VINAROYAL GROUP

Tư vấn thiết kế - Đầu tư và kinh doanh bất động sản
Dây truyền tuyển - luyện xỉ Titan
Dự án khu liên doanh kinh tế biển Đông - Nam; Mỹ Thủy Seaport trong tương lai
Trang chủ Tin trong nước

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Tích cực nhưng lúng túng!

– Tính đến thời điểm này, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên nhiều giải pháp cần được thực hiện quyết liệt để hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá, thoái vốn DNNN.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28 nghìn tỷ đồng và sự “hồi sinh” của nhiều đại dự án ngành Công Thương đã cho thấy bức tranh cổ phần hoá DNNN không chỉ toàn gam màu trầm. Tuy nhiên nhiều giải pháp cần được thực hiện quyết liệt để hoàn thành mục tiêu cổ phần hoá, thoái vốn DNNN.
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp

Nhiều tín hiệu tích cực

Theo kế hoạch trong năm 2018, 85 DNNN phải hoàn thành cổ phần hóa, trong đó,64 doanh nghiệp của năm 2018, còn 21 doanh nghiệp là từ năm 2017 chuyển sang. Trong 64 doanh nghiệp phải cổ phần hóa của năm 2018 đa số tập trung tại 02 thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh với 39 doanh nghiệp, và thành phố Hà Nội 11 doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hồng Long, nếu đánh giá tình hình cổ phần hóa DNNN là gam màu trầm e rằng chưa đầy đủ vì nhiều kết quả nổi bật trong việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018. Cụ thể, về việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, hiện đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN, bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017, tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672,09 tỷ đồng, tăng 184,65% so với phương án được phê duyệt, trong đó giá trị vốn nhà nước là 23.084,23 tỷ đồng, tăng 178,16% so với phương án được phê duyệt.

Việc IPO và bán cho cổ đông chiến lược đã thực hiện được 16 doanh nghiệp, trong đó, 8 doanh nghiệp phê duyệt phương án năm 2017, 8 doanh nghiệp của năm 2018, thu về 22.457,29 tỷ đồng.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại 42 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng, gấp 3,08 lần giá trị sổ sách. Trong đó, 10 doanh nghiệp thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg.

Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 22.457,29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn đạt 5.598 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng. Trước đó năm 2016 là 30 ngàn tỷ và năm 2017 là 140 ngàn tỷ; năm 2018 là 28 ngàn tỷ. Chưa bao gồm kết quả sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Lúng túng của các Bộ ngành và địa phương

Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP đang gây lúng tung cho các Bộ ngành và địa phương, đây có phải nguyên nhân khiến công tác cổ phần hoá diễn ra chậm? Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, đây là hai Nghị định có nhiều điểm mới, cụ thể, với Nghị định 126/2017/NĐ-CP, một là, điều chỉnh tiêu chí lựa chọn và có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá.

Hai là, về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, Nghị định quy định, căn cứ giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao và thuê) công bố, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Ba là, xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước.

Bốn là, quy định rõ việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ quan trọng để xác định giá khởi điểm bán cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa không điều chỉnh sổ sách kế toán theo kết quả xác định lại…

Còn với Nghị định số 32/2018/NĐ-CP cũng bao gồm những điểm mới liên quan đến xác định giá khởi điểm bán cổ phần được quy định tại như: định giá thương hiệu, quyền sử dụng đất giao, đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử…

Đặc biệt, một trong những sửa đổi quan trọng của Nghị định 32 là về nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp Nhà nước tại doanh nghiệp khác. Theo đó, khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần thì phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá.

Hiện Bộ Tài chính đã ban hành 2 Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 126, các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32 đang được xây dựng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sự chưa nghiêm túc, quyết liệt của một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này là doanh nghiệp có quy mô lớn, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xác định giá trị doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Nhưng đây là các quy định mới theo hướng chặt chẽ hơn, quy định thời gian triển khai dài hơn, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước nên cần nhiều thời gian để triển khai, thực hiện.

Đất đai nguyên nhân khiến công tác cổ phần hoá DNNN diễn ra chậm

Tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu vấn đề đất đai là một trong những nội dung khi cổ phần hóa phải quan tâm nhiều. Vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản với thời hạn cụ thể yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện.

Cũng theo ông Long, để hoàn thành  cao nhất kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 đã đề ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp tục nghiêm túc, thực hiện có kết quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và chỉ đạo Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 14 tháng 02 năm 2018, trong đó bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ quan trọng, thứ nhất, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổ chức các đoàn công tác thường xuyên, trực tiếp đôn đốc tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, chủ động, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018.

Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tình hình thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số: 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016; 31/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2017; 1232/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017 để đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi có vướng mắc cần xử lý…

Thứ ba, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có đất đai nằm trên địa bàn theo đúng quy định.

Thứ tư, Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp theo dõi sát tình hình thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, phối hợp với các cơ quan liên quan trực tiếp làm việc với một số đơn vị trọng điểm để đôn đốc, đề xuất với Trưởng ban Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước 6 tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo.

Tồn tại của các doanh nghiệp ngành Công Thương

Theo ông Nguyễn Hồng Long, với việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban. Trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Ban chỉ đạo đã trực tiếp khảo sát, làm việc với từng dự án, doanh nghiệp; Hàng quý họp, đánh giá, rà soát tổng thể và đưa ra những điều chỉnh kịp thời. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 phê duyệt Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp này, đề ra các phương án, giải pháp xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp.

Sau hơn một năm triển khai theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong số 06 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung, 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, Công ty DQS.

Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại một phần của Nhà máy là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ. Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Như vậy, các dự án đi vào hoạt động ổn định và các dự án vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã bảo đảm duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị – xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra.

Nguồn vnmedia.vn-TT