tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm; việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người gửi tiền khi gửi tiền nhưng lãi suất rút trước hạn phải phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn Tintuc.vn-TT