Cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các FTA
– Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tuy vậy, việc tham gia FTA cũng mang đến nhiều khó khăn, thách thức…
Phiên họp của UBTVQH chiều 12/10. (Ảnh: Quang Khánh/ĐBND)
Chiều ngày 12/10/2020, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 49.
Ngay sau khi khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.
Cơ hội đi kèm thách thức
Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm một FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực đối với Việt Nam từ 1.8.2020 không thuộc phạm vi giám sát của chuyên đề này.
Theo ông Nguyễn Văn giàu, các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế – thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Từ 1995 đến nay, Quốc hội đã thông qua 19 luật, bộ luật, nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 45 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 quyết định; Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành 76 thông tư để thực hiện các FTA.
Riêng đối với CPTPP là FTA thế hệ mới, Chính phủ đã tiến hành rà soát pháp luật và đề xuất sửa đổi, bổ sung 12 văn bản bao gồm: 8 luật, 3 nghị định, một quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị ban hành mới là 5 văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: 4 nghị định và một quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn CPTPP có 15 nhóm cam kết được quy định áp dụng trực tiếp và 7 luật được sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong CPTPP.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Cụ thể trên một số lĩnh vực, như thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; đầu tư; cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế và ngân sách nhà nước; lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, cải cách thể chế; tạo thêm việc làm mới…
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng chỉ rõ, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như trong thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây, như lao động, công đoàn, môi trường.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách